Sếp cũng mua bánh cúng cầu may
Chị Nguyễn Thị Hạnh - kế toán cho một công ty xây dựng ở Lý Thường Kiệt (Hai Bà Trưng, Hà Nội), chia sẻ, năm nay sếp tổng bên chị quyết định mua gần 200 đĩa, gồm cả bánh trôi, bánh chay, về cúng thần linh, chúa đất trên sân thượng công ty. Những năm trước, sếp chỉ điện thoại nhắn nhân viên mua 3 hoặc 5 đĩa bánh.
Theo lời sếp, năm trước làm ăn không được thuận lợi lắm. Nhiều khi hợp đồng đến tận tay mà còn bị người khác giành mất nên năm nay, ông muốn mua bánh trôi, bánh chay về cúng cầu may, mong chuyện làm ăn trôi chảy, thuận buồm xuôi gió như chính tên gọi của loại bánh truyền thống này.
“Sếp bảo, công ty có gần 200 người thì mua đúng ngần đó đĩa bánh trôi, bánh chay, hoa quả để khi cúng xong ai cũng được ăn lấy may cho công việc và cho cả gia đình”, chị Hạnh nói.
Người dân xếp hàng dài trên phố Ngô Thì Nhậm để mua bánh chay
Tương tự, chị Lê Thu Hà - nhân viên cho một công ty trên đường Vương Thừa Vũ (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho hay, giám đốc công ty chị năm nay còn kén người làm bánh trôi, bánh chay để cúng ở công ty.
Chị Hà kể, hôm kia, giám đốc họp nhân viên lại hỏi tuổi từng người. Ai cũng thắc mắc không biết để làm gì. Cuối cùng, sếp giải thích là để “tuyển người” làm bánh trôi, bánh chay Tết Hàn thực. Cuối cùng, sếp cũng chọn được hai người có cuộc sống gia đình hạnh phúc, nhanh nhẹn, hòa nhã với bạn bè đồng nghiệp,... rồi lệnh cho hai chị được “đặc cách nghỉ làm” một ngày rưỡi để chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ đem lên cơ quan làm bánh trôi, bánh chay cúng thần linh, cầu cho chuyện làm ăn ở công ty gặp nhiều may mắn. Ngoài ra, giám đốc còn yêu cầu các phòng ban đăng ký số lượng để nhận bánh về ăn đầu buổi sáng lấy may.
“Sếp nói phải chọn được người “mát tay” làm bánh cúng thì mới may mắn chứ không đi mua ngoài hàng như những năm trước nữa, như vậy không thành tâm”, chị Hà nói.
Xếp hàng dài chờ đợi
Theo ghi nhận của PV, ngay từ sáng sớm 3/3 âm lịch, bánh trôi, bánh chay được bày bán khắp đường phố Hà Nội, từ chợ lớn chợ nhỏ đến các ngõ ngách. Chỗ nào cũng đông vui tấp nập khách.
Tại các hàng bánh trôi, bánh chay, giá của một cân bột nguyên liệu có giá 20.000-25.000 đồng. Đường mật, vừng, đỗ xanh làm nhân bán tùy theo nhu cầu người mua. Tuy nhiên, nhân thường chia ra những túi nhỏ, 10.000 đến 15.000 đồng/túi. Giá của bánh trôi, bánh chay vẫn như ngày thường, 10.000 đồng đĩa nhỏ, 15.000 đồng đĩa to.
Đông khách nhất vẫn là ở cửa hàng bánh trôi, bánh chay trên phố Ngô Thì Nhậm (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Người dân xếp thành hàng dài từ 6h sáng để chờ mua bánh. Tại đây, cửa hàng phải huy động toàn bộ nhân viên, người nhà làm mới kịp bán cho khách.
Theo nhân viên tại đây, bánh luộc đến đâu bán hết đến đó và thường được đóng gói thành hai loại (3 bát và 5 bát). Loại 3 bát có giá 45.000 đồng, loại 5 bát giá 75.000 đồng. “Cứ Tết Hàn thực cửa hàng bán hết 70-80kg gạo trắng, cả nhà gần chục người phải dậy từ 2h sáng mới làm kịp”, chị này chia sẻ.
Tương tự, tại nhiều cửa hàng bánh trôi, bánh chay trên phố Huế, Nghĩa Tân, Đại Từ,... cũng tấp nập người mua.
Một vài hình ảnh về bánh trôi, bánh chay ngày Tết Hàn thực năm nay:
Một số khách cho biết, họ phải xếp hàng từ 6h sáng và chờ ít nhất 30 phút mới mua được bánh tại một cửa hàng trên phố Ngô Thì Nhậm. Lực lượng trật tự của phường phải ra đây hướng dẫn người dân để xe, đứng xếp hàng để tránh tình trạng ùn tắc giao thông
Tại cửa hàng này, nhân viên đứng bán bánh không được nghỉ tay, phải làm việc liên tục để kịp bán cho khách
Các hàng quán bánh trôi, bánh chay khác cũng huy động tất cả các thành viên trong gia đình từ đàn ông đến người già để làm bánh
Bánh trôi, bánh chay có giá 15.000 đồng/đĩa to, loại nhỏ giá 10.000 đồng/đĩa
Tuy nhiên, để thuận lợi cho khách mang về, các chủ hàng thường cho bánh vào từng túi nilon
Ngày Tết Hàn thực, bánh trôi, bánh chay được bán khắp các vỉa hè trên địa bàn Hà Nội
Chị Lan, tiểu thương ở chợ Hôm cho biết, ngày thường chị bán hoa quả nhưng ngày Tết Hàn thực, chị chuyển sang làm bánh trôi, bánh chay
Vui lòng nhập nội dung bình luận.