Chiều nay, ngày 2.10, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã tổ chức buổi tiếp xúc và trao đổi với nhà đầu tư nhằm thực hiện kế hoạch đưa cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 5.10 tới.
Đang đàm phán với nhà đầu tư nước ngoài
Trả lời câu hỏi về bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Thị Thanh Sơn, phó tổng giám đốc, cho biết: Hiện nay LienVietPostBank đã khóa “room” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 25%.
“Tức là chúng tôi sẽ dành 25% đó để lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là tổ chức có uy tín, có tiềm lực tài chính mạnh, có sự gắn bó và đồng hành lâu dài với sự phát triển lâu dài cũng như đưa LienVietPostBank vào top đầu ngân hàng hiện đại trên thế giới”, bà Sơn giải thích.
Về thời gian hoàn tất thương vụ, bà Sơn cho biết hiện nay đang trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư. “Vì liên quan nhiều đến tỷ lệ bán cho nhà đầu tư nên giá bán hiện chưa thể tiết lộ được và việc nhanh hay chậm cũng phải tính bằng năm, chứ không thể tính bằng ngày được”, bà Sơn cho biết thêm.
Cũng tại buổi tiếp xúc, ông Phạm Doãn Sơn cho biết, trong thời gian qua tăng trưởng tín dụng bình quân của LienVietPostBank khoảng 30 – 35%. Định hướng trong 5 năm tới tiềm năng tăng trưởng tín dụng lớn nhưng hiện đang bị giới hạn bởi sự quản lý của NHNN.
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank (Ảnh: Minh Huệ)
“Chúng tôi sẽ tận dụng mạng lưới giao dịch lớn và dự kiến trong 3 – 5 năm tới tăng trưởng tín dụng khoảng 30%, chủ yếu đẩy mạnh cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp. Kế hoạch đến cuối năm 2019 sẽ cho ra đời khoảng 700 điểm giao dịch trên toàn quốc ở khu vực nông thôn dựa trên nền tảng của các điểm bưu điện. Theo đó, từ nay đến cuối năm là 100 điểm giao dịch, năm 2018 là 200 điểm và 6 tháng đầu năm 2019 là số còn lại”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn cho biết thêm hiện tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của LienVietPostBank trong thời gian tới dự kiện khoảng 4 – 5%/năm. “Năm 2016 tỷ lệ này đạt 3,7%, 6 tháng đầu năm 2017 là 4% và chúng tôi sẽ cố gắng duy trì ở tỷ lệ này”, ông Sơn hứa.
Ông Sơn cho biết, nhờ tận dụng được mạng lớn từ các điểm bưu điện của VNPost, LienVietPostBank đã triển khai được nhiều sản phẩm dịch vụ thu hộ, chi hộ từ đơn giải đến phức tạp để nâng cao trình độ của cán bộ VNPost. Đặc biệt, chúng tôi còn cung cấp 2 sản phẩm độc quyền là cho vay cán bộ hưu trí và trả lương trên toàn quốc.
“Nhờ triển khai dịch vụ này mà chúng tôi huy động được nguồn vốn không kỳ hạn tốt, giá vốn huy động thấp. Hiện tỷ lệ huy động vốn trên thị trường 1 tính đến 30.9 là 129,7 nghìn tỷ đồng, riêng kênh bưu điện khoảng 40 nghìn tỷ đồng”, ông Sơn cho biết.
Tỷ lệ lãi thuần khoảng 4%
Ông Sơn cho biết thêm, tỷ lệ NIM cao như hiện nay là do LienVietPostBank đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Hiện cho vay cá nhân của ngân hàng đang chiếm 30% trên tổng dư nợ, đặc biệt cho vay trên kênh điểm bưu điện chủ yếu là cho vay tiêu dùng.
“Hiện cho vay thông qua kênh này đạt khoảng 14 nghìn tỷ đồng và xu hướng tăng thêm nữa. Còn toàn hệ thống thì lớn lắm, chiếm khoảng 30% trên tổng dư nợ. Riêng về sản phẩm Ví Việt, chỉ sau 10 tháng ra mắt, hiện đã có 1,5 triệu người dùng. Đây là mức tăng trưởng ngoạn mục”, ông Sơn cho biết.
Buổi tiếp xúc nhà đầu tư của LienVietPostBank (Ảnh: Minh Huệ)
Về tỷ lệ nợ xấu, ông Sơn cho biết hiện tỷ lệ này tính đến 30.9 là 1,16%. Còn trích lập dự phòng trái phiếu VAMC, luỹ kế đến 30.9 là 740 tỷ đồng trên tổng số trái phiếu VAMC là 1.650 tỷ đồng. “Nếu không có gì thay đổi, số còn lại sẽ được chúng tôi trích hết trong năm tới”.
Riêng về nợ xấu cho vay tiêu dùng, tính đến 30.9 là 1,3%. Về bản chất, tỷ lệ này chưa chính xác. Thực tế còn thấp hơn vì có những khoản cho vay an toàn tuyệt đối, vì cho vay qua trả lương hưu.
“Có những khách hàng vay và chúng tôi trích trừ thông qua lương hưu của họ. Hơn nữa, LienVietPostBank tận dụng mạng lưới của mình, đó là có người ở đó, những phòng giao dịch ở cấp huyện là có người ở đó”, ông Sơn cho biết thêm.
Riêng về lợi nhuận, ông Sơn cho biết, theo kế hoạch kinh doanh năm 2017 lợi nhuận là 1.500 tỷ đồng. “Tôi khẳng định còn số này sẽ vượt trong năm nay. Hiện 9 tháng đầu năm, lợi nhuận đã đạt 1.450 tỷ đồng, còn tăng trưởng tín dụng hy vọng đạt khoảng 30% trong năm nay nếu được NHNN chấp thuận”.
Về tỷ lệ cổ tức, ông Sơn cho biết những năm gần đây, theo quy định của NHNN, việc chi trả và mức trả được xét duyệt trên cơ sở chốt lại kết quả kinh doanh mỗi năm. Cũng vì thế, năm 2016, với kết quả kinh doanh tốt hơn, LienVietPostBank đã quyết định nâng mức chi trả cổ tức từ 8% lên 10%.
“Với triển vọng từ năm 2017, chúng tôi đặt mục tiêu tỷ lệ chi trả cổ tức những năm tới tối thiểu 12%/năm, phấn đấu để giá trị cổ đông nhận được cao hơn nhiều so với lãi suất gửi tiết kiệm”, ông Sơn khẳng định.
Về câu hỏi về việc ban lãnh đạo ngân hàng đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu LienVietPostBank, ông Sơn cho biết, hiện chiếm khoảng 25% trên vốn điều lệ 6.400 tỷ đồng.
Liên quan đến câu hỏi mua 500 tỷ đồng trái phiếu của Sacomreal, đại diện LienVietPostBank cho biết thương vụ này hiện đang đàm phán nên hiện chưa có dư nợ nào trên sổ sách của LienVietPostBank.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.