Tết Nhâm Dần, nhiều du khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận

Bùi Phụ Thứ năm, ngày 03/02/2022 15:53 PM (GMT+7)
Chiều 3/2, tức mùng 3 Tết Nhâm Dần, thông tin từ Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận cho biết, trong 3 ngày, từ mùng 1 đến mùng 3 Tết Nhâm Dần có gần 700 du khách trong và ngoài nước đến viếng Bác Hồ, tham quan, thưởng lãm.
Bình luận 0
Tết Nhâm Dần, nhiều du khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận - Ảnh 1.

Lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận xem triển lãm ảnh Bác Hồ tại di tích Dục Thanh. Ảnh: BTO

Trước đó, với chủ đề "Mừng Đảng - Mừng Xuân Nhâm Dần", Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận đã tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật đầy ý nghĩa từ ngày 28/1 - 6/2 (26 - mùng 6 Tết).

Chương trình ôn lại truyền thống vẻ vang 92 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam(1930-2022), tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào và ý thức tự lực, tự cường dân tộc, tại khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Chương trình có triển lãm ảnh tư liệu, ảnh nghệ thuật chủ đề Bác Hồ với những mùa Xuân và Cảnh đẹp Bình Thuận. Cùng với đó, để tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón tết cổ truyền, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Hội Báo Xuân Nhâm Dần 2022.

Để phục vụ nhân dân và khách du lịch đón Tết Nhâm Dần văn minh, lành mạnh và an toàn phòng, chống dịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh còn trang trí khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh, di tích Dục Thanh để phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh dâng hương, viếng Bác.

Tết Nhâm Dần, nhiều du khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận - Ảnh 2.

Du khách tham quan di tích Dục Thanh ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần. Ảnh: BTO

Di tích Dục Thanh, nơi trước đây Thầy giáo Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh) dừng chân dạy học tại Trường Dục Thanh, TP Phan Thiết (9/1910 - 2/1911), trước khi vào Sài Gòn vượt đại dương ra đi tìm đường cứu dân, cứu nước.

Trường Dục Thanh nay là Khu Di tích lịch sử Dục Thanh tọa lạc tại số 39 Trưng Nhị, Phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết(Bình Thuận). Trường được xây dựng vào năm 1907, do hai người con trai của nhà thơ văn yêu nước Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Qúy Anh sáng lập ngay trên mảnh đất của gia đình mình. Trường hiện nằm bên hữu ngạn sông Cà Ty, ở trung tâm của TP Phan Thiết.

Trong chuyến Nam du khảo sát dân tình các tỉnh Nam Trung Bộ vào năm 1905, của cụ Phan Châu Trinh và khi đến Phan Thiết, cụ có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những người đồng chí hướng, trong đó có 2 người con trai của nhà thơ văn yêu nước Nguyễn Thông. Cụ Phan Châu Trinh gợi ý nên mở trường dạy học để con em nhân dân Phan Thiết có điều kiện học tập, mở mang kiến thức. 

Tán thành chủ trương trên, hai người con của nhà thơ văn yêu nước Nguyễn Thông là các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh đã vận động bà con đóng góp để xây dựng ngôi trường Dục Thanh ngay trên mảnh đất chung của gia đình mình. Trường mang tên Dục Thanh có ý nghĩa là giáo dục thanh thiếu niên.

Tết Nhâm Dần, nhiều du khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận - Ảnh 3.

Trường Dục Thanh nay là Khu Di tích lịch sử Dục Thanh tọa lạc tại số 39 Trưng Nhị, Phường Đức Nghĩa, TP Phan Thiết(Bình Thuận). Ảnh: BTO

Năm 1978, Trường Dục Thanh được trùng tu, phục dựng lại và đến năm 1980 hoàn thành. Di tích Dục Thanh được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 12/12/1986. Di tích Dục Thanh từ lâu trở thành địa chỉ đỏ về nguồn, nơi tuyên truyền giáo dục lý tưởng sống, đạo đức cách mạng, tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh đối với thế hệ mai sau…



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem