Tây Ninh: Lạ, nuôi vỗ béo con trăm chân, ông nông dân thu lời mỗi năm hàng trăm triệu đồng

Trần Đáng Thứ hai, ngày 06/09/2021 05:30 AM (GMT+7)
Từ chỗ mua đi bán lại rết, ông Võ Long Hải (xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) nghĩ ra cách nuôi vỗ béo rết. Giờ mỗi năm từ nghề nuôi vỗ béo rết, ông Hải thu lời vài trăm triệu đồng.
Bình luận 0

Được biết, lúc cao điểm, trại của ông Võ Long Hải nuôi vỗ béo rết 1.000 - 2.000 con rết.

Lạ: Nuôi vỗ béo con trăm chân, ông nông dân thu lời mỗi năm hàng trăm triệu đồng - Ảnh 1.

Cách nuôi vỗ béo rết của ông Võ Long Hải (xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) là cho rết vào chai. Ảnh: Trần Đáng.

Nuôi vỗ béo rết trong chai nhựa

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Dầu, ông Võ Long Hải thu mua rết hơn chục năm nay.

Ngoài thu mua rết của những người săn bắt rết ngoài tự nhiên, ông Hải có một đội chuyên đi bắt rết ở các tỉnh.

Vào mùa rết rộ, mỗi ngày ông Hải thu mua 40 – 50kg rết. Còn ngày thường, ông mua 20 – 30kg rết.

Việc mua đi bán lại rết khiến ông Hải nhận ra cần phải nuôi vỗ béo những con rết nhỏ để khi bán có giá tốt hơn.

Chính vì thế, hơn 1 năm nay, ông Võ Long Hải chuyển sang nuôi vỗ béo rết.

Hiện, tại trại nuôi vỗ béo rết của ông Hải, nhìn đâu cũng thấy chai nhựa. Hàng ngàn chai nhựa được đặt từ ngóc ngách nhà cho đến ngoài hiên. Mỗi chai là một ổ nuôi vỗ béo rết.

Theo đó, để nuôi vỗ béo rết, ông Hải thu mua chai nhựa đựng nước rồi cắt bỏ miệng chai.

Đồng thời, ông Hải cho khoan nhiều lỗ dưới đáy chai rồi bỏ vào chai một ít xơ dừa để tạo môi trường sống cho rết.

Mỗi chai nhựa như thế ông Hải cho vào một con rết con để nuôi vỗ béo.

Lạ: Nuôi vỗ béo con trăm chân, ông nông dân thu lời mỗi năm hàng trăm triệu đồng - Ảnh 2.

Nhân công trại vỗ béo rết đang kiểm tra rết nuôi trong chai tại trại rết của ông Võ Long Hải, xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Trần Đáng.

Về nguồn thức ăn của rết, ông Hải tự nuôi dế cơm làm thức ăn cho rết. Cứ vài ba ngày, ông Hải cho rết ăn một lần. Mỗi lần 1 - 2 con dế cơm. 

Nếu ăn nhiều thức ăn, rết sẽ chết. Sau khoảng 1 năm nuôi vỗ béo rết, ông Hải xuất bán ra thị trường.

Theo ông Nghĩa, rết nuôi càng lâu càng có giá cao.

Hiện, ngoài làm thức ăn khoái khẩu cho chim, cá kiểng, rết còn được thị trường dược liệu tiêu thụ.

Bên cạnh việc bán rết tươi, ông Hải còn có rết sấy khô để bán cho các cửa hàng dược liệu trong nước. Thậm chí, ông Hải còn xuất khẩu rết sấy sang thị trường Trung Quốc.

Theo anh Ngô Hồng Khanh, quản lý trại rết, rết là con "nắng không ưa, mưa không chịu", nhưng khi nuôi phát triển rất tốt, ít hao hụt.

Hiện, tại trại, trung bình mỗi kg rết có giá 50.000 – 120.000 đồng. Nếu rết rơi vào cỡ 50 con/kg, giá rết là 1,2 triệu đồng/kg. Rết 70 – 80 con/kg, có giá 800.000 – 1 triệu đồng/kg.

Với cách thu mua và nuôi vỗ béo rết, mỗi năm ông Hải có lời hàng trăm triệu đồng.

Lạ: Nuôi vỗ béo con trăm chân, ông nông dân thu lời mỗi năm hàng trăm triệu đồng - Ảnh 4.

Ngoài nuôi vỗ béo rết, ông Hải còn sấy rết để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Trần Đáng.

Cho rết sinh sản để lấy nguồn rết giống

Hiện, do giãn cách xã hội, những người đi săn bắt rết bán cho ông Hải đã nghỉ. Vì vậy, hoạt động thu mua rết của ông Hải cũng tạm dừng.

Tuy nhiên, tại trại rết của ông Hải vẫn còn 15kg rết đang được nuôi vỗ béo.

Theo anh Khanh, do lượng rết tự nhiên ngày càng khan hiếm, vài tháng trước, ông Hải đã thử nghiệm cho rết sinh sản nhằm chỉ động nguồn rết để cung cấp cho thị trường sau này.

Nhưng cho đến nay, việc cho rết sinh sản chưa cho kết quả như ý.

Theo anh Khanh, trại đang mò mẫm xây dựng kỹ thuật nuôi rết sinh sản. Hiện, kỹ thuật nuôi rết sinh sản khá khó khăn. Rết mẹ đẻ chưa tốt, sản lượng không cao. Khi nuôi, rết con hao hụt nhiều.

"Hiện, ông Hải chưa thể phối giống cho rết được. Ông Hải chưa biết được thời điểm rết giao phối, nên khi thả rết bố mẹ vào chung môi trường, thay vì phối giống, rết lại cắn nhau đến chết", ông Nghĩa cho biết.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gò Dầu (Tây Ninh), mô hình nuôi vỗ béo rết của ông Võ Long Hải là mô hình mới, lạ ở địa phương.

Lạ: Nuôi vỗ béo con trăm chân, ông nông dân thu lời mỗi năm hàng trăm triệu đồng - Ảnh 5.

Trong trại nuôi vỗ béo rết của ông Hải, hàng ngàn chai nhựa được xếp đặt khắp nơi. Ảnh: Trần Đáng.

"Mô hình cho hiệu quả kinh tế tốt. Diện tích nuôi vỗ béo rết không nhiều rất thích hợp với các hộ ít đất sản xuất", ông Nghĩa đánh giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem