Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Thứ năm, ngày 02/09/2010 08:19 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với những người dân Lệ Thuỷ, Quảng Bình, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi đi làm ăn xa, Tết Nguyên đán có thể không về, nhưng Tết Độc lập nhất định phải đoàn viên.
Bình luận 0
img
Đua thuyền trên sông Kiến Giang mừng Tết Độc lập.

Thế nên người ở đây có câu ca rằng: "Dù ai đi Tây, về Đông/ Mồng Hai tháng Chín cũng mong về nhà/ Về nhà xem hội quê ta/ Dưới sông bơi chải, nhà nhà cờ bay..."

Ngày đoàn viên

Về Lệ Thuỷ những ngày tháng 8, khắp các thôn xóm, làng mạc, đâu đâu cũng bắt gặp một không khí rực rỡ, vui tươi của cờ, biểu ngữ. Trong mỗi gia đình người dân ở Lệ Thuỷ, bà con đều chuẩn bị chu đáo cho Tết Độc lập với nhiều sản vật của làng quê. Nhà nào cũng gói bánh chưng, bánh tét bằng thứ lúa nếp thơm nhất của vụ hè thu vừa gặt xong.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang năm nay đông hơn, vui hơn với sự tham gia của hơn 30 thuyền bơi đua. Người dân Lệ Thủy đang náo nức lắm, bởi với riêng họ, Tết Độc lập năm nay còn có ý nghĩa thiêng liêng, làm món quà tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp người con huyền thoại bên bờ Kiến Giang, tròn 100 tuổi.

Nhà nào cũng chưng thứ rượu ngon nhất từ gạo tám đỏ đuôi, rồi thì cá, tôm, vịt, ngỗng... những món rất đặc trưng của miền Lệ Thủy. Và đã thành truyền thống, đêm 1- 9, người dân Lệ Thuỷ, nhà nào cũng thành kính dâng mâm ngũ quả, bánh trái, những sản vật quê hương lên bàn thờ Bác Hồ…

Ông Lê Đình Tới - Trưởng phòng Văn hoá huyện Lệ Thuỷ khẳng định: Có thể Tết Nguyên đán, nhiều người Lệ Thủy bận làm ăn xa họ không về được, nhưng Tết Độc lập thì nhất định cháu con, dâu rể nhà nào cũng về đoàn viên, vui hội…

Cứ vào độ nửa cuối tháng 8, lão nông Nguyễn Thế Lâm (làng Lộc An, xã An Thuỷ) cũng chuẩn bị đầy đủ gạo nếp gói bánh chưng, bánh tét, vỗ béo mấy con gà, con vịt… đón con, cháu ở xa trở về. Cũng như ông Lâm, gia đình ông Nguyễn Diêu, (làng Ngô Xá, xã Sơn Thuỷ) có 9 người con; cháu chắt lên đến hàng chục người.

Năm nào cũng vậy, Tết Độc lập là ngày mà ông Diêu vui nhất vì ông được gặp mặt tất cả con cháu trong nhà. Ông Diêu cho biết: “Thường thì từ ngày 1-9, con cháu của tôi đều đã có mặt đầy đủ cả. Chúng tôi quây quần cùng gói bánh chưng, chuẩn bị bữa cơm thân mật cho cả đại gia đình. Tuổi già như tôi có chi vui bằng được gặp mặt con cháu. Mỗi năm mỗi lần được vui vầy cùng đàn con cháu, nghe chúng nó báo công kết quả học tập, công tác, tôi như trẻ lại, muốn sống lâu hơn”.

Sông Kiến Giang "dậy sóng"

Đón Tết Độc lập trên quê hương Đại tướng không thể không nhắc đến Lễ hội đua thuyền. Tương truyền, thủa xa xưa vùng đất Lệ Thuỷ (vựa lúa của Quảng Bình) không được sầm uất, trù phú như bây giờ bởi thiên tai khắc nghiệt.

Một đêm vị Thần hoàng khai khẩn chiêm bao thấy một cụ già râu tóc bạc phơ đến bảo: "Muốn mưa thuận, gió hoà thì cứ mỗi dịp khai xuân nên có Lễ hội cầu đảo, đua thuyền để khai thông sông rạch. Tâm nguyện người dân sẽ được Đất Trời chứng giám mà phù hộ, độ trì". Thế là từ đó, năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ xuân về sông Kiến Giang lại dậy sóng trong lễ hội cầu đảo và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Cách mạng Tháng Tám thành công, kỷ niệm 1 năm ngày nước Việt Nam độc lập, Lệ Thủy tổ chức Lễ hội đua thuyền đúng ngày 2-9 -1946. Cũng từ đó, Lễ hội luôn được diễn ra trong ngày thiêng liêng này và nó được gọi là Lễ hội đua thuyền mừng Tết Độc lập.

Ông Lê Đình Tới cho biết: Vào khoảng thời gian trước lễ hội 1 tháng, nhiều người dân xa quê cũng rập rịch về quê. Các cụ bô lão, trai tráng trong làng đã bàn chuyện chuẩn bị đua thuyền. Những thanh niên được chọn vào đội đua thuyền cũng bắt đầu tập trung về thôn trước Tết cách mạng gần nửa tháng để luyện tập, chuẩn bị cho hội đua thuyền.

Mỗi xã đều hình thành một đội đua gồm trai tráng ở cỡ tuổi 18-35, mỗi đội đua có nhiều nhất 30 đà công, thuỷ thủ, được nuôi ăn tập và phải chấp hành đúng nội quy cũng như những điều cấm kỵ khác…Trai bơi là thợ cày, gái đua là thợ cấy.

Anh Võ Trọng Minh là một lực điền ở thôn Lộc An (xã An Thuỷ), năm nay 45 tuổi. Nghề của anh là làm nông nhưng trong những ngày cuối tháng 8 thường trở về nhà sớm hơn mọi bận. Các bạn trai bơi đang chờ anh xuống sông thử đò, thử sức chuẩn bị cho ngày hội bơi thuyền Tết Độc lập.

Cũng như anh Minh, chị Nguyễn Thị Tiệp ở thôn Lộc Hạ (xã An Thuỷ), không phải tuyển thủ chuyên nghiệp. Chị phải lao động đồng áng, làm thủy lợi, chăm lo việc nhà. Nhưng khi đã bước xuống thuyền, cầm chèo, chị thực sự là một đội trưởng quyết thắng trên đường đua…

Đêm mùng 1- 9, cả huyện Lệ Thủy dường như mất ngủ. Nhà văn hoá thôn nào cũng sáng đèn, họ đến đây để cổ vũ, để bàn tán về chiến thuật, rồi đánh giá thuyền của các làng khác. Sáng mùng 2 -9, chưa rạng mặt người, trên bến dưới thuyền rặt những người. Dòng Kiến Giang ngỡ ngàng bởi hàng chục, hàng trăm con thuyền được trang hoàng như một rừng hoa sặc sỡ. Tiếng trống, tiếng sênh, tiếng mõ tưng bừng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem