Thái Nguyên: Bờ sông Công tiếp tục sạt lở, dân lo mất đất, mất nhà

Hà Thanh Chủ nhật, ngày 03/05/2020 11:08 AM (GMT+7)
Tình trạng sạt lở đất canh tác do khai thác cát sỏi dưới lòng sông tại xã Vạn Phái, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân nơi đây. 
Bình luận 0

Trước đó, tháng 12/2018, Dân Việt có bài viết: "Thái Nguyên: Sông Công sạt lở nghiêm trọng, người dân bất an", phản ánh tình trạng hàng chục hecta đất vườn, đất nông nghiệp ở hai xóm Trường Giang và Vạn Kim, xã Vạn Phái, TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên bị sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát tràn lan. Đến nay, tình trạng sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. 

Theo người dân xóm Vạn Kim, xã Vạn Phái, mưa lớn trong các ngày 23 và 24/4 vừa qua, nước từ đầu nguồn sông Công đổ về cuồn cuộn, khiến hàng trăm m2 đất và hoa màu tiếp tục sạt lở, tạo ra những hố sâu ở bên bờ sông. Những bụi tre được người dân trồng hai bên bờ sông để chống xói lở cũng bị sạt xuống, cuốn phăng ra ngoài xa.

img

Bờ sông Công ngày càng sạt lở nghiêm trọng

Ông Trần Đức Lâm (thôn Vạn Kim, xã Vạn Phái) cho biết: “Dân ở đây sống không yên tâm, đất thì mất. Chúng tôi sống ở đây rất nhiều năm rồi, đất vườn, đất ở được nhà nước cấp cho người dân sử dụng lâu dài nhưng tình trạng sạt lở này nếu còn kéo dài, bắt buộc dân chúng tôi phải chuyển đi”.

Còn theo cụ Trần Đức Phiến (82 tuổi) lo lắng khi gia đình cụ hiện nay chỉ có hai ông bà già sống cùng nhau. Hiện nay tình trạng sạt lở đã sát đến sân nhà của gia đình cụ.

Gia đình cụ luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu khi hiện tượng sạt lở ngày càng lan rộng và ăn sâu vào phần đất gia đình cụ sinh sống. Cụ lo lắng việc sạt lở có thể nhấn chìm và vùi lấp ngôi nhà của gia đình bất cứ lúc nào.

img

Cụ Trần Đức Phiến là một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng sạt lở đất.

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đoạn sạt lở mới nhất có chiều dài khoảng 40m, chiều cao khoảng 6m, từ mép sông vào khoảng 10m, tạo ra những hố sâu rất nguy hiểm. Ngoài ra, bờ sông đã hình thành nhiều vết nứt mới có nguy cơ sạt lở cao, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, sạt lở có thể tiếp tục xảy ra bất cứ lúc nào.

Cũng theo người dân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở, một phần do thiên tai lũ lụt, phần khác do việc khai thác cát trái phép. 

Ông Nguyễn Thế Hoàng, Chủ tịch UBND xã Vạn Phái cho hay, những đối tượng khai thác cát trái phép này thường lợi dụng trời mưa nước sông dâng cao hoặc là vào nửa đêm, thời điểm hút trộm cũng thay đổi liên tục nên rất khó khăn cho công tác quản lý.

Trước tình hình đó, về phía địa phương đã tích cực chỉ đạo các lực lượng như công an, các Bí thư chi bộ, Trưởng xóm thường xuyên theo dõi, phát hiện để báo về để chính quyền địa phương kịp thời có biện pháp ngăn chặn.   

img

Chủ tịch UBND xã Vạn Phái cho biết, những đối tượng khai thác cát trái phép thường lợi dụng trời mưa nước sông dâng cao hoặc là vào nửa đêm khó khăn cho công tác quản lý.

Tuy nhiên, ngay cả những đơn vị được cấp phép khai thác mỏ, trong quá trình hoạt động cũng chưa tuân thủ các quy định của pháp luật, khiến đất đai sạt lở, ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Đơn cử phía bên kia sông thuộc địa phận xã Trung Thành, UBND tỉnh Thái Nguyên đã cấp phép cho 2 đơn vị khai thác cát sỏi là Công ty TNHH Xây dựng Trường Phát và Công ty TNHH Đại Hữu dầu khí.

Theo ông Trần Quang Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành, mặc dù đã dừng khai thác, song các thủ tục đóng cửa mỏ cũng như việc hoàn trả lại môi trường, Công ty TNHH xây dựng Trường Phát vẫn chưa thực hiện.

Hiện nay, vị trí mỏ khai thác đang tạo thành các vũng sâu rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, trên tuyến đê Chã đoạn qua địa phận xã Trung Thành, hàng loạt các bãi tập kết cát sỏi trái phép ngang nhiên hoạt động, thậm chí có những bãi tập kết ngay dưới chân cột điện cao thế.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem