Tesla mua DeepScale để hoàn thiện mô hình “xe hơi không người lái”

Anh Duy Thứ hai, ngày 14/10/2019 14:45 PM (GMT+7)
Tesla mua lại DeepScale, một công ty khởi nghiệp về giả lập tầm nhìn để có thể giúp hãng này phát triển dòng xe không người lái hoàn toàn. Thỏa thuận này có thể giúp Tesla đạt mục tiêu cung cấp những chiếc xe có hệ thống hỗ trợ người lái đủ tốt để chủ xe cho thuê xe dưới hình thức taxi robot trên nền tảng giống như Uber mà không cần tài xế.
Bình luận 0

Công nghệ của DeepScale giúp các nhà sản xuất xe hơi sử dụng bộ xử lý công suất thấp, là tiêu chuẩn trong hầu hết các loại xe hơi, làm bộ não cho công nghệ giả lập tầm nhìn chính xác. Những bộ xử lý này hoạt động với các hệ thống cảm biến, lập bản đồ, lập kế hoạch và điều khiển xe, cho phép xe hơi hiểu được những gì đang diễn ra xung quanh.

Dù Tesla luôn tự hào xe của mình an toàn nhất, nhưng việc mua lại DeepScale là động thái chữa “chứng nhức đầu” của Elon Musk đối với các tai nạn liên quan đến xe của Tesla, đặc biệt là tới chức năng Autopilot của dòng xe Model-S.

Cuối tháng 5/2018, một vụ tai nạn hy hữu xảy ra ở Laguna Beach (California, Hoa Kỳ) khi chiếc Model-S của Tesla vừa hòa vào dòng xe và kích hoạt chức năng lái tự động, bất ngờ quay ngang đâm vào đuôi một xe cảnh sát đang đỗ bên lề đường đối diện. Tài xế chỉ bị thương nhẹ, cho rằng tai nạn là do chức năng Autopilot.

img

Tesla Model-S tự động tông vào xe cảnh sát.

Trước đó, tháng 1/2018, qua tài khoản Twitter, lực lượng chữa cháy thành phố Culver, Irvine, California cho hay, chiếc xe chữa cháy số hiệu Engine 42 của họ bị một chiếc Tesla Model-S đâm vào đuôi trong khi đang trên đường cứu nạn gần Washington Boulevard. May mắn không ai bị thương, nhưng tài xế Tesla khai với cảnh sát là anh ta đang dùng chế độ Autopilot. Điều tra của cảnh sát qua hệ thống theo dõi của Tesla cho biết, tài xế chiếc Model S chỉ để tay trên vô lăng 51 giây trong quãng thời gian chạy bằng Autopilot gần 14 phút. “Tôi đang uống cà phê và ăn bánh. Và rồi tất cả những gì tôi nhớ ra là chiếc xe tải, một cú bùm vào mặt. Chỉ có vậy”, tài xế trả lời cảnh sát.

Trong cả hai trường hợp tai nạn trên, Tesla đều không bình luận gì. Tuy nhiên, dù hệ thống Autopilot được cho là chưa hoàn hảo, nhiều người cho rằng tại cái tên Autopilot (tự lái) đã làm tài xế hiểu lầm. Tesla vẫn vô can vì trong hướng dẫn sử dụng chức năng này, hãng yêu cầu tài xế luôn phải để tay trên vô lăng xe, luôn phải chú ý quan sát chung quanh. Thậm chí, nếu vô-lăng không cảm nhận được bàn tay tài xế, xe sẽ tự tấp vào lề đường. “Tesla luôn luôn khẳng định rằng Autopilot không làm cho chiếc xe tránh được tất cả tai nạn”, hãng giải thích trong một thông cáo báo chí. Ngay cả khi Tesla có thể hoàn thiện công nghệ tự lái, quy định quản lý việc sử dụng các tính năng này vẫn được duy trì, đại diện Tesla nói.

Mức độ tự động của xe hơi thường được đánh giá trên sáu cấp độ, với cấp độ 0 là không tự động và cấp độ 5 là xe tự thực hiện mọi chức năng lái xe một cách ổn định mà không cần đến bàn tay của con người. Ở cấp độ này, hệ thống tự lái đã đủ tân tiến để có thể tự thực hiện mọi chức năng điều khiển e bất kể điều kiện gì.

Những chiếc xe hơi đời mới đã được tích hợp các tính năng điều chỉnh bằng máy và trợ giúp bằng máy như chỉnh xe vào giữa làn, phát hiện nguy cơ va chạm, tự động đỗ xe… Xe của những nhà sản xuất như Tesla và Audi với các tính năng lái xe bán tự động chỉ mới thuộc cấp độ 3 trong bảng phân loại.

Hầu hết các dòng xe có gắn hệ thống tự lái tân tiến nhất đã được xuất xưởng tới thời điểm này nằm trong nhóm cấp độ 2, cấp độ 3 của bậc thang ôtô tự động lái. Xe tự động lái cấp độ 4 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và phát triển.

Trong khi đó, Ford, Baidu và Volvo hy vọng sẽ ra mắt xe với cấp độ 4 trong khả năng tự động lái vào năm 2021, tỉ phú Elon Musk công bố Tesla sẽ sẵn sàng với xe tự lái cấp độ 5 vào năm sau, 2020.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem