Ngày 2.10, Chính phủ Thái đã thông qua một ngân khoản dự tính lên đến 240 tỷ baht (7,8 triệu USD) để mua 15 triệu tấn gạo cho nông dân cao hơn giá thị trường trong năm tới. Chính phủ của Thủ tướng Yingluck lên cầm quyền tháng 7.2011 với cam kết mua của người nông dân 15,000baht (490USD) cho mỗi tấn gạo, cao gần gấp đôi giá thị trường vào thời điểm đó.
Kết quả là Thái Lan sở hữu 12 triệu tấn gạo đã xay xát với giá cao hơn rất nhiều giá bán của các nước khác và các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan không thể tham gia thị trường toàn cầu. Thủ tướng Thái Lan - bà Yingluck Shinawatra cho rằng việc trợ giá đã nâng thu nhập của nông dân và cam đoan sẽ giải quyết nạn tham nhũng liên quan đến chương trình này.
Tuy nhiên, những ý kiến chỉ trích cho rằng, chương trình trên dẫn đến hệ quả là giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ bị đẩy lên do giá thu mua ở thị trường nội địa cao. Một số người cho rằng chương trình không tương xứng khi mang lại lợi ích cho người nông dân trong khi làm tổn thất nặng nề cho các công ty xuất khẩu vì không thể bán gạo Thái Lan ra nước ngoài. Một hệ quả khác của chương trình là các doanh nghiệp chế biến lúa gạo Thái Lan đã bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài, nơi có giá lúa nguyên liệu thấp hơn. Về lâu dài, giá lúa cao sẽ làm cho gạo Thái Lan không cạnh tranh nổi với các nước láng giềng, thị trường xuất khẩu gạo sẽ bị thu hẹp và từ đó nông dân Thái sẽ không còn động lực gia tăng sản xuất.
Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Kittirat Na Ranong ngày 3.10 đã bảo vệ chính sách trợ giá gạo, song những rạn nứt đang xuất hiện trong nội bộ chính quyền Thái Lan do chi phí ngày càng lớn của chương trình trên. Bộ Thương mại Thái Lan đã yêu cầu cung cấp 405 tỷ baht (13,20 tỷ USD) cho chương trình từ tháng 10, thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch chính cũng như khởi đầu tài khóa mới. Số tiền này chiếm khoảng 3,5% GDP dự kiến năm 2012 của Thái Lan.
Hạ Anh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.