Một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm và lý do phía sau

Huyền Anh Chủ nhật, ngày 12/12/2021 09:00 AM (GMT+7)
Lãi suất tiết kiệm trung bình đã có diễn biến tăng nhẹ trở lại trong tháng 11/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm tiếp tục kéo dài trong tháng 12 này tại một số ngân hàng thương mại.
Bình luận 0

Một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm

Báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) phát hành gần đây đề cập, lãi suất tiết kiệm trung bình đã có diễn biến tăng nhẹ trở lại trong tháng 11/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.

Cụ thể, theo thống kê từ đơn vị này, lãi suất huy động 6 tháng tăng 0,01 điểm %, lên 4,71%/năm và lãi suất tiết kiệm với tiền gửi 12 tháng tăng lên 5,51%/năm vào cuối tháng 11 (tương đương tăng 0,1 điểm %).

Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ, các mức lãi suất này vẫn thấp hơn 0,33 điểm % và 0,49 điểm %.

Tháng 12: Một số ngân hàng vẫn “âm thầm” tăng lãi suất tiết kiệm - Ảnh 1.

Chi tiết hơn, các chuyên gia tại BVSC cho biết, nhóm ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 11 là những ngân hàng có quy mô nhỏ, với mức vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng. Đây cũng là nhóm ngân hàng duy nhất có sự điều chỉnh về lãi suất. Trong tháng 11, biểu lãi suất tiết kiệm của nhóm ngân hàng này tăng lần lượt 0,03 điểm % và 0,02 điểm % với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lên 5,42% và 6,02%/năm.

Ngược lại, nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh không thay đổi lãi suất tiết kiệm đối với cả 2 loại kỳ hạn 6 và 12 tháng trong tháng 11 này.

Lãi suất kỳ hạn 6 tháng của 2 nhóm ngân hàng này lần lượt ở mức 4,41% và 3,78%/năm; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 5,25% và 4,95%/năm.

Bước sáng tháng 12, một số ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất huy động.

Biểu lãi suất có hiệu lực từ 1/12 của Eximbank cho thấy, nhà băng này vừa tăng lãi suất tiết kiệm tiền đồng thêm khoảng 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng của Eximbank đứng ở mức 3,3%/năm, 3 tháng lên 3,6%/năm, 6 tháng lên 5%/năm, 9 tháng lên 5,4%/năm, 12 tháng lên 5,7%/năm.

Tương tự, biểu lãi suất tiết kiệm thường tại quầy lĩnh lãi cuối kỳ của OCB hiệu lực từ 9/12 cũng có sự điều chỉnh tăng tại một số kỳ hạn so với đầu tháng trước. Phạm vi lãi suất do đó dao động từ 3,55%/năm - 6,15%/năm dành cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến 36 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ.

Theo biểu lãi suất có hiệu lực từ 8/12 của GPBank, gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lãi suất tăng từ 5,7%/năm lên 6,5%/năm; 9 tháng tăng từ 5,9%/năm lên 6,6%/năm. Các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng đều tăng thêm 0,8 điểm % trong vòng 1 tháng qua.

Không tăng lãi suất nhưng một số ngân hàng khác thực hiện khuyến mại có tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng để hút khách hàng gửi tiết kiệm.

Lý do lãi suất tiết kiệm "nóng" trở lại

Lãi suất tiết kiệm "nóng" trở lại tại một số ngân hàng là điều từng được TS. Lê Xuân Nghĩa dự đoán trước đó. Ông Nghĩa cho biết: lý do tạo sức ép tăng lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đó chính là việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020, cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022. Bởi ngân hàng huy động tiền gửi của dân chúng, vì vậy việc thu hồi nợ gần như là bắt buộc để trả lại cho người gửi tiền.

Tháng 12: Một số ngân hàng vẫn “âm thầm” tăng lãi suất tiết kiệm - Ảnh 3.

Một số ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tháng 12. (Ảnh: EIB)

Theo ông Nghĩa, trong điều kiện hiện tại, việc giãn, hoãn nợ đối với các ngân hàng lớn không quá khó khăn bởi các ngân hàng này thường có những khoản tiền gửi của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và có lãi suất thấp, vốn dự phòng tương đối lớn hoặc có thể phát hành trái phiếu dài hạn.

Tuy nhiên, với các ngân hàng nhỏ, tiền gửi hầu hết là tiền gửi ngắn hạn và đã phải dùng phần lớn tiền gửi ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Hai là tiền gửi ngắn hạn nhưng không thu về được do các ngân hàng này cho vay nhóm khách hàng nhỏ, siêu nhỏ như hộ gia đình, cửa hàng nhà hàng – đây là nhóm khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch,… Cộng với việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng so với quy định cũ, tới 30/6/2022.

"Những điều này đều "đánh thẳng" vào thanh khoản của ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng nhỏ buộc phải tăng lãi suất tiết kiệm trở lại và duy trì lãi suất tiết kiệm ở mức rất cao để thu hút tiền gửi bù đắp vào các khoản nợ chưa thể thu hồi do được giãn hoãn theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Còn theo lời ông Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia: Hiện nay vẫn có một số ngân hàng đang thiếu "thuốc" và tìm cách "mua thuốc" bằng bất cứ giá nào để điều trị bệnh thanh khoản của mình, đây là một vấn đề. Điều này dẫn tới việc hệ thống ngân thanh khoản dồi dào nhưng vẫn cạnh tranh nhau lãi suất.

Các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán VNDirect cũng đã chỉ ra 3 lý do khiến cho lãi suất tiết kiệm sẽ khó duy trì ở mức thấp như hiện tại đó là: Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng; áp lực lạm phát trong năm 2022 và sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán.

Các chuyên gia dự báo, lãi suất tiền gửi tiết kiệm sẽ tăng 0,3-0,5 điểm % trong năm 2022.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem