Tết Quý Mão, một làng ở Bến Tre tung ra thị trường 1 triệu cây hoa giấy, nhiều cây có 3 màu

Thứ hai, ngày 09/01/2023 15:08 PM (GMT+7)
Năm 2022, toàn xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) có trên 300 hộ trồng khoảng 1 triệu cây hoa giấy để phục vụ Tết Quý Mão 2023, trong đó, ấp Lân Đông chiếm tới 250 hộ.
Bình luận 0

Bỏ trồng cam chuyển sang trồng hoa giấy

Khoảng năm 1990, ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) nổi lên phong trào trồng cam, chỉ có 3 - 4 hộ trồng hoa giấy truyền thống chở bằng ghe đi bán trong và ngoài huyện vào dịp Tết. 

Thấy cây hoa giấy dễ trồng có cây thân leo với cành lá xum xuê nên theo phong thủy, loài cây này tượng trưng cho sự che chở, đầy đủ và hạnh phúc trọn vẹn, màu sắc hoa tươi sáng tượng trưng cho may mắn, phát tài, phát lộc khoảng năm 2000, phong trào trồng hoa giấy làm kiểng phục vụ Tết nổi lên ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn cho đến ngày nay. 

Ban đầu, người dân Lân Đông trồng loại hoa giấy truyền thống, hoa rực rỡ tươi đẹp nhưng có nhiều gai nhọn và dài. Tổ trưởng Tổ hợp tác hoa giấy Lân Đông Huỳnh Thanh Tâm cho biết: “Tổ hợp tác được thành lập vào năm 2013, với 20 tổ viên có nhiều kinh nghiệm trồng cây hoa giấy. Hiện nay, gần 50 tổ viên chuyển đổi hoa giấy truyền thống sang hoa giấy ghép được nhân rộng toàn xã. Đó là ghép hoa giấy ngũ sắc Thái Lan, hoa giấy Brazil, hoa giấy Cẩm Thạch, hoa giấy Ấn Độ… vào thân cây hoa giấy truyền thống hoặc cây hoa giấy Mỹ cho ra thân cây mới ít gai nhọn. Màu sắc hoa giấy ngày càng đa dạng hơn gồm đơn sắc, tam sắc, ngũ sắc, đổi màu…

Tết Quý Mão, một làng ở Bến Tre tung ra thị trường 1 triệu cây hoa giấy, nhiều cây có 3 màu - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Thanh Tâm ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) chăm sóc hoa giấy. Ảnh: BĐK.

Hoa giấy 3 màu đắt hàng

Để hoa giấy ngày càng bắt mắt khách hàng thì hoa giấy phải được ghép từ 3 màu trở lên. Vừa sau Tết Nguyên đán là giâm cành. Nếu có sẵn trong chậu nhỏ thì sang chậu lớn. Từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch là giai đoạn ghép để lấy hoa, còn ghép để nhân giống thì lúc nào cũng được. Cắt bo ghép dài 3 - 4cm, khoảng 3 mắt lá. 

Khi ghim bo vào thân gốc ghép phải cho da gốc ghép tiếp xúc với da của bo ghép, dùng băng keo đen hoặc băng keo trong quấn chặt bo vào thân gốc ghép để chất dinh dưỡng nuôi bo ra lá mới. 

Sau khi quấn băng keo xong thì lấy túi nylon trùm lại và cột chặt miệng túi để hơi nước không thoát ra ngoài. Sau 20 ngày thì tháo bỏ túi nylon, bo nào nẩy mầm ra lá thì để, nếu rớt thì 1 tháng sau ghép lại.

“Làng hoa giấy Lân Đông hiện có 4 loại sản phẩm: hoa giấy treo (ghép từ 1 đoạn rễ hoa giấy Mỹ cho vào chậu nhỏ treo lên cao), hoa giấy tàng (không cần gốc đẹp, ghép nhiều màu), hoa giấy bonsai (từ gốc bông giấy Mỹ có bộ rễ rất đẹp - giống rễ cây hoa sứ Thái Lan) và hoa giấy kiểng cổ. Trong làng, nổi tiếng có hộ bà Nguyễn Thị Phương có khoảng 1ha, với 6.000 chậu, riêng hoa giấy bonsai có khoảng 2.000 chậu. Nhiều năm nay, sản phẩm kiểng hoa giấy của xã Phú Sơn được nhiều khách hàng từ Cà Mau đến Hà Nội rất ưa chuộng, nhất là hoa giấy Ấn Độ đổi màu theo thời gian trong ngày”, ông Huỳnh Thanh Tâm cho biết thêm.

Bên cạnh hoa giấy tàng, hoa giấy bonsai, nhiều hộ còn tập trung vào hoa giấy kiểng cổ. Anh Phan Văn Phi, ở ấp Lân Đông, trong năm 2022 đã bán 12 cây hoa giấy kiểng cổ cao từ 2,5 - 3m, thân và gốc có đường kính từ 15 - 30cm được 1 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh đánh giá cao nghề truyền thống trồng cây hoa giấy ở xã Phú Sơn. Các nghệ nhân trong làng có tay nghề cao đã tạo ra các loại kiểng hoa giấy, giữ vững thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ đó, góp phần xây dựng Đề án Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách sớm thành công.

Hoàng Vũ (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem