Tây Ninh: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 là người biến đất hoang vùng biên cương thành cơ ngơi bạc tỷ

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 27/11/2021 06:21 AM (GMT+7)
Nỗ lực trồng khóm, biến vùng đất đất hoang hóa miền biên cương thành cơ ngơi bạc tỷ của ông Nguyễn Văn Sáu ở xã Phước Bình, TX Trảng Bàng là hành trình dài gắn liền đề án chuỗi giá trị của tỉnh Tây Ninh.
Bình luận 0

Cây khóm đã mang về cho ông Nguyễn Văn Sáu xã Phước Bình, TX Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) nguồn thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ông Sáu cũng là 1 trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021".

Clip: Ông Nguyễn Văn Sáu, xã Phước Bình, TX Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 chia sẻ về quá trình khai hoang phục hóa vùng đất vùng biên cương Tây Nam trở thành nơi cho thu bạc tỷ. Thực hiện: Nguyên Vỹ

Làm liều biến đất hoang hóa miền biên cương thành cơ ngơi bạc tỷ

Ấp Bình Phú (xã Phước Bình, TX Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) nằm tiếp giáp biên giới nước bạn Campuchia. Đó cũng là nơi chúng tôi có hẹn tìm về nơi đầu tiên triển khai trồng khóm (dứa) theo đề án chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Bà con chỉ đường cho chúng tôi căn dặn: "Lực lượng tuần tra biên phòng có hỏi, chú cứ nói đến thăm mô hình trồng khóm của ông Nguyễn Văn Sáu là ô kê".

Qua mấy con đường thưa thớt nhà cửa, những cánh đồng nước ngập mênh mang rồi cũng đến được nơi cần hẹn. Trên gương mặt sạm đen vì nắng, ông Sáu nở nụ cười điềm đạm: "Sao không bảo tôi nhờ người dẫn vô cho đỡ cực".

Ông nói vậy thôi chứ làm gì có người nào. Sau thời gian dài dịch bệnh, nhân công chưa trở lại đầy đủ. Bản thân ông cũng mới kết thúc thời hạn cách ly vì tiếp xúc gần với ca nhiễm F0.

Vườn khóm của ông Nguyễn Văn Sáu ở ấp Bình Phú (xã Phước Bình, TX.Trảng Bàng) nằm tiếp giáp biên giới nước bạn Campuchia. Ảnh: Nguyên Vỹ

Vườn khóm của ông Nguyễn Văn Sáu ở ấp Bình Phú (xã Phước Bình, TX.Trảng Bàng) nằm tiếp giáp biên giới nước bạn Campuchia. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chỉ tay xuống con đường đang sải bước, bao bọc lấy cánh đồng rộng hàng trăm ha, ông Sáu nói ngày xưa muốn vào được chỗ này phải lội nước tới ngang ngực.

Sau nhiều lần cải tạo, cùng bao nhiêu mồ hôi công sức, cả vùng đồng bưng ấp Bình Phú mới có được cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như bây giờ.

Toàn bộ con đường đê bao, đường dẫn vào nội đồng, đường dây điện đều do ông bỏ tiền túi ra làm. Không chỉ vận chuyển nông sản cho trại trồng khóm của ông Sáu mà nhiều nông dân khác cũng được hưởng lợi nhiều lắm.

Ngồi tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà nhỏ giữa cánh đồng nắng cháy, ông Sáu kể nơi khỉ ho cò gáy này vốn là vùng hoang hóa. Nước thì nhiễm phèn, chỉ có cỏ năng, cỏ dại mới sống nổi.

Khu vực này lại cách xa khu dân cư, không đường, không điện nên giá đất nông nghiệp ngày trước còn rẻ. Nhờ phát triển kinh tế hộ cá thể, ông Sáu cứ tích cóp dần rồi mua lại đất nhiễm phèn bỏ hoang của bà con.

Đến nay, cả phần đất thuê lẫn đất của gia đình ông đang canh tác tổng cộng khoảng 200ha. Riêng đất trồng khóm là 60ha.

Cơ duyên đưa ông Sáu đến nghề trồng khóm cũng không phải ngẫu nhiên.

Năm 2016, tỉnh Tây Ninh thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Cùng với đó là nhà máy chế biến rau, củ, quả Tanifood sẽ xây dựng ở huyện Gò Dầu.

