Tây Ninh: Đến năm 2030, doanh thu bình quân của hợp tác xã phải đạt hơn 25 tỷ đồng
Tây Ninh: Đến năm 2030, doanh thu bình quân của hợp tác xã phải đạt 25 tỷ đồng
Trần Khánh
Thứ tư, ngày 15/12/2021 12:41 PM (GMT+7)
Đến năm 2030, ngoài việc doanh thu bình quân của hợp tác xã (HTX) phải đạt hơn 25 tỷ đồng, lãi bình quân 900 triệu đồng/HTX, tỉnh Tây Ninh còn đặt ra chỉ tiêu thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 100 triệu đồng/năm.
Đây là mục tiêu mà Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh đặt ra tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện nghị quyết Trung ương về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tổ chức ngày 15/12.
Theo đó, đến năm 2030, đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) chiếm 0,3% GRDP của tỉnh.
Đến năm 2030, Tây Ninh phải đạt số lượng 160 tổ hợp tác, 185 HTX và 2 liên hiệp HTX.
Trong đó có 40% là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của địa phương.
Mỗi năm, doanh thu bình quân của một HTX đạt 25,24 tỷ đồng và lãi bình quân là 900 triệu đồng/HTX.
Kéo theo đó là thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX đạt 100 triệu đồng/năm.
Thành quả sau 20 năm
Tính đến 31/12, Tây Ninh có 161 HTX, tăng 112 HTX (số lượng HTX năm 2001 là 49 HTX).
Doanh thu bình quân của 1 HTX tăng từ 12,1 tỷ đồng/năm vào năm 2001 lên 16 tỷ đồng năm 2021.
Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX cũng tăng từ 17 triệu đồng/người năm 2001 lên 75 triệu đồng/người năm 2021.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có 105 HTX với 3.760 thành viên; tăng 225%) so với năm 2001.
Các HTX nông nghiệp ở Tây Ninh hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực như: dịch vụ thủy lợi, chăn nuôi, sản xuất rau an toàn, dịch vụ nông nghiệp.
Doanh thu bình quân 1 HTX nông nghiệp năm 2021 là 1,65 tỷ triệu đồng; tăng 2 lần so với năm 2001.
Mức lãi bình quân 1 HTX nông nghiệp năm 2021 là 350 triệu đồng; tăng 3 lần so với năm 2001.
Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX nông nghiệp năm 2021 là 50 triệu đồng/người/năm; tăng 33 triệu đồng so với 2001.
Đến năm 2021, đã có 28% HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; 66% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, thực hiện liên kết đầu vào, đầu ra bằng các hợp đồng liên kết ổn định.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Tây Ninh đánh giá, HTX vẫn là hình thức tổ chức sản xuất tốt nhất để khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; tập trung nguồn lực, đặc biệt tập trung đất đai để sản xuất lớn.
Trong việc xây dựng nông thôn mới, HTX cũng đóng vai trò nòng cốt khi thực hiện các hình thức sản xuất theo quy hoạch, thực hiện tiêu chí nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được một số mô hình kinh tế tập thể điển hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh.
Một số HTX tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm, gắn với các sản phẩm nông nghiệp của địa phương như HTX mãng cầu Thạnh Tân (TP.Tây Ninh), HTX xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên)...
Kinh tế hợp tác còn nhiều khó khăn
Tính đến 31/12, tỷ lệ cán bộ quản lý HTX ở Tây Ninh đạt trình độ sơ, trung cấp chiếm 50%; số cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học chiếm 31%.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với công tác đào tạo là nhiều cán bộ quản lý HTX nông nghiệp đã lớn tuổi.
Trình độ năng lực, khả năng nắm bắt thông tin để vận dụng còn hạn chế. HTX không đủ nguồn lực để thu hút nhân lực tham gia và phát triển HTX.
Thực tế cho thấy, nhu cầu vay vốn hàng năm của các HTX rất lớn. Thủ tục vay vốn theo quy định vẫn còn phức tạp, các tổ hợp tác, HTX khó tiếp cận.
Tổng doanh số cho vay của Quỹ hỗ trợ HTX từ khi thành lập (năm 2014) đến nay là 49.040 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn được ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh chỉ có 20 tỷ đồng.
Việc hỗ trợ chế biến sản phẩm đối với HTX hầu như chưa có chính sách cụ thể mà chỉ có Quyết định số 68/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.
Rất ít HTX được tiếp cận được việc hỗ trợ thiết bị theo Quyết định số 68 này. Nguyên nhân là Quyết định số 68 chỉ hỗ trợ lãi suất vay. Trong khi HTX không có tài sản đảm bảo để vay được vốn.
Một số HTX tiếp cận được Quyết định số 68 thì yêu cầu mua thiết bị phải có hóa đơn, và chịu thuế giá trị gia tăng.
Trong khi đó, HTX chỉ cần mua thiết bị của tư nhân sản xuất, không chịu thuế giá trị gia tăng, có giá trị sản phẩm thấp hơn nhiều kể cả sau khi đã trừ lãi suất vay được hỗ trợ.
Đánh giá chung, hoạt động của các HTX trong những năm qua đã góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội ở Tây Ninh.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng thừa nhận, khu vực kinh tế tập thể, HTX của Tây Ninh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Tốc độ phát triển của HTX còn chậm, chưa vững chắc và chưa tương xứng với tiềm năng.
Quy mô của đa số các HTX còn nhỏ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Việc liên kết giữa HTX với HTX, HTX với doanh nghiệp còn ít, chưa chặt chẽ.
Để phát huy vai trò của kinh tế tập thể, ông Hùng đề nghị các cấp, ngành, địa phương thường xuyên đồng hành, hướng dẫn tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn.
"Cần sớm xây dựng, ban hành Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030, để khu vực kinh tế tập thể tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của tỉnh", ông Hùng đề nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.