Thái Nguyên: Khi những nhà văn hoá tiền tỷ đua nhau mọc lên từ sự đồng thuận của ý đảng, lòng dân
Thái Nguyên: Khi những nhà văn hoá tiền tỷ dần hiện hữu từ sự đồng thuận của ý Đảng, lòng dân
Hà Thanh - Kiều Hải
Thứ bảy, ngày 09/11/2024 09:33 AM (GMT+7)
Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, gần chục nhà văn hoá xóm lần lượt được xây dựng với kinh phí hàng tỷ đồng đã và đang dần hiện hữu tại xã Dương Thành (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nhờ sức mạnh của lòng dân, tạo nên một diện mạo làng quê khang trang, trù phú.
Đến xã Dương Thành hôm nay, chắc có lẽ ai cũng không khỏi ngỡ ngàng và choáng ngợp bởi diện mạo làng quê nơi đây đổi thay đến chóng mặt. Những ngôi nhà cao tầng, những căn biệt thự với thiết kế hiện đại mọc lên hàng loạt sau những ruộng ngô, nương lúa, bên những con đường hoa sặc sỡ sắc màu và trải dài uốn lượn, tạo nên một diện mạo làng quê khang trang, trù phú.
Chỉ cách đây khoảng hai năm, khi địa phương này hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao (năm 2022), thời điểm đó mặc dù Dương Thành đã có nhiều sự bứt phá ngoạn mục, nhưng phải đến khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, sự lột xác mới hoàn toàn rõ nét.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Ái – Bí thư Đảng ủy xã Dương Thành trải lòng: Khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Dương Thành có xuất phát điểm thấp, thời điểm đó xã chưa đạt nổi 3 tiêu chí. Nhưng bằng sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và hơn cả là sự đồng lòng ủng hộ của người dân đã giúp xã về đích nông thôn mới vào năm 2018, nông thôn mới nâng cao năm 2022.
So với nhiều địa phương, xây dựng nông thôn mới ở Dương Thành có những cách làm sáng tạo và khác biệt. Điểm thành công lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới ở Dương Thành đó là chính quyền đã tạo được lòng tin với người dân. Để có được lòng tin đó đòi hỏi cả một quá trình dài gây dựng bằng những hành động thiết thực và cụ thể. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, cấp ủy cùng lãnh đạo địa phương luôn đi sâu, đi sát với bà con, xắn tay cùng làm, cùng trao đổi, bàn bạc với người dân trên tinh thần cởi mở, công khai, minh bạch. Cũng chính bởi sự tin tưởng đó mà bà con luôn sẵn sàng ủng hộ mọi quyết sách, chủ trương từ trên triển khai xuống.
Khi cán bộ nói dân tin, bảo dân nghe
Có mặt tại nhà văn hoá xóm An Thành (xã Dương Thành) vào buổi sáng đầu tháng 11 khi công trình mới hoàn thành, chúng tôi cảm giác như đang đứng giữa một trung tâm hành chính tầm cỡ cấp xã, cấp huyện. Với thiết kế sang trọng, hiện đại, cả không gian nhà văn hoá rộng tới gần 2.000 m2 có khuôn viên được quét dọn sạch sẽ, gọn gàng.
Ngồi nghỉ ngơi trên chiếc ghế đá trong khuôn viên nhà văn hoá sau khi vừa hoàn thành việc quét dọn, bà Phạm Thị Nga năm nay đã 70 tuổi, phấn khởi khoe: "Thật sự nhiều lúc ngồi ở nhà nhìn ra nhà văn hoá bà cứ nghĩ là mơ cháu ạ, phấn khởi lắm. Cả đời bà chưa bao giờ nhìn thấy nhà văn hoá nào to đẹp, khang trang như thế này. Ở tuổi 70 như thế này, cảm thấy xóm làng đổi mới từng ngày, bà mừng lắm".
Gia đình bà Nga là một trong những hộ tham gia đóng góp để xây dựng nhà văn hoá xóm với số tiền tương đối lớn. Mặc dù vậy, trong quá trình xóm nhà triển khai kế hoạch xây dựng, gia đình bà hoàn toàn ủng hộ bằng sự tự nguyện, nhất trí cao. Vì bà hiểu rằng, khi xóm làng đẹp đẽ, khang trang thì những người dân như bà chính là đối tượng được thụ hưởng nhiều nhất.
"Từ khi nhà văn hoá xóm An Thành hoàn thành và đưa vào sử dụng, sáng nào cũng vậy mới 5 giờ sáng đã có hai nhóm, một nhóm là các cụ già cùng nhau tập dưỡng sinh xung quanh khoảng sân rộng rãi, một nhóm gồm các chị em phụ nữ hồ hởi đánh bóng chuyền. Đều đặn ngày nào cũng thế, tiếng nói cười, trò chuyện râm ran như mở hội, tạo nên không khí sôi động, nhộn nhịp, bừng sáng cả một làng quê", Bà Nga bộc bạch.
Cũng theo bà Nga, để có được sự đổi thay như thế này, trước tiên là do cán bộ địa phương luôn mẫu mực, lo lắng, đi trước, còn nhân dân đồng thuận đóng góp để làm. Người dân trong xóm rất đoàn kết, ai cũng ủng hộ chủ trương của trên bởi họ tin tưởng vào cán bộ.
Là người trưởng xóm tâm huyết, mẫu mực suốt nhiều năm được bà con tin yêu, ông Nguyễn Ngọc Thư - Trưởng xóm An Thành chia sẻ: An Thành là một xóm thuần nông, thu nhập của bà con trước đây còn thấp. Sau này được sự định hướng của chính quyền địa phương với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, kết hợp mở ra một số dịch vụ thương mại từ đó đã giúp nâng cao đời sống và thu nhập của người dân. Bình quân thu nhập đầu người năm 2023 của xóm là 73 triệu đồng/người/năm.
Trong quá trình xóm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, tư duy của người dân đã có sự thay đổi tích cực, góp phần rất lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà văn hoá, đường giao thông. Từ năm 2016 đến nay, xóm nhà đã có sự chuyển mình tương đối nhanh. Đặc biệt, con em trong xóm đi làm ăn xa thành công rất nhiều, đóng góp đáng kể cho việc xây dựng hạ tầng của địa phương. Đến nay, tổng số tiền con em địa phương ủng hộ để xây dựng nhà văn hoá xóm đã lên tới gần 500 triệu đồng. Còn lại số tiền khoảng 1 tỷ đồng do bà con đóng góp cũng đã đạt tới 95%.
Theo ông Thư, thuận lợi khi triển khai chương trình xây dựng nhà văn xóm là địa phương luôn nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân đang sinh sống tại địa phương cũng như con em đi làm ăn xa. Quan trọng hơn nữa là chủ trương quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương rất hợp với lòng dân nên được bà con đồng tình ủng hộ.
Xóm An Thành hiện có 154 hộ gia đình với 626 nhân khẩu. Đây là xóm đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2022. Đến nay, tổng số 5km đường xóm đã được bê tông hoá hoàn toàn với chiều rộng mặt đường từ 3 - 3,5m.
Bên cạnh xóm An Thành, An Phú cũng là 1 trong 7 xóm có nhà văn hoá được xây dựng mới hoàn toàn trên địa bàn xã Dương Thành với kinh phí dự toán khoảng 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, khác với xóm An Thành, nguồn kinh phí huy động từ tài trợ rất ít nên chủ yếu do người dân địa phương đóng góp, cộng với 100 triệu đồng và 30 tấn xi được hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình Mục tiêu quốc gia của xã.
Ông Lê Văn Tuyên – Trưởng xóm An Phú cho biết: Năm 2021, xóm An Phú được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai xóm là An Ninh và Phú Thành. Từ thực tế đó nên nhà văn hoá cũ không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy, trên cơ sở chủ trương từ Đảng ủy, UBND xã, các ban ngành đoàn thể cùng sự đồng thuận của người dân, sau khi huy động đóng góp, tháng 6/2024 xóm đã triển khai xây dựng nhà văn hoá mới với diện tích 310m2.
Để đỡ gánh nặng cho bà con, cấp ủy xóm An Phú đã đưa ra kế hoạch thu tiền thành nhiều giai đoạn khác nhau. Chính vì vậy, về cơ bản người dân cũng không gặp nhiều khó khăn trong việc đóng góp kinh phí. Đến nay, công trình đang bước vào giai đoạn hoàn thiện để chuẩn bị khánh thành trong ngày đại đoàn kết tới đây.
Ông Nguyễn Văn Ái - Bí thư Đảng ủy xã Dương Thành thông tin: Về chủ trương xây dựng nhà văn hoá xóm xuất phát từ năm 2018 khi xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau đó, Đảng bộ xã đã có lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2022.
Từ chủ trương đó, nhìn lại trên địa bàn, các nhà văn hoá xóm đều xây dựng từ những năm 2000 – 2002 nên điều kiện cơ sở vật chất không đảm bảo theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới của giai đoạn hiện tại. Cùng với chủ trương sáp nhập xóm của Đảng và Nhà nước, trong đó Dương Thành là một trong hai xã trên địa bàn huyện Phú Bình phải sáp nhập số lượng xóm lớn. Trước kia Dương Thành có 20 xóm, sau khi sáp nhập chỉ còn 14 xóm. Do đó, sau khi sáp nhập số hộ tăng lên, vì vậy chỗ ngồi tại các nhà văn hoá xóm không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, hội họp của bà con.
Chính vì vậy, từ năm 2021, Đảng ủy xã đã có chủ trương chỉ đạo các xóm sáp nhập và các xóm có nhà văn hoá không đảm bảo xây dựng lộ trình huy động nguồn lực để xây dựng nhà văn hoá mới. Bắt đầu từ năm 2022 các xóm thực hiện việc huy động nguồn lực theo số hộ và số khẩu, đến năm 2023 các xóm bắt đầu thực hiện việc xây dựng.
Đến nay, trên địa bàn xã có 7 nhà văn hoá xây mới hoàn toàn và 2 nhà văn hoá được sửa chữa. Trong số đó, xóm An Thành là xóm huy động được nguồn lực từ con em địa phương đi làm ăn xa lớn nhất với số tiền trên 500 triệu đồng. Đến giờ phút này cơ bản các xóm đều đã hoàn thiện công trình, chỉ còn hai xóm đang trong giai đoạn hoàn thiện, tuy nhiên nguồn lực để xây dựng đã đảm bảo.
Rời xã Dương Thành, nhưng hình ảnh về một miền quê yên bình đang "thay da đổi thịt" từng ngày với những công trình được dựng xây lên bởi sự đồng thuận của ý đảng, lòng dân như muốn níu bước chân chúng tôi ở lại với nơi đây. Nơi có những con người hiền hoà, nhân hậu, một lòng mong muốn xây dựng quê hương giàu đẹp, đáng sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.