Tháng 1/2022: Giải mã hiện tượng lãi suất tiết kiệm tăng 'nóng', cao nhất 7,6%/năm

Huyền Anh Thứ bảy, ngày 15/01/2022 09:12 AM (GMT+7)
Theo thống kê của Dân Việt, biểu lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng tư nhân đã có sự điều chỉnh ngay trong những ngày đầu năm 2022. Theo các chuyên gia, lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất tiết kiệm để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh.
Bình luận 0

3 lý do kéo tăng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng tư nhân

Cụ thể như tại Sacombank, biểu lãi suất tiết kiệm tại quầy được cộng thêm 0,2 điểm % - 0,3 điểm % so với tháng cuối cùng của năm 2021.

Tương tự, biểu lãi suất tiết kiệm áp dụng từ ngày 10/1 tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được cộng thêm từ 0,1 điểm % - 0,3 điểm % so với trước điều chỉnh. Hiện, biểu lãi suất tiết kiệm dành thông thường cho khách hàng cá nhân gửi tiền tiết kiệm tại quầy của SCB dao động từ 4%/năm đến 7%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ.

Đặc biệt, theo biểu lãi suất mới từ ngày 10/1 của SCB, lãi suất tiết kiệm cao nhất của ngân hàng này lên tới 7,6%/năm – mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trong số 30 ngân hàng được Dân Việt thống kê, khi khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy với kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên.

Tháng 1/2022: Giải mã hiện tượng ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, cao nhất 7,6%/năm - Ảnh 1.

Biểu lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 1/2022. (Ảnh: LT)

Thậm chí như tại VPBank, với sản phẩm tiết kiệm Prime Savings trên VPBank NEO, khách hàng gửi số tiền tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tháng đầu ưu đãi 9,4%/năm, từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 6 là 4,7%/năm. Số tiền gửi từ 10 tỷ trở lên, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tháng đầu là 10%/năm, 5 tháng còn lại là 5%/năm, tương đương bình quân 5,83%/năm. Với trên 50 tỷ, lãi suất tháng đầu khách hàng nhận về là 10,4%/năm, 5 tháng còn lại là 5,2%/năm, tương đương bình quân 6,06%/năm.

Thực tế, lãi suất tiết kiệm tăng nhiệt nằm trong dự báo của nhiều tổ chức và các chuyên gia. Các chuyên gia đến từ Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất tiết kiệm trong năm 2022 sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %. Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát cộng thêm sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như bất động sản và chứng khoán có thể khiến lãi suất đi lên.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất năm nay khó giảm thêm so với cuối năm trước và nhiều khả năng tăng nhẹ trở lại quanh 0,25-0,5 điểm %, nhất là trong nửa cuối của năm.

Trong báo cáo vừa phát hành, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cũng đưa ra nhận định, mặt bằng lãi suất tiết kiệm, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022.

Các chuyên gia KBSV đã chỉ ra 3 nguyên nhân.

Thứ nhất, lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh.

Hai là, nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa.

Bà là, chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN.

Tuy nhiên, mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8% - theo KBSV.

Lãi suất cho vay có "nóng"?

Dự báo về lãi suất cho vay, theo các chuyên gia mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ duy trì ở mức nền như hiện tại và có thể giảm nhẹ ở một số ngành ưu tiên dưới tác động của gói hỗ trợ cấp bù lãi suất của Chính Phủ (cụ thể Quốc hội thông qua gói chính sách tiền tệ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành nghề ưu tiên) khi các ngân hàng cũng cần duy trì một mức thu nhập lãi thuần cao (tương ứng NIM duy trì ở mức cao như hiện tại), để có dư địa tăng trích lập dự phòng khi các khoản nợ xấu do giãn cách xã hội dần bộc lộ trong thời gian tới.

Tháng 1/2022: Giải mã hiện tượng ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm, cao nhất 7,6%/năm - Ảnh 2.

Lãi suất tiết kiệm tăng, giảm lãi suất cho vay là nhiệm vụ khó khăn đối với hệ thống ngân hàng. (Ảnh: ABB)

Tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận, việc giảm lãi suất là vấn đề mà doanh nghiệp và Quốc hội rất quan tâm. Với ngành ngân hàng, đây cũng được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành.

Theo đó, ngay sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã ba lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành và giữ lãi suất điều hành ở mức thấp trong năm 2021 nhằm giảm chi phí tiếp cận vốn từ NHNN, tạo điều kiện cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm tối đa các loại chi phí, giảm lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Với giải pháp đồng bộ của NHNN và việc triển khai nghiêm túc của các tổ chức tín dụng, mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 giảm khoảng 1% và năm 2021 tiếp tục giảm khoảng 0,8%.

"Lạm phát thế giới có xu hướng gia tăng và các ngân hàng trung ương thế giới bắt đầu thu hẹp chính sách tiền tệ và tăng lãi suất. Trong khi đó, Việt Nam yêu cầu giảm mặt bằng lãi suất thì thực sự là nhiệm vụ khó khăn. Tuy nhiên, trong xây dựng chương trình phục hồi này, Chính phủ cân nhắc để đưa ra giải pháp, phấn đấu hệ thống các tổ chức tín dụng giảm 0,5 đến 1% lãi suất cho vay trong 2 năm", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem