Tây Ninh: Lãng phí hàng tỷ đồng mua trang thiết bị đào tạo nghề nông thôn

Trần Khánh Thứ năm, ngày 16/01/2020 06:50 AM (GMT+7)
Kết luận mới đây của Thanh tra tỉnh Tây Ninh cho biết gói thầu thiết bị dạy nghề nông thôn mua sắm từ năm 2011 nhưng nhiều thiết bị không sử dụng, gây lãng phí hơn 3,24 tỷ đồng.
Bình luận 0

Kết luật thanh tra số 06/KL-TTr của tháng 11/2019 của Thanh tra tỉnh nêu, một số thiết bị đã bàn giao, nghiệm thu qua nhiều năm nhưng không sử dụng; hoặc đã đưa vào sử dụng một thời gian lại ngưng và không dùng, hoặc đã hư hỏng không còn sử dụng được.

Trong gói thầu mua sắm thiết bị dạy nghề nông thôn từ tháng 12/2011, đến thời điểm kết luận thanh tra nay đã hơn 7 năm, có một số thiết bị không sử dụng với giá trị hơn 3,24 tỷ đồng; chiếm trên 59,46% giá trị gói thầu mua sắm.

img

Đã có nhiều thiếu sót, sai phạm trong việc mua sắm thiết bị đào tạo nghề nông thôn

Đây là gói thầu thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, được UBND tỉnh giao cho Sở GDĐT mua thiết bị phục vụ dạy nghề nông thôn để thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhu cầu học nghề nông thôn ở các địa phương khác nhau nhưng được trang bị thiết bị cho 9 trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) như nhau nên có một số thiết bị không phù hợp với từng địa phương. Trước đó, do không có trường dạy nghề ở 9 huyện, thành phố nên Sở LĐTBXH tham mưu UBND tỉnh giao cho Sở GDĐT làm chủ đầu tư mua sắm gói thiết bị.

Theo ông Lê Văn Tẳng - Phó Chánh thanh tra tỉnh, việc mua sắm trang thiết bị dạy học của Sở GDĐT trong kỳ thanh tra nêu trên còn nhiều thiếu sót, sai phạm. Trong đó, số thiết bị dạy nghề không sử dụng trong thời gian rất dài gây lãng phí có giá trị hơn 3,24 tỷ đồng là nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm là trước khi lập kế hoạch mua sắm đã không dựa vào tiêu chuẩn, định mức và nhu cầu thực tế; một số trường học lập danh mục nhu cầu sử dụng cũng không sát thực tế.

Việc này đã được HĐND tỉnh khóa IX chất vấn, kết luận bằng Thông báo số 28 ngày 29/12/2017. Tuy nhiên, đến thời điểm kết luận thanh tra, việc khắc phục còn chậm. Trách nhiệm chính thuộc về người đứng đầu Sở GDĐT cùng các cá nhân liên quan.

Với Sở GDĐT, Thanh tra tỉnh kiến nghị, cần khẩn trương đưa thiết bị chưa sử dụng vào sử dụng, không để tiếp tục lãng phí. Với thiết bị không sử dụng, ít sử dụng, ngưng sử dụng thì xem xét điều chuyển. Chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan.

Sở Tài chính cũng cần tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch mua sắm nhưng không xem xét cụ thể dẫn đến lãng phí.

img

Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Bến Cầu, một trong những đơn vị thụ hưởng các thiết bị đào tạo nghề. Ảnh: BTO

Sở GDĐT và Sở Tài chính đều có văn bản giải trình cho tình trạng lãng phí nêu trên. Bà Mai Thị Lệ - Giám đốc Sở GDĐT cho biết, báo cáo của Sở đã trình bày khá đầy đủ những việc làm được, chưa làm được, cùng các nguyên nhân khác nhau nhưng chưa được Thanh tra tỉnh xem xét thấu đáo.

Đại diện Sở GDĐT đề nghị Thanh tra tỉnh và UBND tỉnh xem xét toàn diện, khách quan từng giai đoạn thực hiện chủ trương đầu tư trang thiết bị dạy học, trong đó có thiết bị dạy nghề nông thôn. Từ đó xem xét lại mức độ kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong phạm vi đơn vị Sở GDĐT.

Ông Trương Trúc Phương - Phó Giám đốc Sở Tài Chính cũng đề nghị cần xem xét lại kết luận thanh tra khi kế hoạch và tờ trình của Sở GDĐT không thể hiện trên cơ sở văn bản về tiêu chuẩn, định mức tối thiểu, nhu cầu thực tế, số lượng nhưng vẫn được Sở này thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng, hiện Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh đang tiếp tục mời các đơn vị, các sở ngành liên quan cùng UBND các huyện, thành cho ý kiến xử lý và chỉ đạo thực hiện Kết luận thanh tra nêu trên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem