Gần đây nhất (ngày 16.9), khi biết công ty sắp cho nổ quả mìn lên tới 600kg, hàng trăm người dân đã kéo vào công trường gây sức ép, buộc Công ty CP An Khánh phải dừng việc nổ mìn…
Sống trong tầm đá bay
PV NTNN tìm về thôn Yên Thịnh theo phản ánh của người dân qua đường dây nóng. Theo ông Lê Đình Cừ, mỏ đá này vốn thuộc Công ty Vĩnh Thịnh, được cấp phép khai thác từ năm 2008, năm 2011 thì chuyển nhượng cho Công ty CP An Khánh. Từ khi mỏ đi vào hoạt động, 27 hộ dân của thôn Yên Thịnh luôn sống trong nơm nớp lo mỗi khi đến giờ nổ mìn vì bụi đất, đá như mưa tuôn xuống xóm.
Mỏ đá của Công ty CP An Khánh nhiều lần bị người dân phản đối vì gây ô nhiễm, làm hỏng nhà cửa.
Theo quan sát của PV, khoảng cách từ điểm mỏ vào đến nhà ông Cừ và các hộ lân cận chỉ khoảng trên 100m. “Núi đá thì dựng đứng nên mỗi khi họ nổ mìn, đất đá, khói bụi cứ rào rào bay vào nhà. Đến giờ mìn nổ, các hộ dân ở đây đều phải đóng tất cả cửa, buông mành rèm để chống bụi và đề phòng đá văng, còn tường nhà thì... rung lên bần bật”– bà Phạm Thị Xuân– người dân thôn Yên Thịnh nói.
Chỉ tay lên trần ngôi nhà 2 tầng, chị Lâm Thị Thanh (40 tuổi công dân thôn Yên Thịnh) bức xúc: Nhà mới xây chưa được 2 năm, vậy mà chi chít vết nứt, đó là hậu quả của dư chấn do mìn nổ gây nên. Nhà cửa đã vậy, đến cây chè bị bụi đá thường xuyên trút xuống nên cũng không phát triển được. Mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền xã và công ty, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm…
Loay hoay xử lý
Trao đổi với NTNN, ông Hoàng Ngọc Phiến - Chủ tịch UBND xã Yên Lạc nói: Việc Công ty CP An Khánh nổ mìn làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân thôn Yên Thịnh là có thật, nguyên nhân là khoảng cách giữa mỏ đá và nhà dân quá gần, do vậy mỗi khi nổ mìn thì bụi, đá văng ra. Chính quyền xã đã thành lập đoàn thanh tra để xem xét sự việc và phía công ty đã có cam kết dùng các biện pháp kỹ thuật để giảm thiểu bụi. Trong biên bản làm việc giữa chính quyền địa phương và công ty (28.2.2014), phía Công ty An Khánh cũng đã cam kết sẽ cho quây tôn xung quanh khu mỏ và dựng lưới, trồng cây xanh để hạn chế bụi bẩn.
Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, phía công ty mới cho quây tôn được mấy trăm mét ở phía nam mỏ. Còn đoạn tiếp giáp với nhà dân vẫn trống hoác, chưa hề có cây cối hay lưới chống bụi. Nguyện vọng của người dân sống sát mỏ muốn được di dời đến nơi an toàn hơn, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được cấp trên xem xét. Hàng chục hộ dân vẫn hàng ngày sống chung với bụi bẩn và tiếng nổ của những quả mìn có trọng lượng lên đến hàng tạ!
Trao đổi với NTNN, bà Trần Thị Minh Hương – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi Trường tỉnh Thái Nguyên cho rằng, mỏ đá của Công ty CP An Khánh đã được các cơ quan chức năng cấp giấy phép, có cam kết môi trường đã được UBND tỉnh phê duyệt… Việc nổ mìn làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, chúng tôi chưa được cấp dưới báo cáo. Nếu sự việc diễn ra như thông tin của báo chí, chúng tôi sẽ cho thành lập đoàn kiểm tra để xử lý ngay.
Theo bà Trịnh Thị Bích Hạnh - cán bộ địa chính xã Yên Lạc, khoảng cách an toàn khi nổ mìn khai thác đá theo Quyết định 3733/2002/QĐ BYT là 500m đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Khoảng cách thực tế từ điểm mỏ đến nhà dân ở thôn Yên Thịnh chỉ hơn 100m là không đảm bảo an toàn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.