Thái Bình: Quyết định kịp thời, hợp lòng dân

Thứ hai, ngày 14/04/2014 12:00 PM (GMT+7)
“Phấn khởi”, “hợp lòng dân” là câu trả lời của mỗi người dân khi nói về Quyết định 19 của UBND tỉnh Thái Bình về hỗ trợ xi măng xây dựng hạ tầng NTM. Nhờ cách làm hay, sáng tạo này mà bộ mặt nông thôn Thái Bình đã đổi thay nhanh chóng.
Bình luận 0
Khơi dậy tính tự chủ

Về Thái Bình những ngày này, không khí làm đường giao thông nông thôn ở các địa phương sôi nổi, khẩn trương hơn bao giờ hết. Người thì đóng góp công lao động, người thì tự nguyện phá dỡ tường rào của gia đình, ai cũng vui vì từ khi có chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh, việc làm đường NTM thuận lợi, nhanh chóng hơn hẳn.

Người dân xã Quang Hưng (Kiến Xương) tiếp nhận xi măng về làm đường giao thông.
Người dân xã Quang Hưng (Kiến Xương) tiếp nhận xi măng về làm đường giao thông.

Được biết, ngày 7.11.2013, UBND tỉnh Thái Bình đã có Quyết định số 19/2013, theo đó, tất cả các xã, thôn, cộng đồng dân cư trong tỉnh (trừ các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM) đều được hỗ trợ một phần xi măng để xây dựng kết cấu hạ tầng NTM. Điều này đã nhanh chóng tạo được cú hích, huy động sự tự chủ, tích cực vào cuộc của toàn dân.

Ngoài 500.000 tấn xi măng hỗ trợ cho các xã, năm 2014 UBND tỉnh Thái Bình dự kiến hỗ trợ 100 tỷ đồng cho các xã đăng ký hoàn thành tiêu chí NTM năm 2013, 2014 và các xã đạt nhiều tiêu chí hơn. Vừa qua, đã có hơn 283.834 tấn xi măng được phê duyệt và 204.510 tấn đã về tới các xóm, thôn của 251 xã.

Ông Phạm Văn Sáng- Phó Chủ tịch UBND xã Thống Nhất (Hưng Hà) cho biết: “Đến nay, xã Thống Nhất đã tiếp nhận hơn 2.797 tấn xi măng của tỉnh, ngoài ra xã cũng trích kinh phí của địa phương và hỗ trợ toàn bộ khối lượng đá cho các thôn, xóm làm đường. Vì vậy, chỉ trong hơn 1 tháng trước tết, gần 5.000 ngày công đã được huy động, hàng nghìn mét vuông đất thổ cư, tường bao và các công trình khác được giải phóng để bê tông hóa 15km đường giao thông nông thôn”.

Đi trên con đường mới khang trang, bà Đỗ Thị Lan, người dân thôn Đa Phú 1, xã Thống Nhất vui vẻ nói: “Trước đây, đường trong thôn gồ ghề, khó đi lắm, nay được đổ bê tông rồi, đi lại thuận tiện hơn hẳn. Ngoài khoản đóng góp 400.000 đồng/khẩu, gia đình tôi còn hiến 45m2 đất thổ cư, tự nguyện phá dỡ tường bao để mở đường. Cũng nhờ chính sách hỗ trợ xi măng của tỉnh mà đã khích lệ người dân hăng hái đóng góp, giúp bộ mặt thôn xóm khang trang hơn”.

Giúp dân sớm hưởng lợi

Năm 2013, Thái Bình có 14 xã đạt chuẩn NTM, vượt 6 xã so với kế hoạch đề ra ban đầu. Năm 2014, Thái Bình phấn đấu có 30 xã cán đích NTM, đến năm 2015 là 70 xã.

Tính đến nay, Thái Thụy là huyện đăng ký xi măng hỗ trợ nhiều nhất tỉnh với 53.406 tấn, đồng thời huyện này còn duy trì cơ chế hỗ trợ cứng hóa kênh mương với mức 40 triệu đồng/km. Năm 2014, Thái Thụy có 15 xã đăng ký về đích NTM như Thụy Trình, Thụy Ninh, Thụy Dương…

Sau khi có Quyết định 19, huyện Kiến Xương có 13 xã phấn đấu hoàn thành NTM như Vũ Ninh, Vũ Hòa, Thượng Hiền, Bình Thanh…; huyện Tiền Hải cũng đăng ký hỗ trợ xi măng với 51.969 tấn cho 32 xã, bình quân 1.624 tấn/xã. Qua việc sử dụng xi măng hỗ trợ, nhiều địa phương đã có cách làm tốt, như xã Vân Trường hỗ trợ tiền mua vật liệu, cát đá cho các công trình kênh, giao thông nội đồng; Tây Ninh hỗ trợ toàn bộ tiền vật liệu (cát, đá); Nam Hồng, Đông Cơ hỗ trợ cát cho hầu hết các công trình…

Ghi nhận ở nhiều địa phương cho thấy, với các công trình do thôn, xóm đứng ra tổ chức thực hiện (trục thôn, giao thông nội đồng) việc huy động vốn còn chậm, nhưng với các công trình giao cho cụm, tổ dân cư thực hiện, việc huy động vốn nhanh hơn, không có vướng mắc, nhờ đó lượng xi măng hỗ trợ được phát huy hiệu quả tốt nhất, giúp người dân sớm được hưởng lợi...
Chu Hồng Châu (Chu Hồng Châu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem