Thâm nhập vào "hang ổ" kích giun ở Sơn La: Giáp mặt "giun tặc" ngay giữa ban ngày (Bài 1)

Nhóm PV Tây Bắc Thứ ba, ngày 19/09/2023 06:00 AM (GMT+7)
Sau khi hoành hành ở các tỉnh có nhiều diện tích trồng cây ăn trái như Hòa Bình, Yên Bái, nạn giun tặc bắt đầu "loang" tới đất Lào Cai, Sơn La. Để "bóc" tận gốc của nạn kích giun trộm này, nhóm PV Dân Việt đã lần vào "hang ổ" của nạn kích giun, từ việc đi kích giun trộm đến những lò sấy giun bất hợp pháp...
Bình luận 0

Clip: Các đối tượng kích giun hoạt động giữa ban ngày, dùng máy kích điện để cắm dòng điện cao áp xuống đất bắt giun trái phép. Thực hiện: Nhóm PV Tây Bắc.

Phải mất nhiều ngày la cà, PV Dân Việt mới có thể quay và ghi lại cảnh các đối tượng dùng dòng điện cao áp cắm xuống đất để kích giun dưới đất chui lên và bắt cho vào những chiếc xô. Những kẻ kích giun trộm thường hoạt động thoắt ẩn, thoắt hiện đến lực lượng chức năng cũng rất khó bắt quả tang. Đây là lần đầu tiên, nhóm PV "được" giáp mặt và ghi lại cảnh kích giun ngay giữa ban ngày, ban mặt.

"Mật phục" ghi lại cảnh ngang nhiên kích giun giữa ban ngày

Chọn đúng ngày trời vừa mưa xong, đất đai ẩm ướt- thời điểm "giun tặc" hoành hành vì việc kích điện bắt giun có hiệu quả hơn, chúng tôi tìm về huyện Mộc Châu – địa bàn nạn "giun tặc" đang hoạt động mạnh nhất để tìm hiểu thêm thông tin. Sau hơn 3 giờ đồng hồ, vượt hơn 100km đường đèo dốc từ trung tâm thành phố Sơn La, chúng tôi đến vùng đất cao nguyên này. Vùng này tương đối bằng phẳng, đất đai được nông dân chăm bẵm kì công nên rất màu mỡ.

Nơi đây là thủ phủ bò sữa và là một trong những vựa cây ăn trái của tỉnh Sơn La với nhiều đồng cỏ, vườn cây trái xanh tốt do được người dân chăm bón bằng các loại phân hữu cơ, phần chuồng, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Chính vì thế, đây cũng là môi trường rất tốt cho giun đất sinh sôi, nảy nở, nhân đàn... Do đó, nơi đây ngẫu nhiên trở thành "vùng đất vàng đối với giun tặc".

"Giun tặc hoành hành" (Kỳ 1): Vết dầu loang trên đất Sơn La - Ảnh 4.

"Giun tặc" đang tiến hành kích giun đất trái phép tại một cánh đồng cỏ voi tại thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu (Sơn La). Nhóm PV

Từ ngã ba 64 – thị trấn Nông trường Mộc Châu, chúng tôi chạy dọc theo tuyến đường bê tông nội đồng, đi sâu vào trong vùng trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi bò sữa của người dân. Theo quan sát của phóng viên, cánh đồng cỏ này vừa mới được cắt cách đây vài hôm. Cỏ đang trong quá trình phát triển, đẻ nhánh non. Trên mặt đất được người dân bón phân hoai mục, phân chuồng. Theo những thông tin chúng tôi có được trước đó thì những đám cỏ voi mới cắt thế này luôn được các "giun tặc" coi là mảnh đất màu mỡ để kích giun.

Lựa chọn một đám có voi cao vượt đầu người chưa được nông dân thu hoạch, chúng tôi lao xe vào đấy và kiên trì mật phục, mặc cho đám ruồi, nhặng, muỗi vằn vo ve, bu kín từ chân đến mặt. Những lá cỏ voi như gai sắc, cứa rát ràn rạt nhưng cũng không nguy hiểm bằng việc để "giun tặc" phát hiện ra chúng tôi là phóng viên, đang thực hiện những việc đụng đến miếng cơm – manh áo của họ.

Chừng 30 phút sau, chúng tôi nghe thấy tiếng xe máy và một thanh niên đèo theo máy kích điện và chiếc xô nhựa cũng đi về phía cánh đồng cỏ voi mới cắt. Anh ta chọn một đám cỏ cao khác ở gần chỗ chúng tôi, lao xe máy vào đấy để giấu xe. Quay trở ra, quan sát trước sau, thấy an toàn, anh thanh niên bắt đầu lôi dụng cụ ra để "tác nghiệp".

"Giun tặc hoành hành" (Kỳ 1): Vết dầu loang trên đất Sơn La - Ảnh 5.

Những con giun đất to bằng cả ngón tay, sâu bị kích điện, ngoi lên khỏi mặt đất "giun tặc" bắt đầu tiến hành thu gom. Nhóm PV

Nhanh tay cắm các đầu dây điện vào máy kích, đầu bên kia được nối với những thanh thép nhọn, anh thanh niên kéo dài dây điện ra xa máy kích khoảng 10 mét và cắm thẳng xuống đất. Chỉ sau khoảng 15 giây bật máy kích điện, những con giun đất to bằng cả đầu ngón tay bắt đầu nhô lên khỏi mặt đất, con nào con nấy đều quằn quại trong sự đau đớn, tìm mọi cách để thoát thân.

Người thanh niên nhanh tay nhặt những con giun đất bỏ vào cái xô nhựa. Sau đó anh ta liên tục di chuyển máy kích ra nhiều vị trí khác nhau. Để cho giun đất được tươi, anh ta bốc thêm một ít đất ruộng bỏ vào xô nhựa đựng giun. Vừa thao tác, thanh niên này vừa nhìn trước, ngó sau, canh chừng người lạ. Chỉ trong khoảng gần 20 phút, với những thao tác sử dụng máy kích thuần thục anh ta đã thu được rất nhiều giun đất và ung dung xách xô, cưỡi xe máy ra về với nét mặt rất thỏa mãn.

"Tấn công" vào những vườn trồng cây hữu cơ của người dân

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, nhiều tháng nay tại các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Bắc Yên, Phù Yên,… của tỉnh Sơn La đã xuất hiện tình trạng các đối tượng dùng kích điện công suất lớn khai thác giun đất trái phép. Để làm rõ tình trạng trên, PV Dân Việt đã tìm đến với nhiều địa bàn đang có dấu hiệu sử dụng kích điện săn bắt giun đất trong tỉnh.

Tại huyện Yên Châu, chúng tôi đã gặp anh Bùi Tuấn Anh- Giám đốc hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc ở huyện Yên Châu (Sơn La). Anh Tuấn cho biết: HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, với quy mô trên 200ha cây ăn quả. Đến nay, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của HTX đã có mặt trên các thị trường trong và ngoài nước. Để sản xuất ra những trái cây an toàn, có chất lượng như vậy, ngoài việc HTX phải tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc cây ăn quả an toàn, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật; khâu bón phân hữu cơ, giữ ẩm cho đất có vai trò đặc biệt quan trọng và đầu tư tốn kém. Chính quá trình đầu tư phân bón hữu cơ, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại và giữ ẩm tốt nên ở các vườn cây này, giun đất phát triển rất nhanh.

"Giun tặc hoành hành" (Kỳ 1): Vết dầu loang trên đất Sơn La - Ảnh 2.

HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc ở huyện Yên Châu (Sơn La) trồng và chăm sóc cây ăn quả theo hướng hữu cơ, chính vì vậy vai trò của giun đất rất quan trọng. Nhóm PV

Vai trò của giun đất rất quan trọng trong nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Giun giúp cho đất tơi xốp, thoáng khí nên tác động trực tiếp đến sự phát triển của cây trồng. Giun đất ăn những mảnh vụn hữu cơ mục nát như xác bã thực vật, cỏ khô, lá khô, nên phân của chúng có hàm lượng dinh dưỡng rất lớn. Phân và xác giun khi kết hợp với hạt đất có thể làm tái tạo keo đất, giữ độ ẩm đất. Giun còn có khả năng hỗ trợ tiêu diệt những vi khuẩn, nấm bệnh có hại cho đất, gây bệnh trên cây trồng. Nông nghiệp hữu cơ có thành công hay không thì phải phụ thuộc rất nhiều vào con giun đất. Trước nạn "giun tặc" đang hoành hành tại nhiều khu vực của tỉnh Sơn La. HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc đã phải có những biện pháp ngăn chặn "giun tặc".

"Toàn bộ diện tích canh tác của HTX hiện nay chúng tôi đang làm theo hướng hữu cơ, chính vì thế lượng giun đất trong vườn rất nhiều. Để ngăn chặn nạn "giun tặc" các các khu vườn chúng tôi đều phải đầu tư lắp đặt thêm hệ thống Camera cảnh báo. Đồng thời chúng tôi quán triệt đến các thành viên phải thường xuyên tuần tra, thăm vườn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi kích giun đất trái phép tại vườn cây ăn quả của HTX", anh Bùi Tuấn Anh nói.

"Giun tặc hoành hành" (Kỳ 1): Vết dầu loang trên đất Sơn La - Ảnh 3.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Sơn La nạn "giun tặc" đang xuất hiện ở nhiều nơi. Nhóm PV

Cũng theo giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, mặc dù HTX đã có những biện pháp ngăn chặn "giun tặc", thế nhưng vì lợi nhuận cao, nhiều người dân vẫn bất chấp, kích giun trái phép. Bản thân anh Tuấn Anh và nhiều thành viên HTX cũng không khỏi lo lắng, vị chỉ cần sở hở là "giun tặc" có thể tấn công vườn cây ăn quả của HTX. "Họ kích giun thì không chỉ trang trại của chúng tôi mất đi những động vật có lợi cho cây trồng mà còn gây ra việc làm chết các rễ non, ảnh hưởng mầm, thân lá cây bởi dòng điện từ máy kích giun phóng ra là rất lớn"

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem