Thách thức đón đợi Thủ tướng mới của Nhật Bản

Thứ tư, ngày 31/08/2011 06:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giống như 5 người tiền nhiệm, tân Thủ tướng Noda đang phải đối mặt với một loạt thách thức gồm: Nguy cơ sớm phải kết thúc nhiệm kỳ; nợ bong bóng; chính sách tiền tệ và đồng Yên; rạn nứt trong đảng cầm quyền…
Bình luận 0

Chiều 30.8, tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) Yoshihiko Noda đã được Hạ viện đầy quyền lực của nước này bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản.

Ông Yoshihiko Noda, 54 tuổi, trở thành Thủ tướng thứ 95 của đất nước mặt trời mọc và là Thủ tướng thứ 6 chỉ trong vòng 5 năm.

img
Người dân Nhật Bản theo dõi ông Noda tuyên bố nhậm chức qua truyền hình.

5 năm, 6 thủ tướng

Trong một động thái khá bất ngờ, tân Thủ tướng Yoshihiko Noda đã quyết định sẽ trao các chức vụ chủ chốt trong đảng và chính phủ cho các đồng minh của ông Ichiro Ozawa - người đã không ủng hộ ông Noda trong cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ vừa qua.

Một số nguồn tin cho biết, danh sách nội các mới sẽ được công bố vào ngày 2.9. Ông Noda đang cân nhắc giao cho ông Okada một chức vụ quan trọng vì đã ủng hộ ông trong cuộc bầu cử Chủ tịch DPJ. Bộ trưởng Phụ trách chiến lược quốc gia Koichiro Gemba dự kiến sẽ được trao một chức vụ mới trong nội các, trong khi Bộ trưởng Phụ trách về sự cố hạt nhân Goshi Hosono và Bộ trưởng Tái thiết Tatsuo Hirano có lẽ sẽ vẫn tại nhiệm.

Cũng giống như người tiền nhiệm Naoto Kan, ông Noda là người ủng hộ kế hoạch tăng thuế tiêu dùng để trang trải chi phí an sinh xã hội đang ngày càng phình to do dân số lão hóa và làm lành mạnh hóa nền tài chính công của Nhật Bản trong bối cảnh tỷ lệ nợ công của nước này đang cao nhất trong các nền kinh tế phát triển. Ông Noda cũng ủng hộ việc giảm dần sự phụ thuộc của Nhật Bản vào điện hạt nhân trong giai đoạn trung và dài hạn.

Theo các phương tiện truyền thông Nhật Bản, cũng giống như cựu Bộ trưởng Ngoại giao Seiji Maehara, tân Thủ tướng đã tốt nghiệp Học viện Chính phủ và Quản lý Matsushita năm 1980. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị với tư cách ủy viên Hội đồng tỉnh Chiba năm 1987.

Năm 1992, ông gia nhập Đảng Nhật Bản Mới (JNP) - một chính đảng được thành lập trong năm đó bởi cựu Thủ tướng Morihiro Hosokawa. Ông là một trong những đảng viên trẻ có tư tưởng cải cách của đảng này.

Chính trị gia này được bầu làm hạ nghị sĩ lần đầu tiên vào năm 1993, với tư cách đảng viên JNP. Tháng 6.2010, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính để thay thế người tiền nhiệm Naoto Kan - người đã trở thành Thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bầu cử chủ tịch DPJ.

Thách thức đón đợi

Cũng giống như 5 người tiền nhiệm, tân Thủ tướng Noda đang phải đối mặt với một loạt thách thức gồm: Nguy cơ sớm phải kết thúc nhiệm kỳ; nợ bong bóng; chính sách tiền tệ và đồng Yên; rạn nứt trong đảng cầm quyền…

5 vị thủ tướng trước của Nhật Bản đã phải chật vật thực thi các chính sách của mình tại Quốc hội - nơi mà đảng đối lập có thể phản đối các dự luật, và nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là ông Noda cuối cùng cũng sẽ sớm phải kết thúc nhiệm kỳ của mình. Ông Noda hiện đang kêu gọi thành lập một liên minh rộng lớn với các đảng đối lập chủ chốt để phá vỡ thế bế tắc tại Quốc hội, song các đảng đối lập lại tỏ ra lạnh nhạt với lời kêu gọi này.

Ông Noda nổi tiếng là người theo chủ nghĩa "diều hâu" về mặt tài chính. Ông ủng hộ kế hoạch tăng gấp đôi khoản thuế tiêu dùng hiện đang ở mức 5% từ nay đến năm 2015 nhằm đáp ứng chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng lên do dân số bị lão hóa. Ông Noda, khi là Bộ trưởng Tài chính, đã cam kết hành động, kể cả can thiệp vào thị trường, để ngăn chặn sự tăng giá quá mức của đồng yên, và có thể vẫn sẽ giữ nguyên quan điểm đó.

Ông Noda không tán thành quan điểm của Thủ tướng mãn nhiệm Naoto Kan về một xã hội phi điện hạt nhân khi phát biểu rằng niềm tin vào điện hạt nhân cần phải được khôi phục.

Trong khi kêu gọi sự hợp tác của Ngân hàng Nhật Bản trong việc xử lý với đồng yên, ông đã hạn chế gây áp lực với ngân hàng trung ương về việc bổ sung các biện pháp nới lỏng và đã tôn trọng sự độc lập của thể chế này - một điều khác với các ứng cử viên khác.

Ông Noda không tán thành quan điểm của Thủ tướng mãn nhiệm Naoto Kan về một xã hội phi điện hạt nhân khi phát biểu rằng niềm tin vào điện hạt nhân cần phải được khôi phục. Ông muốn đảm bảo ổn định việc cung cấp điện bằng cách khởi động lại các lò phản ứng đã bị ngừng hoạt động sau khi chúng được xác nhận là an toàn, song vấn đề là liệu các quan chức và người dân địa phương có đồng tình hay không thì chưa rõ.

Ông Noda sẽ tiếp quản việc lãnh đạo đảng cầm quyền đang rạn nứt. Ông đã chiến thắng nhờ sự hậu thuẫn từ những người chỉ trích cựu Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa, người vẫn nắm quyền dù đang chuẩn bị phải ra tòa vì một vụ tai tiếng về ngân quỹ. Tuy nhiên, ông Ozawa và những người ủng hộ ông vẫn là một lực lượng đáng kể và có thể cản trở những nỗ lực của nhà lãnh đạo mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem