'Tay săn đặc sản' nhộng ong rừng cừ khôi: Nghề nguy hiểm hái ra tiền

Hà Hoàng Thứ năm, ngày 21/11/2019 06:30 AM (GMT+7)
Với nhiều người dân tộc Thái trắng sinh sống ở bản Cao Đa I (xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La), ngoài thời gian dành cho ruộng, vườn, nương rẫy thì vào rừng săn nhộng ong rừng (ong bắp cày, ong chần, ong dần) đang là nghề hái ra tiền...
Bình luận 0

Một ngày giữa tháng 11 dương lịch, phóng viên Báo Điện tử DANVIET.VN có dịp theo chân anh Hoàng Văn Đại, một tay săn ong rừng cừ khôi có tiếng ở bản Cao Đa I, xã Phiêng Ban. Năm nay 41 tuổi, anh Đại đã có thâm niên hơn 15 năm sống bằng nghề săn nhộng ong rừng.

Sáng sớm, khi mặt trời vừa ló rạng, chúng tôi cuốc bộ vượt rừng, ngược đèo dốc, lội suối nhiều giờ đồng hồ mới tới được khu rừng suối Tao, nơi bắt đầu có dấu vết của ong rừng.

img

  Không biết nghề săn ong rừng lấy nhộng có từ bao giờ, nhưng nhiều năm nay người dân tộc Thái ở bản Cao Đa I đã đổ xô vào rừng săn tìm các loại ong để đốt lấy nhộng.

Chia sẻ với PV Báo Điện tử DANVIET.VN, anh Đại cho biết: “Khu rừng suối Tao là một thung lũng rộng lớn, màu mỡ, có diện tích khoảng vài chục héc ta. Xung quanh thung lũng này được bao bọc bởi những ngọn núi đá vôi cao ngút tầm mắt, cùng những cánh rừng già nên ong rừng thường hay về làm tổ. Tôi gắn bó với khu rừng này từ những ngày còn nhỏ, nên ở khu vực nào, cây nào ong rừng hay về làm tổ tôi đều thuộc như lòng bàn tay”.

img

Để đánh bắt được ong rừng, anh Hoàng Văn Đại, bản Cao Đa I phải mặc áo mưa để tránh bị ong đốt và sử dụng cụ như: Dao, lửa, đuốc...

Theo anh Đại, muốn biết khu vực nào có ong rừng chỉ cần đi dọc các khe nước lên phía thượng nguồn, tìm đến những chỗ có thác nước hay những bãi sỏi ven suối. Bởi ở đó, ong rừng thường đến chấm nước (uống nước) rồi bay về hướng tổ. Còn muốn tìm thấy tổ ong thì nhìn theo hướng ong bay, đến những cây to có nhiều nhánh nằm ngang, ít người qua lại và tránh được những trận gió lớn, gần cây có một khoảng trống để ong định hướng bay về tổ.

Nói rồi anh Đại dẫn chúng tôi đi săn ong ở khu vực đầu nguồn suối Tao. Nơi đây có bãi sỏi mịn nằm thoai thoải bên con nước mát lạnh. Dưới bãi sỏi, có hơn chục con ong rừng đang đi chấm nước. Nhận định gần đây chắc chắn sẽ có một tổ ong, anh Đại lên một vị trí khá cao, thoáng để quan sát và thấy từng con ong bay ngược lên ngọn rừng có những cây to.

img

Hiện nay nhộng ong rừng bán được giá khá cao, nên thu hút được nhiều hộ gia đình ở bản Cao Đa I vào rừng săn ong.

Lần theo hướng đàn ong bay, chúng tôi ngược lên con dốc cao chừng 1km. Kết quả của hành trình gian nan ấy, anh Đại đã phát hiện ra một tổ ong rừng có chiều dài khoảng 2 mét, rộng chừng 0,8 mét trên cành cây gạo. Vị trí tổ ong nằm cách mặt đất chừng 15 mét, thân cây gạo có đường kính khoảng 0,7 mét. Sau khi châm đuốc, anh Đại đeo một con dao nhọn bên hông, lấy một sợi dây thừng dài bỏ vào túi vải rồi bắt đầu buộc đầy từ gốc cây để tiến hành săn bắt ong rừng.

Trong hành trình săn ong rừng, chúng tôi được anh Đại kể về những vất vả và hiểm nguy luôn rình rập. Và chỉ cần một chút chủ quan, thiếu cẩn thận là có thể trả giá bằng cả tính mạng. Theo anh Đại đã có không ít trường hợp do bất cẩn nên đã tử vong, khi bị ong cắn và rơi từ trên những ngọn cây cao xuống.

img

Theo anh Hoàng Văn Đại: Có lần tôi bắt được tổ ong rừng rất to, chứa nhộng lên đến 10kg.

Trao đổi với PV Báo Điện tử DANVIET.VN, anh Hoàng Văn Đại chia sẻ: “Làm nghề săn ong cần phải có bản lĩnh và gan dạ. Nếu gặp trường hợp bị tổ ong dữ đốt cũng phải hết sức bình tĩnh chịu đau đớn, để xử lý chứ nhất định không được buông tay. Nhiều lần gặp tổ ong dữ không đánh được ban ngày nên tôi phải đánh ban đêm. Mà đánh đêm lại càng khó khăn hơn, vì sợ đạp vào những cành cây khô dễ gãy hoặc rắn rết cắn”.

img

Sau chuyến săn thành công, anh Đại gắp nhộng ong rừng ra khỏi tổ để bán cho các nhà hàng.

Nhiều lúc săn bắt vào ban đêm, những cành cây khô không thấy được bằng mắt thường do trời tối, nên tôi phải sờ bằng tay để nhận biết. Sợ nhất trong nghề đánh ong vẫn là chuyện gặp rắn độc trên cây. Bởi trên những cây to thường có dây leo, hay các loại cây sống ký sinh, đó chính là môi trường thuận lợi cho các loại rắn trú ngụ. Trong những năm tháng săn ong rừng, tôi đã không ít lần bị rắn tấn công, nhờ may mắn tôi đa thoát khỏi sự tấn công của những con rắn độc".

img

 Nhộng ong rừng được anh Đại bán dao động từ 500.000 đồng - 600.000 đồng/kg, là nghề hái ra tiền theo mùa vụ trong lúc nông nhàn không phải làm việc nương rẫy.

Nghề săn ong rừng tuy vất vả, nguy hiểm nhưng với anh Đại và những người dân sống ở miền núi rừng đó là “cứu cánh” để họ có thể lo được miếng cơm manh áo hằng ngày và kiếm thêm thu nhập nuôi con cái ăn học. “Sau khi săn được nhộng ong, tôi thường gắp nhộng ong ra khỏi tổ đựng vào các túi nilong, mang về cất trong tủ mát đem ra ngoài huyện bán với giá 500.000 đồng – 600.000/kg. Mùa ong rừng năm nay tôi  cũng kiếm được gần 40 triệu đồng từ tiền bán nhộng”- anh Đại tâm sự.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem