Bạo lực gia đình: Chính quyền nương tay, nạn nhân che giấu

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ tư, ngày 31/08/2016 06:17 AM (GMT+7)
Chính quyền nương tay, nạn nhân che giấu, vì thế bạo lực gia đình vẫn thường xuyên tiếp diễn. Về vấn đề này, PV Báo NTNN.Dân Việt đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).
Bình luận 0

img

Bà Phạm Thị Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển
(Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

 Theo bà, nguyên nhân vì sao mà vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ) dù đã được đề cập, lên án nhiều nhưng vẫn tồn tại?

- Nguyên nhân của BLGĐ là vấn đề phức tạp được nhìn nhận từ hệ thống xã hội, đó là sự bất bình đẳng giới, đặc biệt là sự bất bình đẳng về quyền lực và bất bình đẳng về kinh tế, đẩy người phụ nữ vào vị thế thấp và lệ thuộc. Ngoài ra, không thể phủ nhận rằng vẫn có những người phụ nữ dung túng cho hành động bạo lực của chồng. Có người còn xem bạo lực là một điều bình thường, thậm chí chấp nhận quan hệ tình dục dù không mong muốn như một nghĩa vụ đạo đức (đạo làm vợ). Số khác thì vì thiếu kiến thức về BLGĐ, thiếu kinh nghiệm tự vệ, xử lý nên vẫn là nạn nhân từ năm này tới năm khác.

img

Tập huấn cho học sinh để xây dựng cộng đồng không có bạo lực  
(ảnh chụp tại huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).  Ảnh: M.N

Có ý kiến cho rằng, chính quyền các cấp còn nương tay trong xử phạt BLGĐ nên mới có tình trạng BLGĐ vẫn tái diễn, thậm chí bị "nhờn thuốc"?

-Thực trạng chính quyền, các cấp còn nương tay trong xử phạt BLGĐ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân, một phần là do họ còn thiếu kiến thức chung về BLGĐ, bình đẳng giới. Đặc biệt, nhiều người thi hành pháp luật vẫn còn định kiến giới nên cho rằng BLGĐ xảy ra là do phụ nữ, hoặc đàn ông bạo lực là họ dạy vợ... Ngoài ra, những người gây bạo lực có thể là người nhà, họ hàng hoặc bạn bè của họ nên lãnh đạo địa phương còn nương tay.

Một thực tế đau lòng đang xảy ra hiện nay là chính quyền địa phương và cộng đồng chỉ chú trọng hòa giải để giữ yên sự bền vững của gia đình một cách hình thức mà coi nhẹ việc quan tâm đến an toàn cho nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Trong khi đó, an toàn cho nạn nhân mới là vấn đề cần ưu tiên hàng đầu.

Tình trạng BLGĐ diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng, có những hình thức bạo lực "tế nhị" như bạo lực tình dục, nạn nhân thường không muốn đề cập. Vậy làm cách nào để có thể can thiệp hỗ trợ nạn nhân?

- Những người phụ nữ bị BLGĐ thường giấu kín câu chuyện của họ. Khi bị bạo lực tình dục họ càng giấu kín hơn do quan niệm văn hoá “phụ nữ nói ra câu chuyện tình dục là điều xấu hổ”. Rào cản này nằm trong chính cơ chế phòng vệ của họ và xa hơn là trong chính tầng sâu văn hóa của người phụ nữ Á Đông. Khi hỗ trợ phụ nữ bị BLGD, chúng tôi luôn nắm bắt những rào cản này để không bỏ qua hình thức bạo lực tình dục và hỗ trợ họ nói ra câu chuyện. Việc hỗ trợ mang tính chuyên nghiệp như thiết lập mối quan hệ thân thiện, hợp tác giúp nạn nhân cởi mở hơn; việc bảo mật thông tin giúp nạn nhân cảm thấy an toàn hơn cũng như sử dụng các kỹ năng một cách thuần thục giúp nạn nhân có thể dễ dàng chia sẻ. Đồng thời nạn nhân thấy lợi ích của việc chia sẻ thông tin cũng như tìm được các giải pháp phù hợp, từ đó họ sẽ tìm thấy niềm tin, sức mạnh của bản thân và kiến thức để ứng phó với bạo lực. Phụ nữ cần ý thức về sự cần thiết "phá vỡ im lặng", "im lặng là chết". Đặc biệt, người phụ nữ có quyền chủ động nói không với tình dục khi không mong muốn trong mối quan hệ với chồng, bạn tình.              

Theo bà  cần có giải pháp gì để xóa bỏ BLGĐ trong thời gian tới?

- Theo tôi, muốn giải quyết được BLGĐ cần phải thay đổi những định kiến giới đang ngầm cho phép bạo lực xảy ra... Tuy nhiên, cần phải có thời gian và phải có nhiều hoạt động kết hợp với nhau từ cá nhân – gia đình, cộng đồng và xã hội. Nếu duy trì bạo lực trong nuôi dạy trẻ em chúng ta sẽ tiếp tục tạo dựng những thế hệ coi ứng xử bằng bạo lực là bình thường. Vì vậy cần xây dựng những cộng đồng không bạo lực. Đồng thời, thực hiện đổi mới pháp luật và chính sách đảm bảo quyền cho người phụ nữ như quyền an toàn, quyền học hành, quyền thừa kế, quyền có việc làm... đảm bảo cho người phụ nữ có vị thế và độc lập về kinh tế. Cần có sự phối hợp liên ngành chia sẻ thông tin về nạn nhân và xử lý người gây bạo lực giữa: Công an; chính quyền; Hội Phụ nữ; tòa án; y tế; giáo dục; truyền thông...

Muốn giải quyết được BLGĐ cần phải thay đổi những định kiến giới đang ngầm cho phép bạo lực xảy ra...  Tuy nhiên, cần phải có thời gian và phải có nhiều hoạt động kết hợp với nhau từ cá nhân – gia đình, cộng đồng và xã hội. Nếu duy trì bạo lực trong nuôi dạy trẻ em chúng ta sẽ tiếp tục tạo dựng những thế hệ coi ứng xử bằng bạo lực là bình thường. Vì vậy cần xây dựng những cộng đồng không bạo lực”.

Bà Phạm Thị Hương Giang

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem