Phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia tối 9.5, Thủ tướng Abhisit xác nhận thông tin về việc giải tán cơ quan lập pháp cao nhất là Hạ viện, chuẩn bị tiến hành bầu cử, mở ra một giai đoạn mới để Thái Lan giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước một cách hiệu quả thông qua tiến trình dân chủ.
|
Cuộc biểu tình của phe "áo đỏ" năm 2010 khiến Thái Lan rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng. Ảnh: Getty Images |
Theo ông Abhisit, Thái Lan đang đối mặt với nhiều thách thức, cả về phát triển kinh tế, chống tham nhũng, ma túy, giải quyết tranh chấp biên giới và xung đột chính trị nội bộ.
Báo chí Thái Lan dẫn lời giới chính trị gia nước này cho rằng, đảng đối lập Pheu Thai có khả năng sẽ giành được nhiều ghế hơn tại Quốc hội so với Đảng Dân chủ cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, 37% người được hỏi nói sẽ bỏ số phiếu cho Pheu Thai, trong khi 34% bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ.
Ông Abhisit thừa nhận những mâu thuẫn chính trị trong nước vẫn tồn tại dai dẳng và chính phủ của ông đang rất nỗ lực thúc đẩy hòa giải dân tộc. Ông kêu gọi người dân chung tay xây dựng đất nước, mà trước hết là giúp đỡ người nghèo đối phó với tình trạng giá cả leo thang và từng bước nâng cao mức sống. Thủ tướng Abhisit khẳng định từ khi ông nhậm chức năm 2008 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, song chính phủ vẫn đạt được một số thành quả đáng khích lệ như tỷ lệ thất nghiệp ở Thái Lan giảm, kinh tế phục hồi sau khủng hoảng, nông nghiệp và du lịch tăng trưởng.
Đánh giá về thời kỳ nắm quyền của Thủ tướng của ông Abhisit, tờ Bưu điện Bangkok cho biết, trong hai năm rưỡi lãnh đạo Đảng Dân chủ cầm quyền đứng đầu chính phủ liên minh, ông Abhisit đã vấp phải hàng loạt sự phản đối liên quan đến các chính sách đối nội, phát triển kinh tế... từ phía phe đối lập. Đỉnh điểm của những cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan là cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng của phe “áo đỏ” chống chính phủ do Mặt trận dân chủ chống độc tài (UDD) đứng đầu vào năm 2010. Cuộc biểu tình đã biến thành bạo động đẫm máu trên đường phố khiến 90 người thiệt mạng. Phe "áo vàng" ủng hộ chính phủ sau đó đã trả đũa bằng các cuộc tuần hành khác thu hút hàng trăm nghìn người tham gia, khiến chính trường Thái Lan càng thêm bất ổn.
Lần gần nhất Hạ viện Thái Lan bị giải tán là ngày 24.2.2006, dưới thời cựu Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, do áp lực từ phe "áo vàng" do Liên minh nhân dân vì dân chủ (PAD) đứng đầu. Một chính phủ tạm quyền sẽ điều hành đất nước cho tới khi một nội các mới được chỉ định sau cuộc tổng tuyển cử.
Linh An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.