Bạo lực gia đình “leo thang” thành tội ác

Minh Nguyệt Thứ tư, ngày 12/10/2016 06:15 AM (GMT+7)
Chỉ trong không đầy 1 tuần lễ, liên tiếp trong cả nước đã diễn ra hàng chục vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) nghiêm trọng khiến nhiều phụ nữ tử vong hoặc thương tích nặng.
Bình luận 0

Coi vợ như kẻ thù

Ngày 6.10, Công an huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước cho biết đã tạm giữ Triệu Hữu Thăng (SN 1976, trú thôn 4, xã Bom Bo, Bù Đăng) để làm rõ về hành vi giết người. Trước đó, bực tức vì vợ vay tiền tiêu xài mà không nói với mình, Thăng dùng súng tự chế bắn thẳng vào đầu vợ.

img

Chỉ bắt đầu từ cái tát, BLGĐ có thể “leo thang” thành án mạng (ảnh minh họa). Nguồn: Internet

Dù trình độ dân trí ngày càng cao, nhưng BLGĐ lại xảy ra nhiều vụ thương tâm hơn. Đó là vì người dân chưa tiếp cận được nhiều đến quyền, đến luật. Do đó, cần tăng cường truyền thông cho các nhóm đối tượng này mới hạn chế được các vụ việc BLGĐ ”.

Ông Phạm Ngọc Tiến – Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH)

Nghe có tiếng nổ, người dân xung quanh chạy đến phát hiện người vợ bị thương nên nhanh chóng đưa đi cấp cứu. May thay, viên đạn chỉ sượt qua da nên nạn nhân thoát chết.

Đau lòng hơn, ngày 10.10, Công an tỉnh Cà Mau đã bắt giữ Trần Văn Sớm (28 tuổi, huyện Trần Văn Thời) điều tra tội giết người. Nạn nhân là chị Lê (42 tuổi), đã chung sống như vợ chồng với Sớm được 10 năm và có 1 con chung. 4 tháng trước, Sớm đã bỏ nhà đi, để mặc vợ con tự xoay xỏa cuộc sống. Vài ngày trước, Sớm trở về thăm con, sau đó nổi cơn ghen, cho rằng chị Lê đã có người khác. Trong lúc cãi cọ, Sớm lấy dao đâm chị Lê tử vong.

Thậm chí, tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng) BLGĐ còn xảy ra ngay trên đường phố. Ngày 9.10, trong lúc say xỉn, người chồng là Nguyễn Đình Quang đã cầm dao cứa đứt cổ vợ ngay trên đường. Nhờ mọi người cấp cứu kịp thời, vết cắt không quá sâu nên nạn nhân đã qua cơn nguy kịch.  

Chính sách và luật pháp mâu thuẫn

Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng, nguyên nhân BLGĐ ngày càng gia tăng là do chúng ta vẫn không xóa bỏ được tư tưởng: Đàn ông có quyền đàn áp phụ nữ, cũng không ít chị em chấp nhận bị chồng đánh. Theo bà Hồng, Việt Nam có hàng chục luật để kiểm soát BLGĐ. Tuy nhiên việc thực hiện còn hạn chế. Nếu chúng ta không thay đổi được nhận thức của người dân, kể cả những người thực thi luật pháp thì BLGĐ còn tiếp diễn. Mặt khác việc xử phạt vẫn chưa nghiêm minh, những người phụ nữ tố cáo BLGĐ lại bị xã hội lên án “vạch áo cho người xem lưng”…

Ông Phạm Quốc Nhật - chuyên gia Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) cho biết, các vụ BLGĐ ở địa phương chủ yếu được lập hồ sơ để hòa giải mà giải quyết chưa nghiêm, chưa dứt điểm nên BLGĐ càng dây dưa và bùng phát thành tội ác. Theo ông Nhật, BLGĐ vẫn như một tảng băng nổi, phần chìm chưa thể được thống kê. “Ban đầu có thể BLGĐ chỉ là những cái tát, cái đấm, hoặc vài ba tiếng chửi bới, nhưng về lâu dài nếu không bị xử lý, nó có thể là nguyên nhân dẫn tới những tội ác kinh hoàng, cướp mạng người” – ông Nhật nhận định.

Để tiến tới giảm bớt BLGĐ, ông Đinh Đoàn - thạc sĩ tâm lý (Công ty Tư vấn tâm lý – Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng) cho rằng cần phải đưa vấn đề BLGĐ ra ánh sáng để cả xã hội lên tiếng phản đối. “Nếu chỉ bỏ tù, giam một số người gây BLGĐ thì hiệu quả chưa chắc đã tốt bằng việc bị cộng đồng góp ý, phê phán về hành vi gây BLGĐ. Muốn vậy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần có biện pháp tuyên truyền, phát hiện ngăn chặn BLGĐ từ trong trứng nước” - ông Đoàn kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem