Trung Quốc giải cứu châu Âu
Trước đại diện chính phủ và các doanh nhân của hơn 90 nước, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định, chính phủ nước này sẵn sàng làm nhiều hơn nữa để lấy lại cân bằng cho tăng trưởng kinh tế thế giới.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2011/images/2011-09-16/1434699332-222_16_thu-tuong-trung-quoc.jpg) |
Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tại Hội nghị Davos mùa Hè. |
Thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện một số nội dung chính như kiên trì chiến lược mở rộng và điều chỉnh nhu cầu trong nước, ưu tiên phát triển giáo dục nhằm nâng cao toàn diện tố chất con người, lấy việc nâng cao chất lượng nhân lực làm cơ sở để phát triển kinh tế, tăng cường sáng tạo, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao khả năng đối phó với biến đổi khí hậu…
Tại Diễn đàn, đại diện của Trung Quốc cũng đã đưa ra những hứa hẹn sẽ tiếp tục đầu tư vào châu Âu, lục địa vốn đang lún sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, đổi lại, ông Ôn Gia Bảo cũng hối thúc các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu công nhận Trung Quốc có nền kinh tế thị trường đầy đủ trước lịch trình đề ra.
Theo lịch trình của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến năm 2016 kinh tế Trung Quốc mới được xem xét để được hưởng quy chế đầy đủ của một nền kinh tế thị trường. Quy chế này sẽ giúp cho Trung Quốc gỡ bỏ được những hạn chế về đầu tư và xuất khẩu sang châu Âu.
Nhận định về vấn đề này, José Ignacio Torreblanca, nhà nghiên cứu cấp cao của Hội đồng đối ngoại châu Âu cho rằng: “Trung Quốc đã trở thành người cứu hoả của thế giới nhìn về khía cạnh tài chính. Họ vận dụng cách này ở khắp nơi, và công nghệ cao là với châu Âu cũng như hàng hoá với châu Phi…Và châu Âu không còn chọn lựa nào khác ngoài việc chấp nhận”.
Tham vọng siêu cường
Chuyên gia kinh tế Tào Nguyên Chinh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quốc tế Trung Ngân Trung Quốc dự báo rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2025. Theo ông Tào Nguyên Chinh, Trung Quốc đang đứng trước nhiều thay đổi, vì vậy cần nhanh chóng tìm kiếm điểm tăng trưởng kinh tế mới. Trong tương lai, tiêu dùng phải trở thành đầu tàu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, vì trong bối cảnh hiện nay xu thế này vẫn bị hạn chế bởi thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc còn thấp, khiến nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng trưởng tương đối chậm.
Trong 5 năm tới, nếu cộng thêm mức chi ngân sách gia tăng cho bảo hiểm xã hội, dự báo tăng trưởng thu nhập bằng tiền lương của cư dân có hy vọng đạt khoảng 15%, điều này có nghĩa thu nhập của người dân Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới.
Về tổng thể, kinh tế Trung Quốc đang đứng trước 4 sự thay đổi. Thứ nhất, kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng thấp và kinh tế hướng theo xuất khẩu sẽ dịch chuyển sang mở rộng nội nhu. Thứ hai, sức lao động dư thừa trong nước không còn dồi dào, có nghĩa là ngành chế tạo sản phẩm giá thành thấp của Trung Quốc sẽ không còn ưu thế cạnh tranh lâu dài.
Thứ ba, lợi thế về nhân công có xu hướng mất đi, khiến đầu tư tăng trưởng kinh tế giảm xuống. Thứ tư, tiết kiệm năng lượng trở thành xu thế mang tính thế giới, như vậy kinh tế mang tính tiêu hao nhiều tài nguyên khó có thể duy trì. Do vậy, điều chỉnh kết cấu kinh tế không thể không thực hiện và đây sẽ trở thành quan điểm chủ yếu của tăng trưởng kinh tế trong 10 năm tới.
Theo tính toán sơ bộ của chuyên gia Tào Nguyên Chinh, trong vòng 10 năm tới, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ duy trì ở mức 8% trở lên, nếu thu nhập dân cư tăng trưởng đồng bộ, thì thu nhập bình quân của người dân Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.