Ngày 8/11, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tổ chức chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp và các chủ thể triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên năm 2023.
Quang cảnh chương trình tập huấn. Ảnh: Hà Thanh
Thành phần tham dự chương trình tập huấn là các cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, văn hóa, quản lý di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn 9 huyện, thành phố; cán bộ phụ trách văn hóa xã hội của các xã có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng; các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Phát triển khai mạc chương trình, ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên khẳng định, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM là một chương trình vô cùng mới và hiệu quả.
Chương trình này sẽ tạo ra một giá trị gia tăng rất lớn, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của người nông dân.
Do đó, thông qua lớp tập huấn lần này sẽ giúp những người làm công tác quản lý có thể nắm bắt những cách làm hay trong phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới để triển khai hiệu quả tại địa phương.
Ông Trần Nho Hưởng – Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên phát biểu khai mạc chương trình tập huấn. Ảnh: Hà Thanh
Cũng theo ông Trần Nho Hưởng, Thái Nguyên là một trong những địa phương có tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch nông thôn với nhiều di tích lịch sử và điểm tham quan du lịch nổi tiếng như: Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; khu du lịch Hồ Núi Cốc; khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, khu di tích khảo cổ học Thần Sa…
Những sản phẩm du lịch chính của Thái Nguyên hiện nay gồm: Du lịch cộng đồng nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với văn hóa trà; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng MICE gắn với văn hóa trà; du lịch thể thao, khám phá hang động.
Tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng đã và đang tập trung các nguồn lực để xây dựng điểm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số và tham gia xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, các yếu tố văn hóa truyền thống, sinh thái gắn với nông nghiệp đã được đưa vào khai thác một cách sáng tạo để phục vụ khách du lịch như: Khuyến khích người dân xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê theo phong cách truyền thống, sử dụng nguyên vật liệu bản địa, thân thiện với môi trường, bảo tồn kiến trúc nhà sàn truyền thống tại huyện Võ Nhai, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương; phát huy giá trị của các món ăn truyền thống, đặc sản địa phương trong hoạt động du lịch tạo nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực của người dân Thái Nguyên như: Chè Tân Cương, rượu men lá Văn Hán, miến Việt Cường, xôi ngũ sắc, gạo bao thai Định Hóa, na La Hiên…
Trong hoạt động dịch vụ du lịch có sự tham gia trực tiếp của người dân vùng nông thôn, thổi hồn và tạo sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, đồng thời cũng qua đó mang lại thu nhập cho người dân tại địa phương.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp nông thôn, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo ra sản phẩm du lịch, vừa phục vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế của người dân. Tính đến năm 2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, hình thành 139 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cấp xã, cấp huyện cho các địa phương.
Để triển khai hiệu quả chương trình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, tỉnh Thái Nguyên đã đề ra nhiều định hướng cụ thể trong thời gian tới.
Theo đó,Thái Nguyên sẽ Lồng ghép các nội dung phát triển du lịch với chương trình phát triển nông thôn mới, phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là chương trình OCOP nhằm xác định và xây dựng thương hiệu các sản phẩm địa phương, tạo nét độc đáo, riêng có trong phát triển sản phẩm nông nghiệp, tiến tới kết nối tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên.
Thực hiện việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP quảng bá sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở phát huy thế mạnh về danh lam thắng cảnh, truyền thống văn hóa của từng vùng, miền; đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP, ứng dụng công nghệ thông tin, internet, thương mại điện tử, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong xây dựng nông thôn thông minh; xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Đồng thời, tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm OCOP gắn liền với phát triển du lịch, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp huyện, tỉnh, quốc gia; đẩy mạnh phát triển dịch vụ du lịch gắn kết chặt chẽ trong chuỗi sản phẩm OCOP để tiêu thụ và nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, tăng cường mối liên kết giữa các khu, điểm du lịch với các công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh nhằm thu hút khách du lịch đến với Thái Nguyên; thường xuyên tổ chức các đoàn Famtrip để nhiều công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch được khảo sát, trải nghiệm, biết đến các sản phẩm du lịch và giới thiệu đến du khách.
Mặt khác, hỗ trợ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số; các chương trình bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch các làng nghề truyền thống, các thương hiệu, sản phẩm làng nghề tiêu biểu của tỉnh gắn với các chương trình nông thôn mới; định hướng phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn theo mô hình bền vững, có trách nhiệm, bảo đảm cộng đồng dân cư có quyền tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.