Thả trăm con heo có sọc trong vườn, cho ăn ngô rau, lão nông dằn túi 30 triệu/tháng

Phạm Ly Thứ năm, ngày 02/04/2020 13:12 PM (GMT+7)
Với mô hình nuôi heo sọc dưa bán hoang dã, chia làm 2 khu nuôi heo sinh sản và heo thịt, chỉ cho ăn ngô hạt, rau, ông Đoàn Anh Linh ở thị xã Buôn Hồ (Đắk LắK) khiến nhiều người xung quanh ngưỡng mộ khi thu nhập lên tới 30 triệu đồng/tháng.
Bình luận 0

Ghé thăm trại nuôi heo sọc dưa (heo rừng lai) của ông Đoàn Anh Linh tại tổ dân phố 3, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), chủ trại vừa dọn dẹp xong chuồng và đang thả đàn heo có đến vài chục con ra "sân chơi".

img

Heo thương phẩm được ông Linh nuôi trong khu vực riêng có không gian thoáng mát, có sân chơi để di chuyển, chạy nhảy. (Ảnh: PL)

Chỉ vào một chuồng heo nái sinh 7 con đã được 2 tháng, ông Linh nói: "Khi heo con trên 3 tháng tuổi thì các vết sọc dưa trên thân không còn nữa. Đây là loại heo dài đòn, đầu nhỏ, thân thon, di chuyển nhanh nhẹn và được người tiêu dùng ưa chuộng vì có chất lượng thịt thơm ngọt".

img

Sau 3 tháng, các vệt sọc dưa trên thân heo sẽ biến mất. (Ảnh: PL)

Đầu năm 2019, ông Linh nhận thấy giống heo sọc dưa đang được người tiêu dùng ưa chuộng bởi cho thịt thơm ngon nên đã đi tham quan một số trại nuôi thành công trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Sau đó, ông Linh đầu tư mua 8 con heo giống về nhà nuôi thử. Xuất chuồng lứa đầu tiên, thấy heo sọc dưa ít bệnh, nhẹ công chăm sóc, ông Linh liền mua thêm con giống và xây chuồng trại kiên cố để chuyển từ nuôi heo siêu nạc sang heo sọc dưa.

Chủ trại heo sọc dưa cũng tiết lộ để nuôi giống heo sọc dưa hiệu quả cao, không bị dịch bệnh thì bước lựa chọn giống rất quan trọng. Đặc biệt, khi nuôi heo sọc dưa với quy mô lớn, người nuôi phải tiêm vaccine định kỳ, thường xuyên quan sát các biểu hiện trên đàn để sớm phát hiện heo nhiễm bệnh và có hướng điều trị hiệu quả.

img

Ông Linh cho heo sọc dưa ăn bắp khô và nhiều loại rau củ trong vườn để heo chắc thịt, thơm ngon. (Ảnh: PL)

Ông Linh cho rằng, việc vệ sinh chuồng trại sạch sẽ mỗi ngày là khâu rất quan trọng, giúp đàn heo có môi trường sống sạch sẽ an toàn, từ đó tăng sức đề kháng, khỏe mạnh, ít bệnh. 

Ông Linh cũng thiết kế khu chuồng nuôi gần với môi trường tự nhiên nhất bằng cách tận dụng không gian vườn cây, chia làm hai khu: Khu chuồng riêng xây thành từng ô, cố định bằng vách ngăn cao 1,4 - 1,6 m cho heo nái sinh sản và khu đất nền có rào lưới xung quanh cho heo thịt.

Mỗi năm heo sọc dưa mẹ đẻ từ 2-3 lứa, mỗi lứa 6-7 con. Heo con từ 1,5-2 tháng tuổi đã cứng cáp, biết ăn thì bắt đầu cai sữa, tách đàn. Heo sọc dưa nuôi từ 6-7 tháng đạt trọng lượng 15-20kg là có thể xuất bán.

"Heo sọc dưa dễ nuôi hơn heo thông thường vì chúng có sức đề kháng tốt, ít bệnh, lại là loài ăn tạp nên rất dễ nuôi và ít tốn kém chi phí. Tôi tận dụng diện tích đất trống trong vườn trồng các loại rau củ quả để bảo đảm nguồn thức ăn an toàn cho đàn heo" – ông Linh nói.

img

Rau lang trong vườn ông Linh là một món ăn khoái khẩu của heo sọc dưa. (Ảnh: PL)

Đàn heo của gia đình ông Linh hiện phát triển tốt, khoẻ mạnh nhờ ông thực hiện đúng quy trình chăn nuôi. Theo ông Linh, người tiêu dùng hiện chuộng thực phẩm sạch, an toàn nên thị trường heo sọc dưa rất thuận lợi, ổn định, bán được giá cao hơn so với các giống heo khác.

Hiện ông Linh đang duy trì đàn heo gần 100 con heo hơi và heo giống để đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện tại, mỗi tháng ông Linh xuất bán cho thương lái từ 10-20 con heo sọc dưa với trọng lượng 15-20 kg/con. Khách hàng thân quen đều đến tận trại heo sọc dưa của nhà ông để đặt mua. 

Với giá bán dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông Linh lãi 25-30 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Linh còn cung cấp con giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi heo cho nhiều hộ chăn nuôi ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem