Thái Bình công chúa: Bị anh họ làm nhục và cái kết bi thảm

Minh Anh Thứ ba, ngày 21/09/2021 18:33 PM (GMT+7)
Cũng giống như người mẹ đầy tham vọng Võ Tắc Thiên, Thái Bình công chúa quyền lực nhất nhì trong triều nhà Đường, nhưng có cái kết vô cùng bi thảm.
Bình luận 0

Thái Bình công chúa, phong hiệu đầy đủ là Trấn quốc Thái Bình Thái trưởng công chúa, là một hoàng nữ của Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên, là Công chúa nổi tiếng nhất triều đại nhà Đường và cả lịch sử Trung Quốc về quyền thế và tham vọng. Thái Bình công chúa cùng mẹ ruột Võ Tắc Thiên và chị dâu Vi Hoàng hậu được đánh giá là ba người phụ nữ gây nhiều ảnh hưởng sâu đậm nhất của triều đại này.

Thái Bình là hoàng muội của Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán, là cô ruột của Lâm Tri Vương Lý Long Cơ, về sau là Đường Minh Hoàng. Khi Vi hậu chi loạn xảy ra, công chúa cùng Lý Long Cơ mưu binh biến, khôi phục trật tự chính sự, sử gọi là Đường Long chi biến. Về sau hai cô cháu mâu thuẫn kịch liệt trong việc chia sẻ quyền lực, dẫn đến Tiên Thiên chi biến khiến công chúa bị chính cháu trai bức tử.

Cuộc thời thăng trầm của Thái Bình công chúa

Sử cũ không ghi rõ công chúa Thái Bình sinh vào năm nào, nhưng có thể đoán ước chừng khoảng từ năm 660 đến năm 665, tức năm Lân Đức thứ 2 triều Cao Tông.

Thái Bình là con gái thứ hai và là con gái út của Hoàng đế Đường Cao Tông Lý Trị và Hoàng hậu Võ Tắc Thiên. Riêng đối với Đường Cao Tông, bà là con gái thứ tư sau 3 vị công chúa là Kim Thành và Cao An do Tiêu Thục Phi sinh, và An Định do Võ hậu sinh. Ngoài chị ruột là An Định công chúa, bà có 4 anh ruột gồm Đường Nghĩa Tông Lý Hoằng, Chương Hoài Thái tử Lý Hiền, Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán.

Khác với mọi trường hợp, tuy là con gái nhưng Thái Bình rất được người mẹ Võ hậu sủng ái, thiên vị hơn cả các anh trai. Lúc nhỏ bà thường lui tới nhà của ngoại tổ mẫu là Vinh Quốc phu nhân Dương thị. Do vậy, cung nữ bên cạnh Thái Bình bị anh họ bà là Hạ Lan Mẫn Chi, con trai lớn của Hàn Quốc phu nhân Võ Thuận, chị Võ hậu, cưỡng hiếp. Ngày trước Mẫn Chi từng giở trò đồi bại với Đông cung Hoàng thái tử phi trong Nội đình, cộng thêm tội này khiến Võ hậu tức giận, triệt đi tư cách kế thừa nhà họ Võ, thay vì theo tội đáng bị xử tử.

Năm Hàm Hanh nguyên niên (670), Vinh Quốc phu nhân Dương thị qua đời ở Phủ đệ, lúc này Thái Bình khoảng 8 tuổi. Nhân việc đó, Võ hậu cho Thái Bình trở thành Đạo cô để nhận thánh ân thay cho bà ngoại, tuy lấy danh nghĩa xuất gia, song công chúa vẫn ở lại trong cung. Về sau, Đường Cao Tông thương lượng một hiệp ước hòa bình với Thổ Phồn, Quốc vương Thổ Phồn đề nghị được hòa thân tức thành hôn với Thái Bình công chúa, nhưng Cao Tông nghe Võ hậu khước từ vì không nỡ gả con gái út đi xa. Đường Cao Tông cho xây miếu Đạo và đặt tên là Thái Bình Quán, chính thức cho Thái Bình vào ở, xuất gia, lấy lý do xuất gia để tránh cho công chúa hòa thân.

