Trong cái rét cắt da cắt thịt, gia đình bà Nguyễn Thị Lý (49 tuổi, trú thôn Tân An, xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh) vẫn cố gắng chặt dọn cao su lấy củi về đun. “Cao su gãy nhiều quá, giờ cho người ra chặt lấy củi người ta cũng không thèm chặt. Tui phải chặt để lấy củi, dọn đất để trồng ít sắn, ngô kiếm ít tiền ra Giêng có cái mà ăn”.
![Cao su gãy đổ bây giờ bán không ai mua, chỉ để làm củi đun Cao su gãy đổ bây giờ bán không ai mua, chỉ để làm củi đun](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2014/images/2014-01-28/1434367755--nh-1.jpg)
Cao su gãy đổ bây giờ bán không ai mua, chỉ để làm củi đun
Loay hoay chặt củi cao su, bà Trần Thị Tuyên (trú thôn Khe Ba, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh) ngậm ngùi: “Vườn cao su nhà tôi 2ha, với hơn 1.000 cây, trước đây mỗi ngày thu nhập từ 500 đến 800.000 đồng, sau bão số 10 đã không còn gì, giờ bòn mót mãi mới được 15 nghìn đồng mỗi ngày. Năm nay chẳng có tâm trạng để ăn Tết”. Gia đình 7 người của bà Tuyên dựa hết vào 1.000 cây cao su, giờ thì gia đình bà đành đi làm thuê kiếm sống.
![Nhiều diện tích cao su gãy đổ đã được người dân chuyển qua trồng sắn, khoai, ngô… Nhiều diện tích cao su gãy đổ đã được người dân chuyển qua trồng sắn, khoai, ngô…](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2014/images/2014-01-28/1434367755--nh-2.jpg)
Nhiều diện tích cao su gãy đổ đã được người dân chuyển qua trồng sắn, khoai, ngô…
Tại nhiều vườn cao su ở huyện Vĩnh Linh, người dân cũng đang chặt dọn, phá bỏ cao su gãy đổ để trồng các loại nông sản ngắn ngày như sắn, khoai, môn, ngô… mong có thu nhập trong những ngày đói kém. Đến tháng 10, khi mùa mưa tới, họ sẽ trồng lại cao su. Huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cũng bị thiệt hại nặng sau bão số 10, đặc biệt với những hộ gia đình trồng cao su nhưng chưa kịp thu hoạch đã bị bão quật đổ hết thì nợ nần càng khốn khổ hơn.
“Chăm bón 7 năm nay, sắp đến kì thu hoạch, gia đình tôi tin tưởng sẽ đổi đời nhờ 3ha cao su nhưng chưa kịp thu hoạch thì đã bị bão quật hết, giờ không biết lấy tiền đâu để trả nợ. Giờ Tết hay không không quan trọng, chỉ mong có cái ăn là được rồi” – bà Lê Thị Thanh (trú thôn Kinh Tết Mới, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh) than thở.
Sau bão số 10, Quảng Trị có hơn 7.000ha cao su bị thiệt hại thì hơn 4.000ha không thể phục hồi. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, tính đến sau cơn bão số 10 – 2013, tổng số dư nợ ở 3 ngân hàng để trồng cao su là 77,5 tỷ đồng. Khó khăn dồn dập đối với bà con trồng cao su tiểu điền.
Ngọc Vũ, Duy Khánh (Ngọc Vũ, Duy Khánh)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.