Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tại một hội nghị về đầu tư ở Riyadh tháng 11.2017
Tại vương quốc thường được cai trị bởi các vị vua già, Thái tử Mohammed bin Salman (thường gọi tắt là MBS) nổi bật lên như một khuôn mặt trẻ trung được quốc tế ghi nhận là đã tiến hành những cải cách hiện đại. Nhưng ông hiện là tâm điểm chỉ trích liên quan đến vụ nhà báo Jamal Khashoggi mất tích sau khi vào lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul ngày 2.10.
Cải cách đi đôi với tranh cãi
Khi Vua Salman lên nắm quyền vào tháng 1.2015, ông nhanh chóng bổ nhiệm Hoàng tử MBS, 29 tuổi, làm bộ trưởng quốc phòng. Động thái này khiến nhiều người bất ngờ vì tầm quan trọng của vị trí và tuổi tác của hoàng tử, theo AP.
Ngay sau khi nhậm chức, MBS đối mặt với một cuộc khủng hoảng ở Yemen, quốc gia nghèo nhất thế giới Arab nằm ở phía nam vương quốc. Phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn đã chiếm thủ đô của nước này và giải tán chính phủ, khiến Arab Saudi lập liên minh do họ dẫn đầu chống lại Houthi.
Liên Hợp Quốc ước tính 10.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Yemen và gọi đây là khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới. Liên minh của Arab Saudi bị chỉ trích là không kích vào các phòng khám và chợ khiến thường dân thiệt mạng. Houthi cũng gây thương vong cho dân thường bằng việc sử dụng mìn bừa bãi.
Đối với Hoàng tử MBS, cuộc xung đột là một phần trong cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Arab Saudi và Iran. Khi được hỏi về mối lo ngại của phương Tây đối với thương vong dân sự, ông nói: "Chiến tranh nào cũng có sai lầm".
Quan điểm gay gắt của MBS với Iran đã khiến ông giành được sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran mà Tổng thống Barack Obama đã thiết lập.
Trước khi trở thành người kế vị, Hoàng tử MBS đã đến thăm Nhà Trắng và thiết lập mối quan hệ thân thiết với con rể của Trump là Jared Kushner. Hai người đang làm việc để đưa ra kế hoạch hòa bình cho Israel và Palestine.
Sau khi trở thành thái tử vào tháng 6.2017, MBS nhanh chóng sửa luật để cho phép phụ nữ lái xe và cho mở rạp chiếu phim. Hình ảnh phụ nữ ngồi sau vô lăng, đến các trận bóng đá hay rạp chiếu phim đã trở thành dấu hiệu cho thấy quốc gia bảo thủ này đang đi theo hướng trở thành xã hội hiện đại hơn.
Cộng đồng quốc tế ca ngợi những nỗ lực này, cho rằng MBS là một nhà cải cách. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ nghi ngờ về cách nhìn nhận này vì Arab Saudi đã bắt một loạt nhà hoạt động, nhà báo, nhà văn và lãnh đạo tôn giáo – động thái khiến nhà báo Jamal Khashoggi rời Arab Saudi đến sống lưu vong tại Mỹ vào tháng 9.2017.
Thái tử Mohammed đã gây ấn tượng mạnh với thế giới kinh doanh với lời hứa cho công ty dầu quốc gia Saudi Arabian Oil Co. niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, việc này đã bị trì hoãn nhiều lần.
Ông đến thăm nhiều nơi ở Mỹ, gặp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg và tỷ phú Amazon Jeff Bezos, người sở hữu Washington Post. MBS còn tổ chức một hội nghị thượng đỉnh kinh doanh lớn tại khách sạn Ritz Carlton ở Riyadh, được nhớ đến với việc robot hình người Sophia được trao quyền công dân Arab Saudi.
Nhưng chỉ vài tuần sau, khách sạn biến thành một nhà tù sang trọng để giam các doanh nhân, thành viên hoàng gia bị cáo buộc tham nhũng. Những người này sau đó được thả với cam kết giao nộp một phần tài sản. Một số chuyên gia chỉ trích MBS đã lấy cớ chống tham nhũng để củng cố quyền lực.