Ông Sáu nghĩ, đây chính là tiền đề để đổi thay vùng đất hoang hóa. "Nhưng quyết định chuyển từ trồng lúa sang trồng khóm cũng phải đắn đo dữ lắm. Vì lúa là cây trồng truyền đời bao năm của dân vùng này", ông Sáu nói.

Ông Nguyễn Văn Sáu là 1 trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Sáu là 1 trong 63 gương mặt nhà nông của cả nước nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhờ tỉnh Tây Ninh tạo điều kiện, ông Sáu tham quan học hỏi những mô hình hay ở cả trong và ngoài nước. Ông Sáu cho rằng muốn làm giàu từ nông nghiệp phải liều, nhưng liều phải có cơ sở.

Được lãnh đạo Tỉnh ủy, ngành nông nghiệp tỉnh động viên; ông Sáu trở thành nông dân đầu tiên của tỉnh liều mình cải tạo đất nhiễm phèn để trồng khóm, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy theo hợp đồng.

Hợp đồng đăng ký bao tiêu sản phẩm trên diện tích 200ha. "Năm 2017, 1ha khóm đầu tiên trồng thử nghiệm bị ngập nước, cây khóm bị nhiễm phèn, chết sạch. Có dễ ăn đâu chú!", ông Sáu kể.

Thế là ông Sáu phải bắt tay cải tạo lại hệ thống kênh mương, đường nội đồng, mà quan trọng nhất là đường đê bao chống ngập cho cả vùng trồng.

Đất thì rộng, sức người và của cải đổ ra không biết bao nhiêu mà kể. Ông Sáu đầu tư hơn 600 triệu đồng đắp đê bao quanh, làm hệ thống mương thoát nước, lắp đặt hệ thống tưới tự động, làm đường giao thông nội bộ.

Ngoài những kiến thức tự tìm hiểu, ông còn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ địa phương về công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho khóm.

Không phụ sức người, đất phèn rồi cũng sinh trái ngọt. Trung bình, cứ mỗi ha khóm, sau 3 năm trồng sẽ có sản lượng khoảng 60 tấn. Toàn bộ sản phẩm được nhà máy bao tiêu theo giá hợp đồng là 6.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Sáu chăm sóc vườn khóm vừa trồng mới lại. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Nguyễn Văn Sáu chăm sóc vườn khóm vừa trồng mới lại. Ảnh: Nguyên Vỹ

Mức giá này còn sự điều chỉnh, tăng lên hạ xuống theo giá thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân, vừa giữ mối liên kết bền chặc giữa nông dân và nhà máy. 

Với 60ha khóm hiện tại, ông Sáu thu lãi gần 5 tỷ đồng mỗi năm.

Cần thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể

Theo đề án phát triển chuỗi giá trị và cung ứng ngành nông nghiệp Tây Ninh, trong 5 loại cây trồng tiềm năng thì cây khóm được đánh giá ở vị trí thứ 5.

Xét về các điều kiện tự nhiên, cây khóm có phạm vi thích nghi rộng hơn so với các loại cây ăn quả khác. Khóm còn là loại cây dễ trồng, cho thu hoạch nhiều vụ trong năm, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau từ đất phù sa, đất xám và đất phèn.

Kết quả khảo sát của các nhà chuyên môn cho thấy điều kiện tự nhiên ở Tây Ninh có tiềm năng phát triển từ khóm.

Có nhiều giống khóm khác nhau, nhưng hiện nay giống được trồng ở Tây Ninh chủ yếu là giống khóm queen với năng suất bình quân 25 tấn/ha.

Giống khóm được trồng trong vườn của ông Sáu cũng như toàn tỉnh Tây Ninh chủ yếu là giống khóm queen. Ảnh: Nguyên Vỹ

Giống khóm được trồng trong vườn của ông Sáu cũng như toàn tỉnh Tây Ninh chủ yếu là giống khóm queen. Ảnh: Nguyên Vỹ

Kết quả khảo sát của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho thấy số lượng chồi giống được trồng với mật độ 40.000 chồi/ha. Chi phí đầu tư bình quân cho 1 ha dứa chỉ khoảng 40-65 triệu đồng/ha/năm.

Với giá bán khoảng 6.000 đồng/kg, ước tính mỗi ha khóm cho thu nhập ít nhất 150 triệu đồng; trừ chi phí còn lãi khoảng 70-80 triệu đồng.

Từ năm thứ 2 trở đi, cây khóm cho thu hoạch tương đối ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế, thu lợi nhuận hàng năm ổn định hơn so với lúa, mì, mía,…

Với giá bán khá ổn định, nhiều năm qua, một số hộ dân trồng lúa thu nhập thấp đã chọn cây khóm là giống chuyển đổi cây trồng. Hầu hết các hộ canh tác cây khóm đều cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa trước đó.

Nhân công chăm sóc vườn khóm. Ảnh: Trần Nhi

Nhân công chăm sóc vườn khóm. Ảnh: Trần Nhi

Ông Sáu kể, trước kia, khi ông gom tiền mua đất ở khu vực này, ai cũng nói ông liều vì nhiều loại cây trồng ở đây đều thất bại. Nhưng kết quả thực tế cho thấy cây khóm thích nghi tốt trên đất này.

Cụ thể như cây lúa đòi hỏi công và kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng, tuy nhiên năng suất và giá bán lại bấp bênh.

Cây khóm ít bị sâu rầy, rất dễ chăm sóc. "Nhiều khi bỏ quên ruộng khóm cả tuần lễ cũng không sao chứ lúa chừng 3 ngày không thăm đồng là sâu rầy tấn công sạch", ông Sáu nói.

Cứ mỗi năm trồng mới 20-30ha, người trồng chiết cây cây con ra để làm giống cũng tiết giảm tiền mua cây giống (1.200 đồng/cây).

Ông sáu tự chiết cây giống để tiết kiệm chi phí đầu tư. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông sáu tự chiết cây giống để tiết kiệm chi phí đầu tư. Ảnh: Nguyên Vỹ

Cây khóm cũng chưa từng gặp cảnh hái xong rồi đổ bỏ. Còn chuyện mua bán khó khăn, giá giảm do ảnh hưởng dịch bệnh là khó khăn chung của cả nước. Ông Sáu cũng thiệt hại gần 400 triệu đồng trong đợt dịch vừa qua.

Cũng có giai đoạn phía nhà máy Tanifood gặp khó khăn, việc thu mua theo hợp đồng với nông dân bị đứt khúc. 

Lúc đó, người trồng khóm tự tìm kênh tiêu thụ bên ngoài. Song những khó khăn này cũng dần được tháo gỡ.

Sau khi dịch bệnh được khống chế, ông Sáu dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng khóm. Diện tích tăng dần theo năng lực của nhà máy.

Ông Sáu đánh giá, chính sách chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế của tỉnh Tây Ninh là đúng đắn. 

Những khó khăn do dịch bệnh hay nội bộ nhà máy là khách quan. Ông Sáu vẫn tin tưởng vào mô hình trồng khóm của mình.

Thế nhưng để phát triển rộng hơn nữa mô hình thì còn nhiều khó khăn. "Tôi thấy việc trồng khóm như hiện nay là hiệu quả. Nhiều người nhìn thấy, cũng muốn nhưng chưa thể làm theo", ông Sáu nói.

Ông Sáu đánh giá mô hình trồng khóm cho hiệu quả cao như để mở rộng cần thúc đẩy mô hình kinh tế hợp tác. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Sáu đánh giá mô hình trồng khóm cho hiệu quả cao như để mở rộng cần thúc đẩy mô hình kinh tế hợp tác. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo phân tích của ông, nông dân không ngại làm nhưng ngại đầu ra. Đợt rủi ro vì dịch bệnh như vừa qua là một minh chứng.

Muốn trồng khóm thì phải đào mương, lên liếp; cải tạo đồng bộ trên diện tích lớn. Người dân đa phần sở hữu diện tích nhỏ nên còn e ngại.

Nếu không hiệu quả, muốn quay trở lại làm lúa cũng phải đợi 2-3 mùa khóm. Máy cày muốn ban đất cho bằng phẳng trở lại cũng dễ bị sụt lún xuống đường mương cũ.

Người trồng lúa vẫn có thể mua thiếu vật tư nông nghiệp, đến vụ thu hoạch lại trả. Thiếu chi phí đầu tư ban đầu và quỹ đất lớn nên nhiều người chưa mạnh dạn đầu tư.

Vì thế, chính quyền cần phải có thêm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, thành lập hợp tác xã để liên kết các hộ dân nhỏ lẻ lại với nhau.

"Nếu có vốn, có đất thì đầu tư trồng khóm vẫn nhàn và hiệu quả hơn so với làm lúa. Nhiều nông dân ở các địa phương khác vẫn về đây học tập mô hình", ông Sáu chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem