Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật...

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ Thứ bảy, ngày 29/04/2017 06:30 AM (GMT+7)
Tất cả những chiến sĩ mặt trận Tây Nguyên đều hiểu rõ, khởi đầu của chiến thắng để có thể tới ngày 30.4.1975 lịch sử chính là chiến dịch Buôn Ma Thuột. Mỗi năm vào tháng Ba, chúng tôi - những cựu binh - đều chợt nhớ, và trong tôi âm thầm bay vút lên câu ca: “Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước...”.
Bình luận 0

Những ngày ấy, chúng tôi đều nghĩ rằng, chiến tranh sẽ kéo dài trong kế hoạch 2 năm nữa, và như thế sẽ còn 2 năm xa nhà. Nhưng vận nước đã đến, tạo nên cái thế của quân ta. Thế trận  đã thay đổi và Bộ Tổng tư lệnh đã chớp thời cơ ấy.

Trước Tết âm lịch  năm ấy, đơn vị tôi nhận súng 37 ly hai nòng. Súng mới, có hệ thống điều khiển dây dẫn, nhắm bắn đồng loạt khi cả khẩu đều bắt mục tiêu, chỉ huy chỉ việc bấm điện. Tôi bàn với anh Khai- Đại đội trưởng, bỏ hết dây lằng nhằng đi. Chăng dây dợ ra, chỉ cần 1 quả bom bi thôi, đám dây dợ kia sẽ đứt, ông đứng trong  hầm mà bấm điện, sẽ có khẩu nổ, khẩu câm. Đánh như thế, máy bay trên cao nhìn thấy hết, nó rải bom cho là chết cả nút. Nghe tôi, đại trưởng Khai hạ lệnh thu hết dây cho vào hòm đóng lại. Sẽ đánh bằng tay!

img

Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.  Ảnh: N.L

Trận  Buôn Ma Thuột diễn ra không như dự kiến. Hẹn nhau đặc công sẽ vào trước, chậm nhất 6 giờ sáng tụi tôi sẽ vào sau cùng bộ binh. Nhưng đặc công vào rồi mà xe pháo, xe tăng mắc hết ở suối Đục. Cái khoảng suối lầy quá, do anh em công binh không trinh sát cẩn thận để vài xe đi đầu chở bộ binh chìm nghỉm không  tiến qua được, cản đường xe tăng qua.

 Quân ta vào chậm giờ hợp đồng, quân lính F320 vào trước từ 2 giờ sáng, dồn ứ trước cửa kho Mai Hắc Đế. Địch quân cứ bắn ra như mưa, bắn từ các tháp tăng M48 chôn chìm trong đất. Trong khi đó ở suối Đục, người chỉ huy tăng đã hạ lệnh cắt trái, phá rừng tìm ra nơi vượt qua suối. Chúng tôi 4 khẩu đội 37 ly hai nòng theo đuôi tăng tiến vào, chậm mất 5 tiếng đồng hồ.

Ở cửa kho Mai Hắc Đế, chỉ tới khi tăng ta xuất hiện, địch quân mới bỏ trận địa chạy, quân ta theo tăng ào  ào xông  lên. Lý do sự hợp đồng chậm trễ ấy trả giá đắt bằng sinh mạng, anh em đặc công hy sinh gần hết. Ba đặc công sống sót sau trận ấy mắc võng sát đơn vị tôi. Họ trang bị AK Hung hợp kim nhẹ, giảm thanh to như cổ tay, súng mới tinh thơm mùi sơn. Tôi mang cả can rượu ngọt ni-khuya màu xanh, rót  mời bảo lính đặc công quên đi chiến cuộc. Tổ trưởng  đặc công  bảo tôi, tụi tớ chờ bộ binh vào, tranh nhau trong thành phố với địch từng góc tường, nhai kẹo trừ cơm.

Đánh Ban Mê, trung đoàn bố trí hai đại đội 57 và 37 gần nhau, phòng khi máy bay địch lại lên. Một tốp A37 chúi xuống nhóm chiến sĩ 57. Tôi hô lạc cả giọng chỉ huy trung đội phát hỏa đầu tiên. 4 nòng súng 37 cháy sáng rực, khạc đạn bẻ gãy mũi bổ nhào của lũ giặc bay, cứu cho anh em 57 đỡ thiệt hại thêm.

 Kế tiếp, trận thứ hai, máy bay vào, Đại đội trưởng Khai bảo tôi lên chỉ huy toàn đại đội thay anh ấy giọng đã khản đặc. Tôi điềm tĩnh chỉ huy toàn đại đội khạc cả 4 khẩu 37...

Liên miên truy kích và liên miên hành quân. Đơn vị tôi tới ngày 27.4 đã về sát Sài Gòn. Suốt ba bốn ngày chứng kiến quân ta đi lại như mắc cửi. Tối ngày 29.4 chúng tôi về Hố Bò,  đại úy Nguyễn Đình Tạo - Tham mưu trưởng Trung đoàn 593, đoàn trường đoàn trinh sát trung đoàn lấy tôi và 34 sĩ quan ưu tú, chiến sĩ gan dạ lập Đội trinh sát đặc biệt. Chúng tôi đêm ấy vòng qua Căn cứ Đồng Dù, theo hướng những bẹ chuối mà du kích Cử Chi cắm lên chỉ hướng, vượt qua những mảnh ruộng, bò lên đường nhựa rồi thọc thẳng vào Sài Gòn qua cầu Bông...

