Nhiều CCN được quy hoạch ở vùng biên giới, giao thông chưa đồng bộ nên các dự án thường dựa vào nguyên liệu có sẵn. Ảnh: Nguyên Vỹ
Hiện, Tây Ninh có 18 CCN còn nằm trong quy hoạch với diện tích đất hơn 802ha. Theo báo cáo đánh giá kết quả 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 68 trên địa bàn của UBND tỉnh, CCN cơ bản đã góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất của các doanh nghiệp. Năm 2017, tổng doanh thu của các dự án đầu tư trong CCN đạt hơn 1.394 tỷ đồng, tạo việc làm cho 2.333 lao động, nộp ngân sách 8,555 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tỷ lệ diện tích đất lấp đầy so với quy hoạch tại các cụm CCN có dự án hoạt động đến nay vẫn chưa cao. Phần lớn các CCN được quy hoạch ở các xã, huyện biên giới của tỉnh, giao thông chưa đồng bộ, xa trung tâm tỉnh và TP.HCM nên các dự án đầu tư vào CCN èo uột, không đa dạng.
Trước đó, tháng 7.2018, ông Lê Thành Công - Giám đốc Sở Công Thương đã báo cáo thẩm định đề nghị điều chỉnh một số nội dung CCN ra khỏi quy hoạch. Sở Công Thương cho rằng việc này là cần thiết vì quy hoạch đã nhiều năm nhưng chưa thu hút được đầu tư.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, do quy chế vừa mới ban hành, đồng thời cũng chưa có nhiều dự án xin đầu tư vào CNN nên chưa đánh giá được những thuận lợi, khó khăn trong việc triển khai nghị định cũng như quy chế phối hợp.
UBND tỉnh Tây Ninh đã đề xuất Chính phủ quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đối với các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN ở các xã, huyện biên giới. Đồng thời, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Ðầu tư sớm trình Chính phủ bổ sung danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư, danh mục ngành, nghề đặc biệt hưởng ưu đãi đầu tư và có hướng dẫn để thực hiện Nghị định 68.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.