Thách thức dạy nghề nông nghiệp thời buổi 4.0

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 27/03/2020 18:00 PM (GMT+7)
Để phục vụ cho nông nghiệp 4.0, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã chú trọng tới phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng.
Bình luận 0

Ứng dụng kỹ thuật cao

Anh Huỳnh Văn Cư (ở thôn Đarahoa, xã Hiệp An, Đức Trọng, Đà Lạt), là một trong những nông dân ứng dụng tốt khoa học vào làm nghề thực tiễn. 

Năm 2014, anh tham gia lớp học nghề trồng hoa công nghệ cao cho nông dân trên địa bàn xã. Sau lớp học anh vay 200 triệu đồng, mở rộng diện tích trồng hoa. Anh tìm tòi và nhân giống hơn 200 giống hoa hồng ngoại từ Thái Lan và Trung Quốc về trồng trên 2ha. Nhờ mở rộng diện tích trồng hoa theo hướng hiện đại mà anh tiết kiệm được nhiều chi phí.

img

Học viên thực hành ở lớp học dạy nghề trồng rau sạch theo chuẩn VietGAP được tổ chức tại nhiều địa phương  trong tỉnh Đà Lạt. Ảnh: M.N

"Khi ứng dụng công nghệ vào sản xuất hoa, tôi thấy chất lượng giống hoa tốt lên, bông cũng đầy, hương cũng thơm hơn. Nhờ vậy hoa được khách hàng ưa chuộng, hoa cắt tới đâu tiêu thụ hết tới đó" - anh Cư chia sẻ.

Hiện nay với 2ha hoa, anh tạo việc làm cho 7 nhân công thường xuyên trên địa bàn. Thu nhập từ diện tích trồng hoa của gia đình anh mang lại lợi nhuận từ 600 - 800 triệu đồng/năm.

Không chỉ anh Cư, hàng nghìn lao động ở tỉnh Lâm Đồng đã được hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi canh tác thực hiện sản xuất nông nghiệp 4.0, nhờ vậy nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập.

Báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng gửi Bộ NNPTNT cho thấy từ 2010 đến hết năm 2019, tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo chính sách của Đề án 1956 được cho 21.699 người (đạt 49,2% cả giai đoạn). Tổng kinh phí 30.348 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 17.790 tỷ đồng, ngân sách địa phương 12.558 tỷ đồng.

Ông Phạm Hưng - Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Lâm Đồng - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh cho biết, hầu hết các nghề đào tạo đều tập trung vào các loại cây con có lợi thế của địa phương, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Có thể kể tới các nghề như trồng rau thủy canh, trồng hoa theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ cao; trồng dâu nuôi tằm; trồng chăm sóc cây đặc sản; trồng cây dược liệu; trồng và chăm sóc cây cảnh; kỹ thuật nuôi cá nước lạnh; kỹ thuật chăn nuôi bò sữa; trồng và chăm sóc cây ngắn ngày; trồng, chăm sóc và khai thác cây công nghiệp dài ngày; sửa chữa máy nông nghiệp; nuôi cấy mô... Tất cả đều ứng dụng kỹ thuật canh tác hiện đại, theo chuẩn công nghệ cao trong khu vực và quốc tế. 

Còn nhiều khó khăn

Ông Phạm Hưng cho biết, khó khăn và thách thức lớn nhất trong hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp trên địa bàn là công tác tuyên truyền phổ biến, khảo sát nhu cầu học nghề ở một số địa phương còn nhiều hạn chế. Thêm nữa, hoạt động đào tạo nghề ở một số nơi vẫn chưa gắn với việc giải quyết việc làm cho học viên sau khi được đào tạo; kinh phí bố trí chưa đáp ứng được yêu cầu mục tiêu, kế hoạch của Đề án đề ra; chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho cán bộ cấp xã nên chưa gắn trách nhiệm cán bộ xã với đào tạo nghề, khó tuyển sinh.

"Đặc biệt khó khăn lớn nhất lúc này là mức hỗ trợ, phụ cấp cho học viên, giáo viên còn thấp, do vậy thiếu động lực để vận động lao động đi học. Tại nhiều huyện miền núi, thêm cả khó khăn trong việc liên kết tìm đầu ra cho lao động học nghề" - ông Hưng nói.

Ông Hưng cho biết, mặc dù có khá nhiều khó khăn, cả chủ quan và khách quan nhưng tỉnh sẽ chỉ đạo đơn vị thực hiện dạy nghề theo mục tiêu chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn đào tạo nghề với với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa công nghệ cao, các mô hình khuyến nông, phấn đấu dạy nghề theo mục tiêu đã đặt ra trước đó.

"Đặc biệt thực hiện dạy nghề nhằm phát triển theo Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP).

Chúng tôi sẽ hỗ trợ nông dân xây dựng chuổi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ, đồng thời hỗ trợ vay vốn xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra sẽ ưu tiên đào tạo những ngành nghề có điều kiện tiếp cận kỹ thuật công nghệ mới trên địa bàn khu vực nông thôn" - ông Hưng cho biết thêm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem