Vũ Văn Tiến khóc trong phiên xử lưu động hôm 17.12.2015. Ảnh: VNE
Trả lời câu hỏi trên của PV Dân Việt, luật sư Trần Thị Thúy (Công ty Luật Hợp danh Thái Bình Dương - Đoàn luật sư Nghệ An) cho biết: Hành vi phạm tội của Vũ Văn Tiến là đặc biệt nghiêm trọng. Hình phạt tử hình đối với Tiến là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trước lời khẩn cầu của người mẹ sắp bị mất con thì ai cũng động lòng trắc ẩn, nhưng Điều 46, Bộ luật Hình sự quy định rất cụ thể các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và được hướng dẫn tại Mục 5 Nghị quyết 01/2000/NQ-HĐTP lại không có quy định nào coi chữ ký xin giảm án như trường hợp nêu trên là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Do đó, những chữ ký mà mẹ Tiến đã tập hợp không có giá trị để giảm nhẹ hình phạt cho Tiến.
Trả lời câu hỏi của PV: "Tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự lại quy định: “Khi quyết định hình phạt, tòa án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”. Vậy tập hợp chữ ký xin giảm án cho Tiến (nêu trên) có thể coi đó là tình tiết khác để giảm nhẹ hình phạt cho Tiến?", theo luật sư Thúy: Một số tình tiết được coi là các tình tiết giảm nhẹ khác quy định tại khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự đã được hướng dẫn cụ thể tại điểm c Mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 4-8-2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao "Hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999".
Cụ thể:
“- Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: Anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước;
- Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sĩ;
- Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỉ lệ thương tật từ 31% trở lên;
- Người bị hại cũng có lỗi;
- Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
- Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
- Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
- Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”.
Như vậy, trong số những tình tiết giảm nhẹ được hướng dẫn trên cũng không có tình tiết nào coi việc có nhiều người dân xin giảm án cho bị cáo được coi là “tình tiết khác” để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Việc bị cáo Vũ Văn Tiến có được xem xét giảm nhẹ hình phạt hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vai trò của bị cáo trong vụ án, tính chất của hành vi phạm tội (vấn đề này sẽ được tòa án cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá) và phụ thuộc vào việc bị cáo có thêm tình tiết mới nào khác mà HĐXX sơ thẩm chưa áp dụng hay không.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.