Thái Bình công chúa: Bị anh họ làm nhục và cái kết bi thảm - Ảnh 1.

Thái Bình công chúa. Ảnh QuLishi.

Qua rất nhiều năm, có một lần Thái Bình công chúa mặc đồ theo kiểu quan võ vào gặp Cao Tông và Võ hậu khiêu vũ. Đế-Hậu cười lớn hỏi bà:"Con không phải võ quan, làm sao phải như vậy?". Công chúa bèn nói: "Để có thể đem ban cho Phò mã của con, không được sao?". Thiên hoàng biết ý tứ của công chúa, bèn vì con gái quyết định tuyển chọn Phò mã.

Năm Khai Diệu nguyên niên (681), Thái Bình hạ giá lấy anh họ là Tiết Thiệu, con trai trong cuộc hôn nhân lần thứ hai của chị Đường Cao Tông là Thành Dương công chúa với Tiết Quán. Hôn lễ được cử hành ở Vạn Niên huyện quán, phụ cận của Trường An, cực kỳ xa hoa và lộng lẫy. Năm đó, Thiên hoàng ra quyết định vì cử hành đại hôn của bà mà đặc xá thiên hạ. Trong gia đình họ Tiết, người anh cả Tiết Di có phu nhân là Tiêu thị, cùng với phu nhân của người anh trai khác Tiết Tự là Chương thị đều xuất thân bình dân, khiến Võ hậu có ý khinh thường, bà thường hay nói: "Con gái ta sao có thể là chị em dâu với hạng dân đen?". Về sau, có người nói Tiêu thị là hậu duệ của danh thần Tiêu Vũ, Võ hậu mới bớt khắt khe đi. Chung sống cực kỳ hạnh phúc với Tiết Thiệu, Thái Bình sinh ra 2 người con trai là Tiết Sùng Huấn và Tiết Sùng Giản.

Năm 683, Đường Cao Tông qua đời, Hoàng hậu Võ Tắc Thiên trở thành Hoàng thái hậu, nắm hết mọi quyền lực trong triều, và có mưu đồ soán ngôi, xưng nữ hoàng đế. Năm Thùy Củng thứ 4 (688), Việt Kính vương Lý Trinh - con trai thứ 8 của Đường Thái Tông - cùng con trai là Lang Nha vương Lý Xung nổi dậy chống lại Võ hậu và thất bại. Hai anh trai của phò mã Tiết Thiệu là Tiết Di và Tiết Tự bị nghi là có liên quan tới Lý Xung và đều bị bắt, Tiết Thiệu cũng bị liên can. Tiết Di và Tiết Tự bị chặt đầu còn Tiết Thiệu bị đánh 100 roi và bỏ chết đói trong ngục. Khi đó, Thái Bình đang mang thai và đã sinh ra một con gái, sau này được phong làm Vạn Tuyền huyện chúa. Võ hậu nhằm an ủi con gái, đã phá lệ cấp thực ấp cho công chúa nhiều hơn bình thường, trên cả vạn hộ, nhưng tình cảm của công chúa dành cho mẹ bắt đầu lung lay. Võ hậu định gả Thái Bình cho cháu mình là Ngụy vương Võ Thừa Tự, nhưng do Võ Thừa Tự có bệnh nên cuộc hôn nhân này phải hủy (có thuyết cho rằng Thái Bình thương nhớ Tiết Phò mã nên từ hôn Võ Thừa Tự).

Năm Tái Sơ nguyên niên (690), Thái Bình tái giá lấy Võ Du Kỵ, một người cháu gọi Võ hậu bằng cô, là cháu nội của Võ Sĩ Lăng, chú Võ hậu. Do Võ Du Kỵ đã có vợ nên Võ hậu buộc vợ Võ Du Kỵ tự sát để lấy con gái mình. Không lâu sau khi Thái Bình tái giá, Võ thái hậu xưng Đế, lập ra Võ Chu triều đại.

