Tết buồn vùng “bão hụi”

Thứ hai, ngày 16/01/2012 13:58 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tiền, vỡ nợ, mất Tết, buồn chán… đó là những ngôn từ thường trực trong tất thảy những cuộc trò chuyện của chúng tôi với người dân ở địa phương thị trấn Phú Minh và xã Văn Nhân (huyện Phú Xuyên, Hà Nội).
Bình luận 0

Vài tháng trước, cơn lốc vỡ hụi khiến nơi đây điêu đứng, xác xơ. Tết đã cận kề nhưng ở nơi tâm chấn của cơn bão hụi ấy thì hơi xuân còn lẩn trốn ở nơi nào xa lắm!

img
Bà Nhàn có ki ốt duy nhất mở cửa ở chợ Phú Minh “đầu tư” thêm những sấp tiền giả.

“Vui gì mà cười!”

Thị trấn Phú Minh và xã Văn Nhân nằm kề nhau. Dù cơn bão vỡ hụi đã trôi qua được gần 3 tháng, nhưng dường như "dư chấn" của nó vẫn còn hết sức nặng nề. Những cửa hàng vàng vẫn cửa đóng then cài im ỉm. Những quán ăn ở ngay giữa trung tâm thị trấn lèo tèo vài bóng người.

Phú Minh và Văn Nhân có nghề mộc. Năm ngoái, tầm này, xưởng nào cũng rộn rã tiếng đục, tiếng cưa chạy đua với thời gian, nhưng năm nay thì èo uột, chỉ thấy mấy nơi làm việc theo kiểu cầm chừng. Đi tới bất cứ đâu cũng chỉ thấy không khí buồn thảm, úi xùi, ủ dột bủa vây, bao trùm.

"Nơi đâu mong Tết thì mong chứ ở đây thì chẳng thiết tha gì! Tiền mất, nợ ngập đầu thì vui thú gì mà Tết với nhất!" - chủ một xưởng mộc ở ngay trung tâm thị trấn Phú Minh thiểu não nói.

Theo chủ xưởng mộc này, những năm trước, tháng áp Tết là tháng làng nghề "kiếm" nhất. Xe vào ra ăn hàng kìn kìn, tới tấp. Dân trong thị trấn, rồi các xã lân cận sắm đồ tết cũng đông, thợ làm tối mắt đến sát cả giao thừa. Thế nhưng năm nay, sau cơn địa chấn vỡ hụi trên, việc làm ăn tụt dốc không phanh, không gượng được. Hàng làm ra mấy tháng nay chỉ nơi khác là còn lác đác có người đến lấy, chứ ở địa phương thì bặt vắng, chẳng bán được cho ai.

Cũng theo ông chủ xưởng mộc, đến bây giờ và còn nhiều năm nữa, "bóng ma" của cơn bão hụi vẫn vảng vất ở vùng quê này. Và, bóng ma ấy "ám" vào cả những người làm ăn chân chỉ, chẳng liên quan gì đến tín dụng đen. Ông kể, đầu tháng trước, thấy hàng mộc làm ăn ế ẩm, ông định vay vốn để chuyển hướng làm ăn.

Thế nhưng, vác "dự án" đó đi vay tiền ở khắp nơi, kể cả những người thân quen mà vẫn không được. Ngân hàng và cá nhân đều "khoanh vùng", e dè, thậm chí cấm cửa với những người dân có hộ khẩu ở điểm nóng vỡ hụi này. Nói, thuyết trình đến khô cả miệng mà chả ai đồng ý cho vay nên ý định chuyển đổi ngành nghề làm ăn của ông đành "đắp chiếu" một chỗ.

Nhiều địa phương khác, thời gian này hàng tết đã tràn ngập. Đào, quất cảnh, thậm chí là cả mai vàng từ trong Nam chuyển ra cũng đã vươn cành, đua sắc, đua hương ngập cả đường đi, lối lại. Dân tình tíu tít lại qua, tấp nập mua bán.

Thế nhưng, ở xã Văn Nhân - tâm chấn của “bão hụi” thì dù lục tìm khắp ngoài phố, khắp làng cũng tịnh không thấy bóng dáng của những cây, hoa mang "linh hồn" của xuân, của Tết ấy.

Ở thị trấn, bên cạnh những ngôi nhà đóng cửa im ỉm, chỉ thấy lác đác vài hàng bán đồ tết nhưng đó cũng chỉ là những gói quà, bánh, rượu rẻ tiền.

"Đồ đắt tiền bây giờ thực sự là hàng xa xỉ với dân ở đây rồi các chú ạ! Đồng tiền bây giờ đúng là đồng tiền xương máu, chả ai dám tiêu hoang nữa!" - chủ cửa hàng bánh kẹo ở thị trấn buồn rầu cho biết.

Bây giờ và còn nhiều năm nữa, "bóng ma" của cơn bão hụi vẫn vảng vất ở vùng quê này . Và, bóng ma ấy "ám" vào cả những người làm ăn chân chỉ, chẳng liên quan gì đến tín dụng đen.

Người quê mê đắm những đĩa hài của Xuân Hinh, Quang Tèo, Giang Còi, Văn Hiệp… Bởi thế, những năm gần đây, cứ Tết thì nhà nào cũng sắm cho mình những đĩa hài xuân của những danh hài ấy với ước vọng năm mới nhà mình sẽ ngập tràn những tiếng cười hạnh phúc. Năm ngoái, tầm này, khắp các ngõ ngách ở Phú Minh và Văn Nhân, những Xuân Hinh, Văn Hiệp, Vượng “râu”… luôn hiện hữu trên màn ảnh ti vi, nheo nhéo chọc cười.

Năm nay thì khác hẳn. Gần trung tâm xã Văn Nhân có cửa hàng bán giày kiêm băng đĩa. Giày lèo tèo mấy đôi, đĩa hài in lậu giá có vài nghìn một đĩa bày thành mấy rổ thế nhưng theo bà chủ cửa hàng tên Tâm thì bày ra rồi lại bê vào nguyên đó. “Chả bán được đĩa nào chú ạ. Năm ngoái, cửa hàng này chả có chỗ chen chân. Nhưng năm nay thì chả ma nào hỏi mua hết!”.

Theo bà Tâm thì không phải dân ở xã bà chẳng có đủ tiền để mua những đĩa hài vui nhộn đó, mà bởi chả ai còn tâm trạng đâu mà… cười được nữa. “Vui vẻ gì đâu hả các chú! Tôi tính sai nên mới mua những đĩa này đấy! Mất của, nhà ai cũng như có đám ấy thì cười làm sao được!” - bà Tâm vừa nói, vừa cầm chổi lông gà phe phẩy trên chồng đĩa bụi phủ trắng xóa.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem