Thái Nguyên: 140.000 con gia cầm, 1.800 con lợn cần bán, xã điều xe giúp nông dân đưa đi tiêu thụ

Hà Thanh - Kiều Hải Thứ năm, ngày 05/08/2021 15:13 PM (GMT+7)
Dịch Covid-19 bùng phát khiến việc tiêu thụ hàng trăm tấn nông sản của bà con huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên gặp khó khăn. Do đó, các cấp, ngành đã đưa ra nhiều giải pháp giúp vận chuyển nông sản từ các hộ dân đến thương lái.
Bình luận 0

Những ngày qua, dịch Covid-19 xuất hiện trên địa bàn xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Toàn bộ xã Tân Khánh, 4 xóm giáp ranh của xã Tân Kim và một xóm của xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình phải giãn cách xã hội.

Do đó, lượng lớn gia cầm, gia súc, rau màu... của bà con gặp khó trong tiêu thụ, trong khi các loại nông sản này đã đến thời kỳ xuất bán.

Thái Nguyên: Gỡ khó cho nông sản của bà con giữa vùng dịch  - Ảnh 1.

Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều địa phương trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên phải giãn cách xã hội. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Theo thống kê của UBND xã Tân Khánh, hiện trên địa bàn xã có 500.000 con gia cầm, 7.000 con lợn. Nhu cầu về lượng thức ăn chăn nuôi của người dân trên địa bàn xã Tân Khánh khoảng 60 tấn/ngày.

Nhưng trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội, các chốt kiểm soát dịch không cho các đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi vận chuyển vào vùng phong tỏa, khiến cho nhiều hộ chăn nuôi gặp khó khăn.

Ngoài ra, hiện toàn xã Tân Khánh có khoảng 140.000 con gia cầm, gần 1.800 con lợn đã đến thời kỳ xuất chuồng với tổng sản lượng 400 tấn nhưng không thể tiêu thụ.

Ông Nguyễn Văn Tuyên – Phó Giám đốc HTX gà đồi Đông Thịnh, Tân Khánh cho biết: "Qua kê khai, hiện nay tổng số lượng đàn gà của HTX đang đến tuổi xuất bán là 25.000 con, tương đương khoảng 50 tấn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không thể xuất bán ra thị trường. Nếu phải kéo dài thời gian nuôi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của các thành viên trong HTX".

Thái Nguyên: Gỡ khó cho nông sản của bà con giữa vùng dịch  - Ảnh 2.

HTX gà đồi Đông Thịnh đã lập kế hoạch giết mổ, cấp đông các sản phẩm gà để vận chuyển và tiêu thụ được dễ dàng hơn. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Còn tại xã Tân Kim, hiện toàn xã đang có khoảng 31.500 con gia súc, gia cầm với trọng lượng trên 60 tấn và hàng tấn trái cây ăn quả không thể đưa ra ngoài tiêu thụ.

Ngoài ra, xóm Náng, xã Nhã Lộng hiện có hơn 10ha diện tích rau đang đến thời kỳ thu hoạch nhưng cũng không thể tiêu thụ vì giãn cách xã hội.

Đứng trước tình hình đó, UBND huyện Phú Bình đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đang thực hiện giãn cách tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được đưa nông sản ra ngoài tiêu thụ.

Đồng thời, huyện Phú Bình cũng yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách cho phép các đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi từ những vùng không có dịch vận chuyển đến các chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn.

Sau đó, xã bố trí phương tiện và cử lực lượng hỗ trợ đưa thức ăn chăn nuôi đến từng hộ gia đình, nhưng vẫn phải đảm bảo phòng, chống dịch.

Thái Nguyên: Gỡ khó cho nông sản của bà con giữa vùng dịch  - Ảnh 3.

Các đơn vị cung ứng thức ăn chăn nuôi và vật tư nông nghiệp cho bà con nông dân trong vùng phong tỏa. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Ông Nguyễn Khắc Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Khánh cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của UBND huyện Phú Bình, xã đã tăng cường bố trí các phương tiện và lực lượng hỗ trợ đưa thức ăn chăn nuôi vào vùng phong tỏa cho bà con, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu cho bà con trong những ngày thực hiện cách ly.

Cùng với đó, để thuận tiện cho việc tiêu thụ nông sản của bà con, xã cũng hỗ trợ các phương tiện chuyên dụng để vận chuyển nông sản từ các hộ gia đình ra các chốt kiểm dịch. Nông sản được phun khử khuẩn, sau đó đưa ra điểm tập kết chờ thương lái đến thu mua.

Thái Nguyên: Gỡ khó cho nông sản của bà con giữa vùng dịch  - Ảnh 4.

Hàng trăm tấn nông sản và gia súc, gia cầm được hỗ trợ vận chuyển đến các chốt kiểm dịch để tập kết, chờ thương lái mang đi tiêu thụ. (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Đồng thời, trong quá trình vận chuyển, bốc xếp hàng hóa và giao dịch giữa người dân với thương lái, xã thường xuyên cử lực lượng giám sát và yêu cầu bà con chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch như: Giữ khoảng cách; mặc trang phục bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay và sát khuẩn đầy đủ…

Tính đến thời điểm này, đã có gần 100 tấn nông sản, trong đó chủ yếu là gia cầm của người dân trên địa bàn xã Tân Khánh được đưa ra ngoài tiêu thụ.

Thái Nguyên: Gỡ khó cho nông sản của bà con giữa vùng dịch  - Ảnh 5.

Nông sản và gia súc, gia cầm được phun khử khuẩn tại các chốt kiểm dịch trước khi thương lái mang đi tiêu thụ (Ảnh: Nguyên Ngọc)

Ông Phạm Văn Hiệp – Chủ tịch UBND xã Tân Kim cho biết, theo thống kê, trên địa bàn 4 xóm Quyết Tiến, La Đao, La Đuốc và Hải Minh còn tồn đọng khoảng 50 tấn nông sản, chủ yếu là gia súc, gia cầm và trái cây.

Để giảm thiểu thiệt hại cho bà con, xã đã yêu cầu tất cả các hộ gia đình có gà, vịt, lợn đến thời kỳ xuất bán trong vòng 15 ngày đăng ký với các tổ của xã. 

Nếu hộ nào có nhu cầu tiêu thụ, xã sẽ hỗ trợ xe chuyên dụng vận chuyển nông sản từ các hộ gia đình ra chốt kiểm soát giúp bà con tiêu thụ.

Đối với 4 xóm của xã Tân Kim gồm: Quyết Tiến, La Đao, La Đuốc, Hải Minh và xóm Náng của xã Nhã Lộng, tính đến chiều 3/8 đã có trên 30 tấn nông sản của người dân được đưa ra ngoài tiêu thụ.

Bà Kiều Thị Thao – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết, để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản của bà con vùng dịch, ngày 28/7, UBND huyện Phú Bình đã có văn bản về việc cung ứng vật tư nông nghiệp và tiêu thụ nông sản giúp bà con nông dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo đó, huyện sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân trong vùng bị phong tỏa được cung ứng các vật tư nông nghiệp đến từng hộ gia đình thông qua các phương tiện vận chuyển chuyên dụng tập kết và chuyển giao tại các chốt kiểm dịch.

Đồng thời, huyện hỗ trợ việc vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp của bà con trong vùng phong tỏa ra các điểm chốt để tập kết và xuất bán cho các thương lái.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem