Cho đến hôm nay, vẫn có nhiều tranh luận kịch liệt xung quanh thông tin ông Bob Kerrey - người liên quan tới vụ thảm sát Thạnh Phong (Bến Tre) làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là Bob Kerrey là ai và vì sao việc Bob Kerrey làm Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam lại gây phản ứng như vậy?
Theo Wikipedia, thảm sát Thạnh Phong xảy ra vào ngày 25.2.1969 tại Khâu Băng (ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre). Cụ thể, lực lượng biệt kích SEAL của quân đội Mỹ, do Bob Kerrey chỉ huy, giết hại 21 thường dân gồm người già, phụ nữ và trẻ em trong khi truy tìm một cán bộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam.
Điều đáng nói, sau cuộc thảm sát, Bob Kerrey được tặng thưởng huân chương Bronze Star nhờ “kết quả của cuộc tuần tiễu là 21 Việt Cộng bị giết, hai căn nhà bị phá hủy, và thu được 2 vũ khí”.
Thế nhưng, theo lời kể của các nhân chứng, đội biệt kích của Kerrey vào một nhà dân, dùng dao giết những người trong nhà. Theo Gerhard Klann, một thành viên trong nhóm, những người này gồm 2 ông bà già và 3 đứa cháu dưới 12 tuổi. Kerrey nhận trách nhiệm cho các vụ giết người này với tư cách chỉ huy đội. Ông nói với tạp chí New York Times rằng: “Quy trình tiêu chuẩn là phải loại bỏ những người mà chúng tôi chạm trán”.
Đội biệt kích thì làm báo cáo rằng thấy có súng bắn từ giữa làng nên bắn trả từ xa, kết quả là chỉ tìm thấy các xác chết là phụ nữ và trẻ em. Còn Gerhard Klann và nhân chứng người Việt là bà Phạm Thị Lãnh đều khẳng định rằng đơn vị lính Mỹ không hề bị tấn công và các nạn nhân đã bị tập trung lại để bắn chết bằng súng máy tự động ở cự li rất gần.
Bob Kerrey hồi trẻ lúc còn trong lực lượng hải quân Mỹ và hiện tại.
Tôi có một người bạn, là cựu đại tá CIA, là một trong những sĩ quan cao cấp của quân đội Mỹ có thời gian tham chiến lâu nhất trong chiến tranh Việt Nam. Ông cũng là người có những đóng góp không mệt mỏi cho việc gỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ với Việt Nam, thúc đẩy ngoại giao nhân dân giữa hai nước từ khi kênh ngoại giao nhà nước chưa thể thiết lập và kết nối lại được.
Ông nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, cưới vợ người Việt và có thời gian sống ở Việt Nam thậm chí nhiều hơn ở Mỹ. Ông yêu Việt Nam đến độ: đồng phục ông mặc duy nhất là bộ áo cờ đỏ búa liềm đi cùng chiếc mũ mang hình quốc huy và lá cờ Tổ quốc Việt Nam. Trong một lần chia sẻ với tôi, ông nói: “Tôi không thể thay đổi quá khứ nhưng những việc tôi làm ở hiện tại sẽ giúp tương lai tươi sáng hơn. Tôi nỗ lực từng ngày với mong muốn rằng trẻ em Việt Nam sẽ không phải bỏ mạng vì bom mìn do quân đội Mỹ chúng tôi rải xuống. Chúng tôi muốn sửa chữa những sai lầm mà chúng tôi gây ra trong quá khứ”. Điều đặc biệt, ông từ chối tất cả những vị trí lãnh đạo do các tổ chức này kia mời gọi, ông chỉ nhận mình là một cựu binh Mỹ yêu Việt Nam, chỉ thế thôi.
Năm 2014, tôi cũng được Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng kể lại một câu chuyện cảm động về sự vị tha và lòng hoà hiếu của người Việt Nam: “Năm 2000, vợ chồng Tổng thống Mỹ Bill Clinton và Hillary lần đầu tiên tới thăm Việt Nam. Đây là một cuộc viếng thăm đầy ắp ý nghĩa cả về chính trị, ngoại giao, lịch sử và xã hội. Trước khi họ về nước, chúng tôi đã tổ chức một cuộc gặp để thông tin cho ông Clinton về hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Hai con người quyền lực nhất của một quốc gia hùng mạnh nhất. Hai con người cũng đại diện cho thiện ý hàn gắn vết thương chiến tranh của một đất nước đã gây ra bao đau thương cho Việt Nam. Còn bên kia là mấy em bé Quảng Trị tàn phế bởi bom mìn sót lại sau chiến tranh. Khi Tổng thống Bill Cliton gặp một cậu bé khôi ngô và kháu khỉnh, ông liền giơ tay để nắm tay em. Cậu bé cũng giơ tay đón nhận. Nhưng đó là một cánh tay không có bàn tay. Bàn tay em đã bị bom mìn cướp đi như đã ngắt một búp chồi. Tổng thống Mỹ sững người. Còn phu nhân thì không cầm được nước mắt. Chỉ có nụ cười thật tươi của em bé đã xoá đi mặc cảm của chiến tranh, hận thù”.
Trở lại câu chuyện của Bob Kerrey, sau chiến tranh, Bob Kerrey là Thượng nghị sĩ Mỹ đại diện cho Nebraska (1989 - 2001). Trong nhiều năm liền, Bob cũng có nhiều đóng góp tích cực cho mối quan hệ Việt - Mỹ. Cũng giống như người bạn mà tôi quen, Bob cũng không trốn tránh và phủ nhận quá khứ. Vì tôi biết, đã hơn 1 lần Bob đã xin lỗi công khai về những việc mình gây ra trong quá khứ.
Rõ ràng, chúng ta không sống trong lịch sử nhưng không có lịch sử thì không có hiện tại và cả tương lai. Phần lớn chúng ta có thể tha thứ cho Bob Kerrey nhưng lịch sử cần phải được tôn trọng. Với Bob, tôi nghĩ rằng, đâu cứ nhất thiết phải để Bob đứng danh Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam thì mới có thể đóng góp nhiều hơn cho quan hệ Việt - Mỹ, cho việc hàn gắn và xoa dịu vết thương chiến tranh - vốn đã rất nhạy cảm từ xưa tới nay!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.