Thành lập ban… dẹp cỗ
Giữa năm 2010, Tây Tựu được TP. Hà Nội chọn là xã điểm để xây dựng NTM của huyện Từ Liêm. Khi đó, xã chỉ mới đạt được 7 tiêu chí, trong số các tiêu chí chưa đạt, có tiêu chí văn hóa là kém nhất. Kém cũng phải, bởi Tây Tựu nổi tiếng với những hủ tục lạc hậu, mà nổi bật nhất là việc tổ chức ăn uống tràn lan trong các đám cưới, đám ma.
|
Xã Tây Tựu xây dựng hệ thống giao thông có quy hoạch lòng, lề đường. |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một đám cưới hoặc đám ma ở Tây Tựu thường kéo dài tới 3-4 ngày, những nhà có đám tổ chức ăn uống linh đình từ 160-240 mâm cỗ. Ngay cả đám tang của gia đình một số cán bộ xã cũng được tổ chức tốn kém, bất chấp nghị quyết về đời sống văn hóa mới đã được ban hành.
Nhận thấy cần phải nhanh chóng xoá bỏ hủ tục đã trở thành "thâm căn cố đế" tại địa phương, các tiểu ban xây dựng NTM ở mỗi thôn đã gấp rút thành lập "Ban tang lễ". Những ngày đầu, khi nghe tin có người mới mất, Trưởng Ban tang lễ phải có mặt để vận động gia đình không làm cỗ bàn linh đình. Hệ thống loa phát thanh xã cũng liên tục nhắc nhở gia chủ và người dân nội dung xây dựng NTM, thực hiện tiết kiệm, tránh lãng phí.
Ông Lê Văn Việt - Chủ tịch UBND xã Tây Tựu cho biết: "Sau khi chúng tôi thông báo trên loa là gia đình có tang chỉ tổ chức ăn uống cho con, cháu trong nhà thì những người đến viếng cũng ngại mà rút lui. Còn về đám cưới, chúng tôi khuyến khích bà con tổ chức tập trung ở nhà văn hoá cho tiết kiệm".
Xóa bỏ hoàn toàn “nạn” cỗ bàn
Chia sẻ về việc vận động nhân dân thực hiện đám tang văn minh, ông Bùi Trung Sử - Bí thư chi bộ thôn Thượng, xã Tây Tựu - người có công lớn trong việc thực hiện thành công "đám tang văn minh" nói: "Đã từ lâu, việc tổ chức ăn uống linh đình trong các đám tang ở Tây Tựu trở thành một hủ tục gây rất nhiều nhức nhối. Mỗi đám tang thường làm trên dưới 200 mâm cỗ, mà gia chủ lại làm cỗ rất linh đình không khác gì các đám cưới. Đã có nhiều gia đình sau đám tang phải 2-3 năm sau mới trả hết nợ; anh, em trong nhà thì bất hòa vì việc chia đóng góp để tổ chức đám ma".
"Sau 2 năm triển khai xây dựng NTM (2010 - 2012), số hộ nghèo trên địa bàn xã Tây Tựu giảm từ 166 xuống còn 105 hộ (trên tổng số 4.375 hộ). Đời sống của người dân đã được nâng cao, thu nhập bình quân của người dân tăng lên rõ rệt, từ 24 triệu đồng lên 28,8 triệu đồng/người/năm".
Ông Lê Văn Việt
Trước thực tế đó, thôn đã tổ chức tiểu ban tang lễ gồm 13 cán bộ để vận động nhân dân không tổ chức ăn uống linh đình trong các đám ma. "Ban đầu vận động các hộ gia đình khó khăn lắm. Có gia đình, khi chúng tôi đến họ đã mua sẵn 100 con gà nhốt sẵn trong lồng chờ giết thịt.
Thế là chúng tôi phải bố trí cán bộ đến từ 5 giờ sáng để tuyên truyền gia đình không làm cỗ. Song song với đó, có đám chúng tôi vận động những người đến phúng viếng không nên ở lại ăn cỗ. Nhờ đó, các đám tang trên chỉ còn làm vài mâm cỗ phục vụ con em trong nhà, tiết kiệm từ 50-100 triệu đồng/đám"- ông Sử nói.
Tính chung trên toàn xã, ông Lê Văn Việt cho biết, đến nay, cả 3 thôn của xã Tây Tựu đều thực hiện thành công "tang văn minh, tiết kiệm". Việc tổ chức ăn uống linh đình và kéo dài trong các lễ tang, lễ cưới ở Tây Tựu đã bị xoá bỏ hoàn toàn.
Bên cạnh việc thực hiện thành công tiêu chí về văn hóa, Tây Tựu cũng tập trung mạnh vào việc xây dựng hạ tầng thôn, xóm với hệ thống giao thông thôn, xã đã được mở rộng. Đã có 132 hộ đổi đất, mở đường. Xã còn khuyến khích người dân góp tiền mua 11.000m dây điện và 600 bóng đèn để thắp sáng các trục ngõ xóm.
Đặc biệt, Tây Tựu còn thành công trong công tác vệ sinh môi trường. Vào mỗi sáng thứ 7, cán bộ xã cùng các gia đình tham gia tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm.
Hoàng Anh - Bùi Trang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.