Võ Du Kỵ tính tình khiêm nhường, cùng Thái Bình có hai người con trai là Võ Sùng Mẫn, Võ Sùng Hành và một người con gái. Về sau, Thái Bình bao dưỡng tình phu, thông dâm với nhiều đàn ông khác, kéo bè kết đảng, lại còn tìm sủng nam dâng cho mẹ là Võ Tắc Thiên. Các tình nhân của công chúa bao gồm: Tiết Hoài Nghĩa, Hòa thượng Huệ Phạm, Trương Xương Tông, Trương Dịch Chi, Cao Tiển và Thôi Thực.

Thái Bình công chúa: Bị anh họ làm nhục và cái kết bi thảm - Ảnh 2.

Thái Bình công chúa được Võ Tắc Thiên yêu mến. Ảnh QuLishi.

Cũng giống như mẹ, Thái Bình công chúa là người mưu mô và tham quyền. Bà đã gài người thân cận vào làm nội gián để theo dõi mẹ đẻ. Biết mẹ là người đam mê dục vọng nên bà đã cống nạp cho Võ Tắc Thiên hai người đàn ông là Trương Xương Tông và Trương Dịch Chi. Hai người này đã lấy được lòng tin của Võ Tắc Thiên và được cho nhiều quyền hành, làm đủ mọi chuyện lộng hành ngoài cung mà Võ Tắc Thiên cũng không hề hay biết.

Và rồi Thái Bình công chúa tham gia cuộc đấu tranh chính trị lần thứ nhất khi Trương Giản Chi khởi binh giết chết anh em Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông. Người này cho rằng, anh em nhà họ Trương cậy được Võ hậu sủng ái nên ngày càng lộng quyền, dám bỏ tù tới chết Thiệu vương Lý Trọng Nhuận, em gái ông quận chính Vĩnh Thái cùng em rể là Võ Diên Cơ chỉ vì dám xen vào chuyện riêng tư của bọn họ.

Năm 705, Trương Giản Chi kết hợp với tướng quân Lý Đa Tộ liên kết khởi binh nhằm trừng trị kẻ ác, ép buộc Võ Tắc Thiên phải truyền ngôi cho thái tử Lý Hiển. Anh em Lý Trọng Nhuận đều là con của Đường Trung Tông Lý Hiển, sau này Lý Trọng Nhuận được truy phong làm Ý Đức thái tử, Vĩnh Thái quận chính được truy phong làm Vĩnh Thái công chúa.

Dù mang tiếng tham gia cuộc chính biến trên, song thực tế công chúa nhà Đường chỉ nhận trách nhiệm thuyết phục Võ Tắc Thiên thoái vị làm thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Lý Hiển chứ chưa có động thái gì nổi bật. Thế nhưng đây cũng là một thắng lợi lớn nên bà được sắc phong là Trấn Quốc Thái Bình công chúa, được lập phủ riêng, ăn lộc năm nghìn hộ. Cũng kể từ đó, Thái Bình công chúa bắt đầu nhúng tay nhiều hơn vào công việc chính sự.

Xét về góc độ lịch sử, một trong những lý do khiến Thái Bình công chúa có hành động như vậy là bởi bà là người con trong gia đình nhà họ Lý đồng thời cũng là con dâu của nhà họ Võ (Võ Tắc Thiên từng gả bà cho Vũ Du Kị, người cháu gọi bà bằng cô). Do đó, bà không thể khoanh tay đứng nhìn anh em nhà họ Trương lộng quyền. Thêm vào nữa, Trương Xương Tông là người trực tiếp ám hại Cao Tiển - người tình của Thái Bình. Chính những lý do cả khách quan lẫn chủ quan ấy, cộng với tính cách ngang tàng mạnh mẽ, đã giúp Thái Bình có cơ hội "đục nước thả câu" nhằm tranh quyền thế vị thời điểm đó.

Thái Bình công chúa: Bị anh họ làm nhục và cái kết bi thảm - Ảnh 3.

Thái Bình công chúa là người đầy tham vọng quyền lực. Ảnh QuLishi.

Vị thế của Thái Bình công chúa không ngừng lớn mạnh, trở thành công chúa có quyền lực cao nhất của nhà Đường. Sau khi Đường Trung Tông lên ngôi, vì muốn trở thành "Võ Tắc Thiên thứ hai" nên Thái Bình đã không ngừng bành trướng thế lực của mình. Năm 706, bà bắt đầu gây dựng phe cánh cho mình, thậm chí còn công khai đối đầu với công chúa An Lạc, con của Đường Trung Tông. Vì vậy bà đã phối hợp với anh trai mình là Tương vương Lý Đán và con trai ông là Lý Long Cơ để chống lại Vi hoàng hậu và công chúa An Lạc. Năm 710, Vi hậu và công chúa An Lạc hạ độc Đường Trung Tông, lập Ôn vương Lý Trọng Mậu lên làm vua, còn bản thân buông rèm nhiếp chính. Sau đó, Vi hậu lại âm mưu giết chết tiểu hoàng thượng, tìm cách loại trừ Tương vương và Thái Bình công chúa.

Với sự hỗ trợ của bà, Lý Đán đã đăng cơ sau khi lật đổ âm mưu của Vi Hậu và công chúa An Lạc, đồng thời truất ngôi tiểu hoàng đế. Nhờ ngăn chặn được âm mưu của Vi hậu và có công phò tá, bà được phong làm Vạn hộ và trở thành công chúa quyền lực nhất triều đại nhà Đường. Khi Lý Đán đăng cơ thường xuyên bàn bạc việc quân cơ với bà, mỗi lần Thái Bình công chúa vào triều bàn việc đều ngồi trò chuyện với Lý Đán rất lâu. Nếu Thái Bình công chúa không lên triều Lý Đán sẽ phái Tể tướng đến chỗ bà để xin ý kiến.

Theo sử sách ghi chép lại: "Thái Bình công chúa phái con trai là Võ Tiết Sùng trực tiếp tham gia, chứ nào chỉ làm người cố vấn thông thường. Bà muốn vừa có thể cho nhà họ Lý nắm quyền, vừa cho nhà họ Võ được lợi mà không để nhà họ Vi độc chiếm thiên hạ".

Tuy vậy, điều mà Thái Bình công chúa không ngờ tới, đó là đây cũng chính là thời điểm mà bà rơi vào một trong những biến cố lớn nhất của cuộc đời, không những khiến bà phải bỏ mạng mà còn hủy hoại cả cơ đồ chính trị đang trên đà lớn mạnh.

Thái Bình công chúa: Bị anh họ làm nhục và cái kết bi thảm - Ảnh 4.

Thái Bình công chúa chịu kết cục bi thảm. Ảnh QuLishi.

Cuộc tranh giành quyền lực cuối cùng mà Thái Bình công chúa tham gia chính là cuộc chiến ác liệt nhằm chống lại Lý Long Cơ - người muốn chiếm ngôi vua và cũng là đồng minh trước đó của bà. Tuy nhiên, vị công chúa mưu lược lại muốn giúp anh trai giữ vững ngai vàng nên mới khuyên Lý Đán phế truất đối phương bằng cách rêu rằng: "Lý Long Cơ không phải con trưởng của Đường Duệ Tông nên không thích hợp làm thái tử".

Thái Bình công chúa quyết định khởi binh nhằm tiêu diệu Lý Long Cơ và tìm cách nắm giữ ngự lâm quân. Nhưng tướng chỉ huy ngự lâm quân đã bị Lý Long Cơ giết chết ngay sau khi kế hoạch trên bị bại lộ. Do quá hoảng hốt nên bà phải chạy lên núi Nam Sơn lẩn trốn suốt ba ngày. Đồng thời, dù Thái thượng hoàng Duệ Tông xin Đường Huyền Tông Tông tha chết cho em gái nhưng yêu cầu đó không được chấp thuận.

Cuối cùng, Thái Bình công chúa phải tự tìm tới cái chết bằng cách tự sát. Và cũng chẳng có thêm người phụ nữ nào giống như vậy xuất hiện trong lịch sử Trung Hoa nữa, cái chết của bà chính là dấu chấm hết cho thời đại “nữ quyền” trong triều đình nhà Đường.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem