Tham gia bán tín chỉ carbon từ 296.927ha rừng, tỉnh Bình Thuận sẽ có thêm nguồn thu lớn
Tham gia bán tín chỉ carbon từ 296.927ha rừng, tỉnh Bình Thuận sẽ có thêm nguồn thu lớn
P.V
Thứ năm, ngày 28/09/2023 11:48 AM (GMT+7)
Theo Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ (ERPA) trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent - Tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (Liên minh LEAF), sẽ có 11 tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ được hưởng lợi.
Bình Thuận là một trong 11 tỉnh dự kiến tham gia thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ (ERPA) trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và LEAF.
Theo công bố hiện trạng rừng năm 2022 tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 21/4/2023 của UBND tỉnh, tổng diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng của tỉnh là 349.625 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 342.410 ha và diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng 7.215 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn tính tỷ lệ che phủ rừng là 342,410 ha/794.260 ha, đạt tỷ lệ che phủ rừng là 43,11%.
“Với diện tích rừng tự nhiên tương đối lớn (296.927 ha), việc tham gia mua bán giảm phát thải thông qua tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn kinh phí quan trọng cho tỉnh để tiếp tục đầu tư vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; góp phần nâng cao đời sống và sinh kế cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu sốnói riêng, các hộ sống trong và ven rừng nói chung; chia sẻ, giảm áp lực kinh phí đầu tư của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”, đại diện tỉnh Bình Thuận chia sẻ.
Là tỉnh tiếp cận REDD+ từ 15 năm trước và là một trong 2 tỉnh thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng đầu tiên ở Việt Nam, do đó, đây là sẽ cơ sở rất thuận lợi để Lâm Đồng khi tham gia LEAF.
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng kiến nghị mức phát thải cơ sở và kết quả giảm phát thải được tính sau khi khấu trừ do rủi ro đảo nghịch; rủi ro do rò rì phát thải nên tính toán chung cho 2 vùng này. Khi đó, tính toán tổng lượng tín chỉ có thể thương mại theo yêu cầu của TREES tại 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh Nam Trung bộ thuận lợi.
Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng đề nghị Chương trình REDD+ của Liên hợp quốc (UBREDD) hỗ trợ tư vấn sử dụng dữ liệu viễn thám để tính toán lượng giảm phát thải theo cấp vùng cho cả 11 tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ nguồn ảnh này thường xuyên và cung cấp cho các tỉnh để thực hiện nhiệm vụ giám sát để đáp ứng yêu cầu của Cơ quan quản lý giao dịch REDD+ theo tiêu chuẩn của TREES cần có dữ liệu diện tích để tính toán carbon là dữ liệu không gian và phân theo hiện trạng rừng giai đoạn tham chiếu (2016 - 2020). Trong khi, với tình hình 11 tỉnh như hiện nay, không có nguồn ảnh viễn thám chất lượng cao đồng nhất về thời điểm.
Tại Hội thảo chia sẻ thông tin về triển khai sáng kiến Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp do Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp cùng Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp Emergent - Tổ chức điều phối của Liên minh giảm phát thải thông qua tăng cường tài chính lâm nghiệp (Liên minh LEAF) tổ chức, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, tại Hội nghị COP26, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Giám đốc Tổ chức Emergent (cơ quan quản lý hành chính của LEAF) đã ký Ý định thư (LOI) thiết lập hợp tác giữa Việt Nam và LEAF.
Theo đó, hai bên đã ký kết, thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ (ERPA) bao gồm 11 tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Theo Ý định thư này, Việt Nam dự kiến sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022 - 2026 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn CO2 tương đương. Toàn bộ lượng tín chỉ chuyển nhượng cho LEAF sẽ được tính vào cam kết cam kết giảm phát thải, đối với đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Dự kiến trong giai đoạn 2022 - 2026, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 với giá tối thiểu là 10 USD/tấn (tương đương 51,5 triệu USD, khoảng hơn 1.180 tỉ đồng).
Các chuyên gia cho biết, kế hoạch thực hiện LEAF tại 11 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ sẽ chi trả cho các đối tượng hưởng lợi và giám sát đánh giá vào quý III/2025.
“Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên với tổng diện tích rừng khoảng 4,29 triệu ha, chiếm trên 29% diện tích rừng cả nước, có tầm quan trọng đặc biệt về tài nguyên rừng, đa dạng sinh học đã được lựa chọn để thực hiện sáng kiến LEAF”, ông Trần Quang Bảo chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - đại diện Tổ chức Emergent tại Việt Nam cho biết, LEAF được thành lập tháng 4/2021 với mục tiêu chấm dứt nạn mất rừng thông qua cung cấp tài chính cho nỗ lực bảo vệ rừng nhiệt đới với quy mô từ 2,5 triệu ha trở lên. Đây không phải chương trình/dự án carbon (CO2) hay tổ chức cấp tiêu chuẩn CO2.
Tất cả các tín chỉ giao dịch qua LEAF được đăng ký và phát hành theo tiêu chuẩn TREES (tiêu chuẩn môi trường REDD+tối ưu) bởi ART (nền tảng giao dịch REDD+). Liên minh LEAF được hỗ trợ bởi 4 chính phủ tài trợ (Anh, Mỹ, Na Uy, Hàn Quốc) và hơn 25 tập đoàn là các thành viên có cam kết mạnh mẽ về giảm mất rừng.
Yêu cầu của LEAF gồm: Tiêu chuẩn TREES; tham vấn và chia sẻ lợi ích với cộng đồng địa phương và cộng đồng dân tộc thiểu số; kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng tiền thu được; tiêu chí tham gia LEAF đối với doanh nghiệp mua.
“Đến nay, nguồn kinh phí cam kết đóng góp cho LEAF để thực hiện chi trả cho dịch vụ giảm phát thải từ rừng lên tới 1 tỷ USD. Đây cũng là nỗ lực của Việt Nam góp chung cùng sáng kiến tại COP26, nhằm thực hiện các cam kết tại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu”, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay.
"Khi thỏa thuận mua bán phát thải chính thức được các bên ký kết thì các chủ rừng ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể để cải thiện sinh kế. Các địa phương sẽ có thêm nguồn lực để tái đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ rừng", ông Bảo nhấn mạnh.
Tín chỉ carbon là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn CO2 (carbon dioxide) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác (CH4 tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2tđ). Mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ. Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua năm 1997. Theo nghị định này, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Theo đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do CO2 là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Bên mua tín chỉ carbon là các doanh nghiệp có lượng phát thải CO2 dương, có thể là công ty sản xuất thép, xi măng, hóa dầu, sản xuất hóa chất, may mặc… Bên mua buộc phải mua tín chỉ carbon để hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường có quy định về tiêu chuẩn sản xuất xanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.