Ông Tuấn cho rằng, việc đào tạo nhân lực cho ngành nông nghiệp nói chung và các HTX nói riêng hiện còn rất nhiều vấn đề bất cập. Rất nhiều sinh viên nông nghiệp chỉ học lý thuyết và không thể áp dụng vào thực tế sản xuất hoặc đi làm trái ngành…
“Sinh viên nông nghiệp ra trường chưa có kinh nghiệm gì đã học tiếp lên thạc sĩ. Nhưng có những thạc sĩ nông nghiệp mà khi tôi bảo kể các bộ phận con trâu từ đầu đến đuôi thì không biết kể cái sừng trước hay cái tai trước” - ông Tuấn cho ví dụ.
Anh Nguyễn Thanh Sang may mắn tìm được công việc đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm TP.HCM.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 ngành kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn ngày 21.2, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho rằng, cần phải tập trung đào tạo, tập huấn cho 2 đối tượng chính là cán bộ quản lý nhà nước về HTX và cán bộ HTX. Cán bộ quản lý nhà nước về HTX cần phải đổi mới về tư duy, còn cán bộ HTX cần được cải thiện về nhận thức, nâng cao năng lực quản trị HTX…
Ông Nam đề xuất, các Sở NNPTNT phải có kế hoạch đào tạo cụ thể, xem HTX, nông dân cần gì thì đào tạo, không được lấy số lượng để đặt mục tiêu đào tạo. Đặc biệt, phải gắn với doanh nghiệp để đào tạo lao động.
“Phải xem doanh nghiệp họ cần gì, trách nhiệm mỗi bên thế nào… để lên kế hoạch đào tạo, không làm tràn lan” - ông Nam nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo kế hoạch của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, trong năm 2017, Bộ NNPTNT sẽ hoàn thành đào tạo nghề nông thôn cho gần 290.500 người, với tổng kinh phí khoảng 235 tỷ đồng.
Trong đó, đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 210.430 người, đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng là 80.000 người. Việc tập trung đào tạo nghề nhằm thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công nghệ cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an sinh cho vùng nghèo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.