Thảm cảnh chỗ ở của công nhân

Thứ hai, ngày 25/04/2011 19:03 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bất chấp những quy định về việc quy hoạch khu công nghiệp phải gắn với nơi ở và trường học, tại nhiều địa phương, công nhân vẫn phải tạm trú trong những khu nhà trọ "ổ chuột".
Bình luận 0

Chỗ ở luôn là nỗi lo hàng đầu của 50.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) ở Đà Nẵng. Ghi nhận của NTNN tại Đà Nẵng.

Chen chúc trong khu "ổ chuột"

img

Vợ chồng chị Bình anh Trọng cùng 2 đứa con chen chúc nhau trong căn phòng 8m2.

Cả một buổi sáng, trong vai người tìm phòng trọ, chúng tôi len lỏi vào các dãy phòng tại phường Hòa Khánh Bắc (Liên Chiểu) để hỏi thuê, nhưng đều nhận được câu trả lời: "Hết phòng".

Động lòng, chị Lê Thị Lợi (quê Quảng Nam), công nhân điện tử tại KCN Hòa Khánh rủ: Ở khu này tìm phòng khó lắm, nếu thấy tiện, em qua ở cùng với các chị (chị Lợi đang ở cùng 1 người cùng quê). Vừa rồi giá thuê phòng tăng lên 750 nghìn đồng/tháng (tăng 250 nghìn đồng), chưa tính tiền điện, nước, nên chị muốn tìm người ở thêm cho đỡ chi phí.

Tới khu trọ của chị Lợi, chúng tôi thấy mỗi phòng trọ rộng chưa đầy 8m2, trần nhà thấp và không có lỗ thông gió nên rất ngột ngạt, lúc nào cũng tối đen vì 3 mặt của khu trọ đều bị bít kín, chỉ chừa lối đi vào rộng chưa đầy 1m.

Chật chội, người độc thân như chị Lợi ở còn đỡ, những công nhân có gia đình thì không có chỗ để thở trong vẻn vẹn 8m2 ấy.

"Hai vợ chồng với 2 đứa con chen chúc nhau với lỉnh kỉnh đồ đạc, nhiều khi không chịu nổi, tôi chỉ muốn về quê cho xong nhưng vì cuộc sống, vợ chồng đành bảo nhau chịu cực, cố bám trụ. Không biết đến bao giờ, những công nhân như chúng tôi mới có một nơi tử tế để ở"- chị Lê Bình (quê Quảng Trị) nghẹn ngào nói.

Tại KCN An Đồn (Sơn Trà), chị Lê Thị Hà (quê TP.Huế), làm cho một công ty giày da, than thở: "Tụi em mới vào công ty nên lương thấp, tích cực tăng ca, một tháng cũng chỉ hơn 1 triệu đồng thì tiền nhà chiếm gần hết nửa. Đã vậy giá điện, nước vừa rồi lại tăng".

Ông Nguyễn Hữu Thiết -Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho biết, quận tập trung nhiều KCN nên vấn đề nhà trọ cho công nhân luôn căng thẳng. Chỉ tính riêng lượng công nhân đang làm việc tại KCN Hòa Khánh và Thanh Vinh đã lên tới hơn 30.000 người. Hầu hết họ phải thuê nhà trọ xung quanh nơi làm việc, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt, an ninh trật tự không bảo đảm...

Ì ạch các dự án nhà

Công nhân làm trong các KCN như chúng tôi chủ yếu là ở nông thôn di cư bởi thiếu đất, thiếu việc làm. Với điều kiện làm việc khó nhọc, chỗ ở và trường học không có, chúng tôi rất khó gắn bó với công ty. Tới lúc nào đó mỏi mệt lại quay về quê chịu cảnh thất nghiệp.

Đến nay, TP. Đà Nẵng đã có quy hoạch xây dựng các khu chung cư cho công nhân các KCN. Thế nhưng hiện có rất ít nhà đầu tư "nhảy" vào lĩnh vực này. Năm 2009, UBND thành phố phê duyệt dự án nhà ở cho công nhân KCN Hòa Khánh, với tổng diện tích gần 58.000m2, tại khu đô thị KCN Hòa Khánh, do Công ty Hưng Phú làm chủ đầu tư xây dựng.

Dự án này dự kiến xây dựng các căn hộ có diện tích từ 38-84m2, đảm bảo 5.000 chỗ ở cho công nhân. Công ty Hưng Phú khẳng định: Giai đoạn 1 của dự án sẽ xong vào tháng 8.2010, giai đoạn 2 kết thúc vào năm 2011. Thế nhưng, đến nay đã là tháng 4.2011, giai đoạn 1 của dự án vẫn chưa hoàn thành.

Bà Trần Chân Châu - Trưởng phòng Quản lý cơ sở hạ tầng và an ninh KCN An Đồn khẳng định, hầu hết công nhân có nhu cầu bức thiết về chỗ ở. Các DN cũng biết vậy. Tuy nhiên, khi thăm dò ý kiến việc xây nhà cho công nhân và yêu cầu góp vốn thì DN nào cũng… lơ.

Theo bà, do chưa có quy định cụ thể bắt buộc nhà đầu tư cơ sở hạ tầng KCN phải đầu tư đồng thời dự án khu dân cư; mặt khác cũng chưa phân công rõ ràng trách nhiệm cho cơ quan hoặc đơn vị nào xây dựng nhà ở. "Chúng tôi chỉ vận động, tùy vào sự quan tâm của DN đối với công nhân của mình chứ không thể ép họ xây nhà ở cho công nhân được"- bà Châu nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem