ThaiBinh Seed đồng hành nhà nông chăm sóc lúa xuân

Thu Hà Thứ hai, ngày 26/03/2018 10:10 AM (GMT+7)
Ngay sau khi kết thúc gieo cấy, nông dân tỉnh Thái Bình bắt tay vào chăm sóc, chủ động phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân với sự hỗ trợ tích cực từ Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed).
Bình luận 0

Liên kết chặt chẽ với ThaiBinh Seed

Vụ xuân năm 2018, toàn xã Bình Định (huyện Kiến Xương) gieo cấy 550ha lúa, chủ yếu là các giống TBR225, BC15... Trong đó, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp xã Bình Định (HTX Bình Định) liên kết ThaiBinh Seed sản xuất 195ha lúa giống, trong đó 145ha giống lúa TBR225, 50ha giống lúa BC15. Vào thời điểm này, HTX Bình Định khẩn trương chỉ đạo nông dân chuyển trọng tâm sang tỉa giặm và bón thúc cho toàn bộ diện tích lúa cấy và gieo thẳng.

img

  Nông dân khu vực Bắc Bộ đang tập trung chăm sóc, chủ động phòng, trừ sâu bệnh bảo vệ lúa xuân 2018. Ảnh:Thu Hà

Ông Trần Thanh Sơn - Giám đốc HTX Bình Định cho biết: “Hàng năm, HTX đều liên kết với ThaiBinh Seed hỗ trợ nông dân về kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ gần 1.000 tấn lúa cho nông dân. Vụ lúa xuân 2018, do chủ động các khâu làm đất, tưới tiêu, cung ứng giống… nên việc gieo cấy bảo đảm khung thời vụ tốt nhất. Đến nay, toàn bộ diện tích lúa của xã đều lên xanh”.

Được biết, UBND tỉnh Thái Bình cũng ban hành đề án sản xuất vụ xuân, vụ hè năm 2018. Theo đề án, mục tiêu cụ thể, năm 2018, diện tích lúa xuân đạt 79.000ha. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh xác định tập trung chỉ đạo quyết liệt về cơ cấu giống, lịch thời vụ, quy trình canh tác, vùng sản xuất đã quy hoạch. Đối với lúa xuân, tỉnh Thái Bình chỉ đạo gieo cấy 100% diện tích bằng các giống lúa ngắn ngày trà xuân muộn. Trong đó, 60 – 65% diện tích cấy bằng giống lúa năng suất cao của ThaiBinh Seed như BC15, TBR1, TBR225…

Bà Nguyễn Thị Nhung - cán bộ Phòng Khoa học công nghệ của ThaiBinh Seed cho biết: “Để sản xuất vụ xuân 2018 giành nhiều thắng lợi, Tổng công ty đã ra công văn hướng dẫn chăm sóc lúa xuân yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt một số biện pháp chăm sóc, bảo vệ lúa vụ xuân”.

4 chú ý khi chăm sóc lúa xuân

Theo hướng dẫn chăm sóc lúa xuân 2018 của ThaiBinh Seed, bà con nông dân cần lưu ý chế độ nước tưới, dặm tỉa, phân bón, phòng trừ sâu bệnh. Cụ thể:

1. Chế độ nước tưới: Điều tiết nước hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa. Sau cấy, giữ mực mước 3-5cm để lúa ấm chân, hạn chế bị chết do rét.

- Từ khi cây lúa bắt đầu đẻ nhánh thực hiện tưới nước theo công thức nông - lộ - phơi: Tưới nông và giữ ẩm xen kẽ để tạo điều kiện cho mùn giun phát triển, giúp lúa đẻ nhánh sớm, đẻ khỏe, đẻ tập trung; không để ruộng khô cỏ sẽ mọc nhiều.

- Khi lúa đẻ nhánh kín đất, tháo cạn nước để lộ chân chim giúp rễ lúa ăn sâu sẽ tăng khả năng chống đổ của cây, sau đó đưa nước vào 7-10cm để hạn chế nhánh vô hiệu. Giai đoạn làm đòng đến thu hoạch giữ nước 3 - 5cm cho đến khi thu hoạch.

2. Giặm tỉa: Nên kết thúc tỉa dặm trước khi cây lúa đẻ nhánh, tỉa dặm đảm bảo mật độ theo đúng quy trình hướng dẫn.

3. Phân bón: Khi lúa bén rễ hồi xanh (sau cấy 12-15 ngày) bón thúc ngay, bón tập trung, nên sử dụng các loại phân NPK có hàm lượng đạm và kali cao để bón cho lúa. Tuyệt đối không bón phân lai rai và không bón đạm đơn. Chỉ bón phân khi nhiệt độ ngoài trời >15 độ C.

4. Phòng trừ sâu bệnh: Thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh hại, phát hiện sớm để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Trên lúa xuân cần chú ý một số đối tượng sâu bệnh hại như: Bệnh đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy nâu, chú ý bệnh lùn sọc đen.

- Bệnh đạo ôn: Giai đoạn sau cấy, thời tiết ấm, kèm theo độ ẩm không khí cao, ánh sáng yếu, thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh, phát triển. Để phòng trừ bệnh đạo ôn, cần áp dụng các biện pháp:

+ Vệ sinh ruộng, cắt cỏ bờ

+ Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phát hiện và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Nếu thấy xuất hiện vết bệnh trong điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển phải ngừng bón đạm, không để ruộng bị khô nước, tiến hành phun thuốc phòng trừ kịp thời.

+ Bón phân cân đối, không bón quá nhiều đạm, nhất là thời kỳ cuối đẻ nhánh, trước và sau khi trỗ

+ Sử dụng thuốc đặc hiệu để phòng trừ như: FILIA 525SE, BUMP 650WP, KATANA 20SC, KASAI-S 92SC...

- Sâu cuốn lá nhỏ: Thường nở rộ và gây hại nặng trên diện rộng vào giai đoạn lúa đẻ nhánh đến trỗ, tập trung trên những ruộng gần khu dân cư, những ruộng lúa bón thừa đạm. Do đó cần chủ động phát quang bờ ruộng, bón phân cân đối tránh bón thừa đạm, tưới tiêu hợp lý, sử dụng thuốc đặc hiệu để phòng trừ như Tango 800WP, Takumi 20WWG, Vitako 40WWG, Clever 300WG, Finico 800WG…

- Rầy các loại: Phát sinh khi thời tiết nóng ẩm, nhiệt độ cao, thường gây hại từ giai đoạn đẻ nhánh đến thu hoạch. Cần điều tra, phát hiện và chỉ đạo phòng trừ kịp thời, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu: Actara 25WG, Penalty 40WP, Midan 10WP, Oshin 100SL, Sutin 5EC để trừ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem