Thâm nhập vào “hang ổ” kích giun ở Sơn La: Tận mắt thấy “công xưởng” sấy khô giun đất của trùm “giun tặc” (Bài 4)

Nhóm PV Thứ sáu, ngày 22/09/2023 06:01 AM (GMT+7)
Không chỉ tăng cường hoạt động, mở rộng địa bàn, nâng cao sản lượng thu mua; "giun tặc" trên đất Sơn La đã đầu tư khép kín quy trình tận diệt giun đất; đầu tư cả xưởng lớn để sấy khô giun đất. Nhóm PV Dân Việt đã vào được tận công xưởng sấy giun của một trùm “giun tặc”.
Bình luận 0

Clip: Khép kín quy trình tận diệt giun đất

Tận mắt thấy "xưởng chế biến" của ông trùm "giun tặc"

Sau những trao đổi bước đầu với chúng tôi (phóng viên báo điện tử Dân Việt trong vai 'tân giun tặc"), về nắm tình hình mở rộng địa bàn, tổ chức hệ thống nhân lực kích giun, nâng cao sản lượng giun đất, cách thức thu mua giun, cách phân biệt giun có giá cao, giá thấp… anh Pó (tiểu khu 64, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), chém mạnh tay vào không khí, bảo: Các chú cứ lo tổ chức kích giun, thu mua được càng nhiều càng tốt. Đầu ra của giun tươi nguyên con hay giun đã mổ, đã sấy khô rồi đã có anh lo, bao nhiêu cũng không sợ ế…   

Khi chúng tôi tỏ vẻ không tin năng lực bao tiêu sản phẩm giun đất của anh Pó, anh nhăn mặt, kéo tay chúng tôi "vào thăm khu lò sấy để biết cách mà làm ăn. Nếu mở được lò sấy ở trên ấy (khu vực Mai Sơn – phóng viên) thì mỗi ngày có cả tấn giun tươi cũng tiêu thụ hết"

Khu lò sấy giun đất của anh Pó là một căn nhà lợp tôn, nằm sâu trong khe núi, cách xa khu dân cư. Khi chúng tôi đến, khói từ lò sấy bốc ra, mùi hôi thối nồng nặc, kèm theo đó là vị tanh tưởi làm tôi có cảm giác buồn nôn. Anh Pó bảo: Nhà này là tôi thuê để làm xưởng. Mình muốn làm cái nghề này, phải chấp nhận cái mùi khó chịu này thì mới có tiền.

"Giun tặc" hoành hành trên đất Sơn La (kỳ 4): Khép kín quy trình tận diệt giun đất - Ảnh 2.

Khu lò sấy giun đất của "giun tạc - Pó" tại tiểu khu 64, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nhóm PV

Trong xưởng chế biến giun đất đang có 5 người luôn tay làm việc. Trong đó có một người chuyên mổ giun đất với một chiếc máy mổ tự chế, hoạt động bằng nguồn điện. Những người còn lại tập trung rải giun đất đã được mổ lên phên sắt để chuẩn bị cho vào lò sấy khô.

"Thời điểm cao nhất, lò này sẽ sấy được khoảng 3 tạ giun tươi/1 mẻ, thu được khoảng 30 kg giun khô, với số tiền là 21 triệu đồng một ngày. Lúc lò sấy làm nhiều như thế phải phải thuê thêm người làm cùng, thì mới nhanh được" - anh Pó giải thích như vậy.

Cũng theo anh Pó, để có lượng giun đất tươi làm nguyên liệu sấy khô, anh Pó đã đầu tư mua 7 cái máy kích giun loại 150A, với số tiền là 8 triệu đồng/1 máy. Nếu được nạp đầy pin, máy này sẽ đủ điện kích được 2 đêm liên tục. Tất cả 7 cái máy kích điện này đã được anh Pó giao cho "giun tặc cấp dưới" của anh Pó để đi hành nghề. Toàn bộ số giun đất tươi mà họ đi kích được mang về, anh Pó sẽ thu mua lại với giá từ 45 -50 nghìn đồng/kg.

Chỉ dừng chân trong xưởng chế biến ít phút, anh Pó đã lôi tuột chúng tôi ra ngoài với lí do: Khi nào các chú làm thật thì anh sẽ tập huấn thêm cho, chứ ở trong này ảnh hưởng sức khoẻ. Ra khỏi xưởng chế biến, anh Pó lại tiếp tục tập huấn kinh nghiệm hành nghề cho chúng tôi thông qua câu chuyện kể về đám "giun tặc cấp dưới": Tôi luôn căn dặn chúng nó khi đi "hành nghề" phải hết sức cẩn thận, cảnh giác, không được ồn ào. Phải đi thành nhóm, đứa này kích điện thì đứa khác canh gác. Khi đi kích trộm ở vườn người dân thì chỉ đi vào buổi tối, khoảng từ 23 giờ đến sáng. Mỗi tối chỉ kích tầm khoảng 3 tiếng đồng hồ là về, vì thời gian này các chủ vườn đang trong giấc ngủ say sẽ không bị phát hiện. Với lại, gặp chỗ vườn nhiều giun thì chỉ cần kích khoảng 1 tiếng đồng hồ là có gần tạ giun rồi, ăn thế là vừa miệng. Sau này các chú làm giun, anh sẽ trao hết kinh nghiệm cho mà làm.

"Giun tặc" hoành hành trên đất Sơn La (kỳ 4): Khép kín quy trình tận diệt giun đất - Ảnh 3.

Giun tươi sau khi mổ bụng sẽ được xếp lên những tâm phên tự chế để đưa vào lò sấy. Ảnh: Nhóm PV

Làm "giun tặc" không phải lo đầu ra

Cũng theo anh Pó, với 10 kg giun đất tươi, sau khi được sơ chế, mổ bụng, làm sạch, sấy khô sẽ làm ra khoảng 0,9 đến 1kg giun khô. Hiện nay lò sấy giun đất của Pó đang sản xuất ra 2 loại hàng đó là giun sấy khô đen và giun vàng đồng. Giá cả giun sấy khô phụ thuộc vào thị trường. Loại giun vàng đồng sẽ có giá bán cao nhất, giao động từ khoảng 650 – 720 nghìn đồng/kg.

"Mình cứ làm tầm 1 - 2 ngày, gom giun sấy khô lại, lúc nào thấy đủ nguồn thì người của mình sẽ đánh xe vào bốc. Dưới này có nhiều nhà  làm giun lắm, chỉ quanh khu vực này đã có 11 lò sấy giun đất rồi. Các chú cứ có sản phẩm, alo cho anh là bốc sạch hàng, tiền tươi trao luôn, không phải suy nghĩ nhiều. Về thử nghiệm đi, nếu cần thì anh đầu tư lò sấy tại chỗ cho nhé" – Anh  Pó ân cần bảo vậy.

"Giun tặc" hoành hành trên đất Sơn La (kỳ 4): Khép kín quy trình tận diệt giun đất - Ảnh 4.

Do tình trạng kính giun đất trái phép ngày càng tăng, dẫn đến số lượng giun đất giảm mạnh. Ảnh: Nhóm PV

Thấy chúng tôi vẫn lo lắng về việc tiêu thụ giun bởi đã có nhiều vụ, có người về bản đặt mua cây rừng, lá rừng rồi "bom hàng", anh Pó động viên: Anh đảm bảo tiêu thụ hàng cho các chú. Mà máy móc anh cấp, các chú trả bằng giun thì sợ gì anh bùng hàng ?

Rồi anh cho chúng tôi 1 số điện thoại của một một người phụ nữ tên là Lương, bảo: "Người này quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, chuyên đi thu mua giun sấy khô ở vùng Sơn La. Các chú cứ alo cho chị ấy để thêm niềm tin mà làm ăn. Chỉ cần nói là anh Pó cho số điện thoại này thì các chú hỏi gì, cần máy móc gì, kinh nghiệm gì, có bao nhiêu hàng giun tươi, giun khô, chị ấy giải toả hết".

"Giun tặc" hoành hành trên đất Sơn La (kỳ 4): Khép kín quy trình tận diệt giun đất - Ảnh 5.

Người tên Lương quê ở tỉnh Vĩnh Phúc, chuyên đi thu mua giun đất sấy khô khu vực Sơn La đang tiến hành bốc hàng lên xe tải. Ảnh: Nhóm P

Kết nối điện thoại với người tên Lương, chị cho biết, chị làm nghề buôn giun đất đã được 4 năm và chuyên thu mua ở các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái,… Năm nay do lượng giun khô ở các tỉnh trên khan hiếm nên chị chuyển lên Sơn La để thu mua. Với chị Lương, số lượng giun mà chị thu mua là vô hạn và cũng "tiền trao – cháo múc" chứ chị không nợ nần ai. Nhưng bây giờ, chị rất hạn chế thu mua giun tươi vì khó vận chuyển, dễ bị cơ quan chức năng phát hiện. Còn giun sấy khô thì chị bao mua cả tấn luôn.

Người tên Lương bảo: "Ở Sơn La giờ cũng nhiều chỗ làm giun mà em. Chị chuyên đi thu mua ở các huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên cả Yên Bái nữa. Ngày ít thì chị thu mua được khoảng 1,5 tấn, ngày nhiều thì gần 2 tấn. Em đi thu gom nhỏ lẻ hàng khô cho chị đi. Chị trả em giá cao, thanh toán sòng phẳng. Em ở chỗ nào cứ alo cho chị là có người tới liền.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem