|
Với 1ha diện tích mặt nước, già làng Ya Loan vừa nuôi cá vừa tích nước cho ruộng lúa dân làng. |
Già Ya Loan là người Chu Ru, sinh ra tại xã PRó, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Ông dạy tiểu học gần hết thập niên 70 của thế kỷ trước. Đầu năm 1980, vì hoàn cảnh riêng, Ya Loan rời bục giảng về nhà kiếm sống trên 1,5ha ruộng mà gia đình chia cho.
Nước về, cá, ao, ruộng tăng vụ
Có cái chữ trong đầu, Ya Loan lại trằn trọc: “Làm ruộng lúa độc canh mà lại trông chờ vào nước trời thì lo đủ cái ăn là giỏi lắm rồi, làm sao có cái để dành nữa…”.
Năm 1995, chuyển từ xã PRó ra nơi định cư mới ở xã Tu Tra (cùng thuộc địa bàn huyện Đơn Dương), Ya Loan vay mượn được 20 lượng vàng để đầu tư đào ao, đắp đập thả cá trên 1ha đất quanh vườn nhà.
Điểm nhấn của trang trại Ya Loan là chiếc hồ đào sâu chừng 4m, dẫn nước suối tự chảy vào; bờ hồ trồng cỏ sữa làm thức ăn cho bò. Ven đường hồ trồng sung, bơ, trâm, sanh, si, liễu, tre, trúc… để cây bám rễ giữ bờ đập kiên cố hơn.
Dưới chân đập nước là 2ha ruộng lúa. Trên phía đập là dãy đồi rừng 36ha được nhà nước giao quản lý, bảo vệ. “Có vườn, có ao, có rừng rồi không lẽ lại không làm được cái chuồng để nuôi con trâu, con bò, con heo, con gà, con vịt…”- Ya Loan nói về mô hình VACR mà mình và gia đình đã dành công sức, tiền bạc để thành hình và đi vào “hoạt động” trong năm 1995.
Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, Ya Loan lên đơn vị nuôi trồng thủy sản của nhà nước tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng mua 1 tạ cá giống phi, mè, trắm, chép… về nuôi.
Thường xuyên đọc sách báo, nghe đài, ông biết cá sẽ tăng trọng và sinh sản chất lượng khi nuôi trong môi trường nước có dòng chảy tự nhiên, Ya Loan đã lắp đặt 500m ống dẫn nước vào và ra cho hồ (đường kính hơn 10cm). Đường ống dẫn nước vào ao nối từ nhánh suối tự chảy ở chân núi phía sau vườn nhà.
Đường ống xả từ ao ra tưới trực tiếp xuống ruộng lúa của Ya Loan và ruộng lúa của bà con buôn làng, tổng cộng khoảng 4ha. Thức ăn cho cá là cám mua ngoài chợ và đậu, bắp, cỏ, lúa lép… tận dụng trong vườn nhà.
Năm đầu tiên, Ya Loan thu được 4 tấn cá thịt. Với 2ha ruộng lúa, gia đình ông làm 2 vụ, thu hơn 20 tấn. 2ha lúa của dân làng được tưới tiêu miễn phí, làm 2 vụ lúa cũng thu hơn 20 tấn. Cộng thu nhập từ đàn bò, heo, dê, gà, và vườn bắp, đậu, tre, trúc; quản lý và bảo vệ trên 36ha rừng… mấy năm gần đây, năm nào gia đình Ya Loan cũng lãi ròng 300 triệu đồng.
Việt kiều học già làng
Theo Ya Loan, mỗi sáng thức dậy ra thăm ao, thấy nước vẫn giữ màu xanh như đọt lá chuối là đạt yêu cầu. Để tạo ra màu nước xanh này, Ya Loan đã thả nuôi sinh sản thành công hàng ngàn con ốc trai dưới đáy hồ. Mỗi con ốc trai là một chiếc máy lọc nước tự nhiên cho không khí nước trong lành và dồi dào dưỡng chất để đàn cá trong ao lớn nhanh hơn.
Một lần về thăm quê, hai người anh ruột là Việt kiều Mỹ nài nỉ học kinh nghiệm làm mô hình VACR của Ya Loan. Càng học càng thích thú, hai người anh của Ya Loan đã mua đất ở vùng Di Linh của Lâm Đồng và vùng Thị Nghè (TP.HCM) để xây dựng trang trại. Ước nguyện của hai anh là có nơi chốn đi về thăm viếng, vui thú điền viên; sau nữa là sẽ về nước đầu tư.
Trang trại của Ya Loan có sức hấp dẫn lớn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước khi đặt chân đến. “Đã có nhiều doanh nghiệp nói tôi sang nhượng lại hết trang trại VACR với giá 7 tỷ đồng. Tôi trả lời ngay với họ là không thể sang nhượng bởi tôi đã gắn bó máu thịt với công việc hàng ngày lên rừng, xuống ruộng, ra ao…”- Già làng Ya Loan nói chắc nịch.
Văn Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.