Mối liên hệ với các nghi phạm
Vụ nhà báo biến mất đã khiến nhiều nghi ngờ đổ dồn về Thái tử, người mà Khashoggi đã nhiều lần viết bài chỉ trích trên Washington Post và các báo khác. Nhà báo đã kịch liệt phản đối việc Arab Saudi cô lập Qatar, căng thẳng của Arab Saudi với Lebanon và Canada, đồng thời cho rằng Thái tử vẫn hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc nhóm 15 người Arab Saudi đã sát hại Khashoggi tại lãnh sự quán. Họ đến và rời Istanbul cùng ngày nhà báo biến mất. Nhóm này đi trên máy bay tư nhân thuộc sở hữu của công ty có liên quan đến Thái tử và Bộ Nội vụ Arab Saudi. New York Times xác nhận ít nhất 9 trong số 15 nghi phạm từng làm việc cho các cơ quan an ninh, quân đội hoặc các bộ khác của chính phủ Arab Saudi. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ còn cho biết họ nắm giữ bằng chứng cho thấy Khashoggi đã bị tra tấn trước khi bị chặt đầu.
Abdulaziz Mutreb tháp tùng Thái tử MBS trong chuyến công du Houston hồi tháng 4. Ảnh: AP.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16.10 thông báo đã xác định được danh tính 5 nghi phạm. Người đầu tiên là Abdulaziz Mutreb, quan chức ngoại giao từng được cử đến công tác tại đại sứ quán Arab Saudi ở London năm 2007. Mutreb thường xuyên xuất hiện cùng Thái tử và đi cùng ông đến Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ trong năm nay.
Nghi phạm thứ hai là Abdulaziz Mohammed al-Hawsawi, thành viên trong đội an ninh của Thái tử và cũng thường xuyên đi cùng Thái tử ra nước ngoài. Thaar Ghaleb al-Barbi, người được thăng cấp bậc trung úy trong đội cận vệ hoàng gia năm 2017 vì dũng cảm bảo vệ cung điện thái tử ở Jeddah, là nghi phạm thứ ba.
Nghi phạm thứ tư đi bằng hộ chiếu và tên của một thành viên khác trong đội cận vệ hoàng gia là Muhammed Saad Alzahrani. New York Times cũng chỉ ra một đoạn video từ năm 2017 cho thấy cận vệ khác mang thẻ tên này đứng cạnh Thái tử.
Bác sĩ pháp y Salah al-Tubaigy là nghi phạm cuối cùng được xác định danh tính. Báo Mỹ cho rằng việc đưa cả bác sĩ pháp y đi cùng cho thấy ý định giết Khashoggi đã có trong kế hoạch.
Trong khi đó, Arab Saudi bác bỏ các cáo buộc liên quan đến vụ mất tích. Quốc vương và Thái tử đã điện đàm với Tổng thống Trump và khẳng định họ không biết gì về vụ mất tích.
Bessma Momani, giáo sư Đại học Waterloo của Canada, cho rằng hình ảnh của Thái tử MBS đang bị tổn hại vì vụ nhà báo mất tích. "Nếu cái chết của Khashoggi được xác nhận và cáo buộc chống lại Arab Saudi được chứng minh thì hình ảnh 'nhà cải cách' của Thái tử sẽ bị ảnh hưởng trong mắt Washington và các thủ đô phương Tây khác", bà nói.
Vụ mất tích cũng phủ bóng lên hội nghị đầu tư cao cấp dự kiến được tổ chức tại Riyadh ngày 23-25.10. Một số doanh nghiệp và nhà báo Mỹ đã rút khỏi sự kiện. Các lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây cũng bắt đầu xem xét lại mối quan hệ với Arab Saudi. Sự biến mất của Khashoggi thử thách "khả năng của bất kỳ người phương Tây nào trong việc làm ăn với chính phủ Saudi", tỷ phú Anh Richard Branson nói khi tuyên bố dừng làm việc với dự án bất động sản lớn của Arab Saudi.
"Sẽ rất khó để Thái tử tránh khỏi sự chú ý đổ dồn về phía mình, khi ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chính phủ Saudi biết về số phận của Khashoggi và cả kết nối của MBS với sự biến mất của nhà báo", cây bút Shane Harris của Washington Post đánh giá.
Phương Vũ (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.