Thách thức lớn nhất của ngành vũ trụ Việt Nam là nhân lực

Chủ nhật, ngày 12/04/2015 05:00 AM (GMT+7)
Ngành vũ trụ Việt Nam mới thực sự bắt đầu trong 15 năm gần đây và thách thức lớn nhất là đội ngũ nhân lực có khả năng làm chủ các thiết bị hiện đại.
Bình luận 0

"Công nghệ vũ trụ là lĩnh vực còn rất mới ở Việt Nam, chúng ta mới thực sự bước chân vào lĩnh vực này trong 15 năm trở lại đây. Thách thức lớn nhất hiện nay của ngành là nguồn nhân lực và chúng ta có thể thấy triển vọng sắp tới", Bộ trưởng Khoa học Công nghệ (KHCN) Nguyễn Quân trao đổi với báo chí hôm qua.

Ông Quân nói bên lề Lễ Kỷ niệm 54 năm Ngày quốc tế chuyến bay của con người vào vũ trụ tại Hà Nội. Ngày 12/4/1961, Yuri Gagarin, người Nga, là người đầu tiên thực hiện thành công chuyến bay vào vũ trụ, mở đường cho loài người đi vào kỷ nguyên khám phá vũ trụ.

img

Bộ trưởng Khoa học công nghệ Nguyễn Quân, phải, cùng Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov trong lễ kỷ niệm hôm qua. Ảnh: Việt Anh

Theo Bộ trưởng, Việt Nam có thể tiếp nhận trang thiết bị và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, vấn đề là đội ngũ cán bộ có đủ năng lực làm chủ và ứng dụng thành công cho phát triển kinh tế. Nhưng ông Quân bày tỏ tin tưởng điều này có thể thực hiện được, xuất phát từ thực tế hiện nay, các cán bộ đang kiểm soát tốt các trạm điều khiển mặt đất. Những năm gần đây Việt Nam thực hiện tốt việc sử dụng các ảnh vệ tinh, góp phần dự báo các hiện tượng thiên nhiên như bão và các đột biến khí hậu để phục vụ ngành nông nghiệp. 

Ông Quân cho biết ngành công nghệ vũ trụ xác định ba trọng tâm phát triển chiến lược. Thứ nhất là phát triển nguồn nhân lực thông qua việc cử các cán bộ đi đào tạo ở nước ngoài, nâng cao năng lực các trường đại học trong nước. Hai là nhanh chóng hội nhập quốc tế, hiện Bộ KHCN đang nghiên cứu 5 hiệp ước quốc tế mà Việt Nam chưa tham gia để có thể gia nhập sớm nhất. Thứ ba là nhanh chóng thiết lập hệ thống vệ tinh viễn thông và viễn thám, cùng các trạm mặt đất để giải mã ảnh vệ tinh, phục vụ việc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt trong phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Việt Nam hiện có hơn 60 dự án nghiên cứu đã và đang thực hiện, trong đó có hai vệ tinh thông tin Vinasat 1, Vinasat 2, vệ tinh viễn thám VnRedSat 1. Dự án Vệ tinh VnRedSat 2 đang được tích cực hợp tác với Bỉ và các nước châu Âu sẽ được phóng vào thời gian tới. Dự án Trung tâm vệ tinh quốc gia, với vốn đầu tư gần 600 triệu USD từ ODA của Nhật Bản, đang được gấp rút thực hiện. Việt Nam cũng đang hợp tác với các nước khác trong việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vệ tinh nhỏ. Việt Nam cũng đẩy mạnh việc tham gia các Công ước, Điều ước quốc tế về công nghệ vũ trụ và hoàn thiện khung pháp lý nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghệ, ứng dụng, thương mại hóa khoảng không vũ trụ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Theo bộ trưởng, Việt Nam đã ký các hiệp định về hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực vũ trụ với một số nước Nga, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản và sắp tới có thể ký hiệp định với Mỹ.

Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov cho biết sau khi Hiệp định liên chính phủ có hiệu lực từ ngày 16/1 vừa qua, hai nước sẽ thực hiện các thỏa thuận trong năm nay. Sắp tới Việt Nam và Nga sẽ thúc đẩy việc đào tạo cán bộ và các dự án chung trong nghiên cứu và sử dụng không gian vũ trụ vào mục đích hòa bình. Đại sứ Vnukov cho rằng điều quan trọng nhất thời điểm này là hợp tác để góp phần phát triển kinh tế của Việt Nam. Đây là một trong những lĩnh vực góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga.

(Theo VnExpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem