Tham vọng lên Nasdaq, công ty năng lượng tái tạo BCG Energy có gì?

Phong Bình Thứ hai, ngày 10/06/2024 13:30 PM (GMT+7)
Hội đồng quản trị CTCP BCG Energy đã có tờ trình lên đại hội đồng cổ đông về chủ trương đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq. Như vậy, ngoài VinFast đã niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq và VNG còn đang "loay hoay", đến nay mới có thêm BCG Energy bày tỏ tham vọng.
Bình luận 0

Tính đến thời điểm 13/03/2024, công ty có 160 cổ đông, vốn điều lệ 7.300 tỷ đồng. Song song với việc tiến hành nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) hướng đến đăng ký cổ phiếu tập trung tại VDSC và UPCoM theo quy định, Hội đồng quản trị BCG Enery cũng trình đại hội đồng cổ đông chấp thuận chủ trương thực hiện việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq.

Hiện VinFast đang niêm yết cổ phiếu trên Nasdaq, VNG vẫn đang loay hoay chưa hoàn thành kế hoạch lên sàn chứng khoán Mỹ, đến nay mới có thêm BCG Energy bày tỏ tham vọng.

Tuy nhiên, việc đăng ký giao dịch trên Nasdaq không phải là chuyện dễ. Để được niêm yết trên sàn chứng khoán hàng đầu này, ngoài việc tuân thủ các bộ quy tắc quản trị thị trường chung, doanh nghiệp phải đáp ứng được các hàng loạt tiêu chí về tài chính như không có lỗ ròng trong 3 năm gần nhất, tổng thu nhập trước thuế trong 3 năm đạt ít nhất 11 triệu USD, dòng tiền tổng hợp trong 3 năm gần nhất tối thiểu 27,5 triệu USD và không có dòng tiền âm…

Hiện BCG Energy vẫn đang thực hiện thủ tục để giao dịch trên UPCoM, dự kiến giao dịch trong quý II năm nay.

Tăng vốn dồn dập

Là công ty con của Bamboo Capital, BCG Energy được thành lập năm 2017 và hoạt động như một công ty nắm giữ vốn theo hình thức đầu tư vào các công ty con để phát triển mảng năng lượng tái tạo của Bamboo Capital.

Đến nay, BCG đã trải qua 8 lần tăng vốn. 

Tham vọng lên Nasdaq, công ty năng lượng tái tạo BCG Energy có gì? - Ảnh 1.

Từ khi thành lập năm 2017, BCG Energy đã trải qua 8 lần tăng vốn. ĐVT: Tỷ đồng

Từ khi thành lập năm 2017, BCG Energy đã trải qua 8 lần tăng vốn. ĐVT: Tỷ đồngNăm 2017, công ty đăng ký lần đầu với vốn điều lệ đăng ký là 230 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập.

Đến tháng 3/2018, BCG Energy vẫn đăng ký tăng vốn tiếp 230 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng.Từ 2020 đến 2021, giai đoạn này BCG Energy đã tăng vốn lần lượt lên 1.200 tỷ đồng - 1.620 tỷ đồng và 2.175 tỷ đồng. 

Ở lần tăng vốn từ 2.175 tỷ đồng lên 2.975 tỷ đồng vào tháng 4/2022.Đáng chú ý, chỉ trong vòng 8 tháng (từ 25/04/2022 đến 27/12/2022), BCG Energy tăng vốn đến 3 lần. 

Đến cuối 2022, vốn điều lệ đã được tăng lên 4.500 tỷ đồng.Lần gần đây nhất, vào tháng 01/2024, công ty đã tiếp tục tăng vốn thành công lên 7.300 tỷ đồng sau 2 đợt phát hành thêm cổ phần.BCG Energy vừa đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng vào tháng 12/2023. 

Tính đến 03/05/2024, Bamboo Capital đang nắm giữ 50,66% vốn cổ phần của BCG Energy. Công ty không có cổ đông nước ngoài, trong số 160 cổ đông trong nước có 4 cổ đông là tổ chức, còn lại là 156 cổ đông cá nhân.

BCG Energy làm ăn thế nào?

Hiện BCG Energy đã đầu tư và đang vận hành 4 dự án điện mặt trời và 74 dự điện mặt trời áp mái. Ngoài ra còn có 4 dự án điện gió, điện mặt trời và 23 dự án điện mặt trời áp mái đang triển khai trên một số tỉnh thành tại Việt Nam có thể tạo ra được điện mặt trời, điện gió và vẫn còn quy hoạch như Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau.

Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh năm 2023, BCG Energy cho biết, những biến động của tình hình thế giới ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam, vì vậy ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của công ty. Việc Chính phủ chậm ra kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng như các quy định pháp lý về giấy phép để gỡ nút thắt cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo đã ngăn đà triển khai các dự án theo kế hoạch của BCG Energy trong 3 mảng chính: Điện gió, Điện mặt trời trên mặt đất và Điện mặt trời áp mái. Tuy vậy, công ty vẫn hoàn thành được giai đoạn 1 dự án Krongpa 21 MWp và vận hành thương mại thành công 114MW còn lại của dự án Phù Mỹ.

Năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất của BCG Energy đạt 1.125 tỷ đồng (chủ yếu đến từ doanh thu điện mặt trời), chỉ hoàn thành 79,3% kế hoạch đề ra, chủ yếu đến từ việc các chính sách mua bán điện, chính sách giá cho năng lượng tái tạo chưa được Nhà nước phê duyệt.

Công ty đã lỗ thuần 186 tỷ đồng và lỗ sau thuế 152 tỷ đồng trong năm 2023, không hoàn thành được kế hoạch đề ra trước đó là 273 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Theo giải trình, việc thua lỗ này đến từ 2 nguyên nhân: Do đánh giá chênh lệch tỷ giá đối với các khoản vay bằng USD với tổng dư nợ khoảng 140 triệu USD, đây là mức lỗ chưa hiện thực hóa và các chi phí tài chính phát sinh một lần liên quan đến các gói tài trợ tài chính quốc tế như chi phí tư vấn thu xếp vốn và chi phí thẩm định.

Được biết, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế của BCG Energy tại thời điểm 31/12/2023 vẫn còn 186,6 tỷ đồng.

Tính đến cuối 2023, tổng tài sản của công ty năng lượng tái tạo này là 19.036 tỷ đồng, trong đó hơn 60% là tài sản dài hạn. Nợ phải trả chiếm 9.300 tỷ đồng.

Tham vọng lên Nasdaq, công ty năng lượng tái tạo BCG Energy có gì? - Ảnh 2.

BCG Energy vừa thua lỗ trong năm 2023.

Dù trải qua một năm thua lỗ song BCG Energy vẫn rất lạc quan với tình hình kinh doanh năm 2024 khi đặt mục tiêu rất lạc quan với 513 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Công ty này đánh giá cả trong ngắn và dài hạn, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ được chú trọng phát triển và khai thác nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Thị trường năng lượng tái tạo tại Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng lớn nhờ vào nguồn tài nguyên rộng lớn, tốc độ công nghiệp hóa và tăng trưởng dân số nhanh, nhu cầu tiêu thụ điện năng dự báo tăng trưởng tích cực. Theo EVN, nhu cầu tiêu thụ điện dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 8,5%/năm trong 5 năm tới.

Tuy nhiên cũng không ít thách thức phải đối mặt khi cung năng lượng tái tạo hiện đang vượt quá nhu cầu. Các dự án phát triển vượt mức giai đoạn trước đó và chỉ tập trung tại khu vực miền Trung, miền Nam, công suất dư thừa tại 2 khu vực này lại không thể chuyển ra miền Bắc do vấn đề về hệ thống truyền tải.

Vấn đề chính sách vẫn là rủi ro lớn nhất với ngành năng lượng tái tạo hiện nay khi các chính sách còn mang tính ngắn hạn và không có lợi cho nhà đầu tư, BCG Energy cho biết. Giá điện chuyển tiếp thấp hơn so với khung giá cũ đang tạo ra những ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư, tiến độ dự án và kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước bối cảnh này, năm 2024, BCG Energy sẽ tiếp tục đảm bảo công suất hoạt động của các dự án đang vận hành nhằm tạo nguồn doanh thu ổn định, đồng thời thúc đẩy công tác M&A để tìm kiếm cơ hội ở những lĩnh vực tiềm năng mới như điện rác, hydrogen, LNG… để mở rộng danh mục đầu tư, giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào một số lĩnh vực nhất định.

Được biết, công ty đang hợp tác với một đối tác nước ngoài để lập kế hoạch phát triển một chuỗi các dự án đốt rác phát điện tại nhiều tỉnh thành, trước hết là xây dựng nhà máy đốt rác phát điện có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ tại Củ Chi (TP.HCM).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem