Tết ý nghĩa của sinh viên Sài thành qua những chiếc bánh chưng
Tết ý nghĩa của sinh viên Sài thành qua những chiếc bánh chưng
Mỹ Quỳnh
Thứ năm, ngày 08/02/2024 10:00 AM (GMT+7)
Gói bánh chưng làm quà tặng cho những bác bảo vệ, chị lao công, người lao động khó khăn hay quyên góp làm từ thiện... được các bạn sinh viên trẻ tại TP.HCM nhiệt tình thực hiện trong dịp Tết. Bên cạnh đó, hoạt động này còn quảng bá văn hóa truyền thống người Việt đến với bạn bè quốc tế.
Bánh chưng là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam. Được coi là biểu tượng của sự sung túc, may mắn và hạnh phúc, bánh chưng không chỉ là món ăn ngon mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa sâu sắc của dân tộc.
Trước thềm năm mới, sinh viên của nhiều trường đại học trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức gói bánh chưng, nơi thì để gửi tặng cho các bác lao công, bảo vệ và những sinh viên không có điều kiện về quê đón Tết; nơi lại để quyên góp cho hoạt động từ thiện nhằm mang đến một cái Tết ấm no đến những mảnh đời còn nhiều khó khăn... Dù với mục đích gì, khi được quây quần cùng nhau gói bánh, các em sinh viên có sự gắn kết với nhau và có những trải nghiệm cùng kỷ niệm đẹp.
Gói 500 bánh chưng tặng các bác lao công, bảo vệ
Tết năm nay, nhóm sinh viên trường Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM (UFM) đã cùng nhau gói bánh chưng để gửi tặng các bác bảo vệ, lao công và bạn bè không về quê ăn Tết. Được biết, đây là hoạt động chính trong chiến dịch Xuân tình nguyện của sinh viên UFM năm nay.
ThS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing chia sẻ, các em sinh viên đã dành ra 3 ngày để gói bánh ở ký túc xá cơ sở Tăng Nhơn Phú (TP.Thủ Đức), Ban chỉ huy quân sự quận Tân Bình và phường Cầu Ông Lãnh (quận 1). Tổng số bánh chưng gói được khoảng 500 cái.
Sau khi gói, 500 chiếc bánh chưng được trao cho những sinh viên ở lại ký túc xá trong dịp Tết, các chiến sĩ trực tại Ban chỉ huy quân sự quận Tân Bình, người lao động đường phố và hộ gia đình khó khăn ở phường Cầu Ông Lãnh.
Triệu Thị Tuyền (sinh viên năm 2) chia sẻ, nhờ hoạt động ý nghĩa này mà lần đầu tiên trong đời Tuyền được thử gói bánh chưng. Với niềm háo hức, mong chờ được gói bánh, cộng với ý nghĩa của chương trình, Tuyền đã cố gắng làm ra những chiếc bánh một cách chỉn chu nhất.
Thêm vào đó, khi trao tặng những chiếc bánh chưng và nhận lại nụ cười hạnh phúc, những lời cám ơn, Tuyền thấy những việc mình và bạn bè làm thật ý nghĩa. Nữ sinh viên này cũng mong muốn sẽ được góp sức thêm ở nhiều chương trình thiện nguyện hơn nữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quý, nhân viên bảo vệ của Trường ĐH Tài chính - Marketing, cơ sở Gò Vấp chia sẻ, gần 20 năm gắn bó với trường, đây là lần đầu tiên ông nhận được những chiếc bánh chưng do sinh viên gói tặng. Với ông, đây là món quà xuân rất ý nghĩa, bởi mỗi chiếc bánh đều chứa đựng tình cảm, sự chia sẻ và công sức của các em sinh viên.
Lan tỏa nét đẹp văn hóa ẩm thực Tết Việt đến bạn bè quốc tế
Tại Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Đoàn thanh niên, Công đoàn phối hợp với Hội Từ thiện UEF cũng vừa tổ chức chương trình "Gói bánh chưng xanh - Trao Tết an lành". Tại đây, nhiều hoạt động “khéo tay hay làm” đã được thực hiện, chứa đựng trong đó những nét đẹp văn hóa dân tộc trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Sự kiện này cũng nhận được sự tham gia, ủng hộ của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên UEF.
Tại chương trình, các thành viên nhà UEF đã tự tay mình tạo ra những chiếc bánh chưng từ các nguyên liệu có sẵn. Để đảm bảo hiệu quả công việc, “dây chuyền sản xuất” được chia thành từng công đoạn cụ thể, mỗi người lần lượt đảm nhiệm những công việc khác nhau, từ chuẩn bị gạo nếp, lá dong, lạt buộc.
Các thành viên đã làm ra 120 cái bánh chưng, tương ứng với 60 cặp bánh. Toàn bộ số bánh này được UEF quyên góp cho hoạt động từ thiện nhằm mang đến một cái Tết ấm no đến những mảnh đời còn nhiều khó khăn.
Trước đó, Viện Tây Ban Nha & Mỹ Latinh phối hợp cùng Khoa Quản trị du lịch - Khách sạn UEF cũng đã tổ chức “Bánh Chưng Festival”. Đây là một hoạt động ý nghĩa, giúp các thầy, cô giảng viên, sinh viên và bạn bè quốc tế tại UEF có cơ hội được tìm hiểu và trực tiếp thực hiện món bánh truyền thống trong văn hóa Tết Việt từ xưa đến nay.
Tham gia “Bánh Chưng Festival”, giảng viên và sinh viên quốc tế tại trường có cơ hội tìm hiểu về nguồn gốc ra đời, ý nghĩa tượng trưng của bánh chưng và truyền thống văn hóa gói bánh chưng trong Tết Việt.
ThS. Wang Jing, giảng viên ngành Ngôn ngữ Trung Quốc chia sẻ, ông cảm nhận rõ ràng hơn về văn hóa ẩm thực Tết của người Việt Nam khi tự tay làm chiếc bánh chưng. Đặc biệt hơn cả, ông thấy được sự ấm áp và những tình cảm của UEF dành cho giảng viên người nước ngoài.
Nicholas Siaw Wen Xu (Singapore) rất háo hức tham gia gói bánh dù bản thân tự thú nhận là khá vụng về. Lần đầu tiên được gói bánh chưng, Nicholas Siaw Wen Xu rất hào hứng.
"Tôi thích thú vì được trải nghiệm cách làm bánh truyền thống của người Việt vào dịp Tết. Nói chung, mọi công đoạn từ cách sách xếp nguyên liệu, gói ghém để làm ra một chiếc bánh hoàn chỉnh đều rất mới lạ, cuốn hút. Khi cùng gói bánh, chúng tôi còn được nghe giới thiệu về bánh chưng và các món ăn truyền thống ngày Tết. Tôi rất thích", Nicholas Siaw Wen Xu chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.