  Ở đâu tỏa ra hàng vài chục các em mặc áo dài trắng. Những túi bánh mì kẹp thịt và rau, dưa chuột. Trời ơi bánh mì kẹp thịt và rau. Bánh mì thơm nhức mũi. Tôi nắm tay một em áo trắng, không cầm vào cái bánh, cám ơn em. Ơi em gái Sài Gòn. Anh là người Hà Nội!

Đêm ấy qua Củ Chi, phía Đồng Dù rực cháy. Đạn bay lên chi chít. Y như có ai đó đốt một đống lửa rõ to và cầm thanh củi dụi cho tàn tro bay lên. Tôi hiểu đơn vị tôi đang cùng  anh em bộ binh ở đó đánh căn cứ Đồng Dù.

Sớm 30.4 chúng tôi theo xe tăng tiến vào Sài Gòn. Cuộc  chiến không giản đơn, vừa đi vừa đánh tàn quân còn khá đông. Chúng như bèo tan ra rồi hợp lại hai bên đường cản bước tiến của quân ta.  

Sáng 30.4, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Đại úy Tạo giục tụi tôi thẳng tiến. Mưa đạn và bom từ máy bay địch dội xuống  ngay ngã tư Bảy Hiền, nhiều chiến sĩ ta ngã xuống... Tôi lái chiếc xe Zeep lùn tiến trước cái xe Zil 157 ba cầu của nhóm trung đoàn. Tới Tân Sơn Nhất, vali nhiều vô kể, vất lỏng chỏng, tiền, giấy tờ bay trắng xóa sân bay, phất phới.

Rồi vòng qua Phủ đầu rồng. Ở đâu cũng thấy chiến cụ, quần áo, vũ khí vứt đầy đường. Từng đám lính ngụy ở trần đi hai bên đường. “Thôi, về nhà đi”- tôi nói với một đôi mắt nhìn tôi đầy sợ sệt.

Xe lăn qua 1 chợ nhỏ, thấy một bát to vứt trên mặt đường nhựa, trong bát có con cua bể to tướng, chắc ai sợ chạy vứt ra. Hình ảnh này theo tôi mãi bao năm trời sau này... Trời ơi, con cua bể hồng hồng mới ngon làm sao.

Lại đi ra. Qua ngã tư Bảy Hiền, rẽ trái sang trường đua Phú Thọ, thấy cả đoàn chiến xa M113 mới tinh bên đường. Nhiều đứa trẻ trèo lên xe, lấy súng bắn loạn xạ. Tôi dừng xe la hét, chả nói được đám trẻ. Tôi hua súng lên, rẹt một loạt chỉ thiên, đám trẻ chạy sạch.

Trèo lên chiếc xe đầu, nguyên cả súng ống, từng ô sắt đựng đồ còn nguyên, cả bản đồ Sài Gòn và phụ cận bọc nylon mới tinh. Tôi lấy 1 cái bản đồ nhét vào túi mìn claymo.

Tới trường đua Phú Thọ, đại úy Tạo lệnh, từng trinh sát đơn vị chọn nơi có thể đặt pháo để đánh dấu lên bản đồ. Trên nóc nhà trái trường đua, một lũ nhóc trèo lên và dương đủ loại súng bắn loạn xạ. Tiếng súng nổ  điếc cả tai. Đại úy Tạo la hét mãi mà chúng chả nghe. Có thằng nhóc bé quá, cầm khẩu súng lớn hơn người, súng giật mạnh làm nó không làm chủ hướng súng, đạn cày lên mặt đường, anh em ta hốt hoảng nằm xuống.

Tôi chạy sát nhà nơi có tụi nhóc đang bắn loạn xạ, không nói thêm nửa lời, dương súng lên, lia dọa 1 băng vào mép tường, ngay dưới chân chúng. Đạn AK 47 nổ đanh, vết lửa đỏ dài làm tụi nhóc phát khiếp. Lũ nhóc quăng súng chạy sạch.

Lại chạy vào Chợ Lớn.

Những binh sĩ Bắc Việt im lặng. Người ta đổ ra đường với ba bộ mặt. Kẻ lơ láo nhìn tụi tôi dò hỏi, đề phòng; đám ngó nghiêng nhìn tò mò xem quân Giải phóng mặt mũi, người ngợm ra sao; lại còn đám đông khác đổ ra hai bên đường vẫy vẫy, vui mừng hớn hở. Hoan hô hòa bình rồi!

Hòa bình đã về. Hòa bình muôn năm.

Đó là tiếng hân hoan nhất trong trái tim tôi thăm thẳm. Đâu phải bể máu ở thành phố hoa lệ này. Chúng tôi và cả thành phố chìm trong niềm hân hoan câm lặng.

Đêm từ từ chìm dần khi Sài Gòn bắt đầu lên đèn cho đêm hòa bình đầu tiên trong thành phố mà chúng tôi làm chủ, nơi mà trước đó tôi đã xác định rằng, tôi có thể sẽ chết ở trận chiến cuối cùng này. Tôi muốn òa khóc mà không khóc được.

Tối đó tôi tạt chiếc xe Zeep vào một ngôi nhà lớn trên đường ra Hóc Môn.

Đường Sài Gòn đông nghẹt người và xe trở về. Hóa ra dân Sài Gòn không như dân nơi khác, vừa im tiếng súng là họ túa về nhà, chả sợ hãi gì như dân trên Buôn Ma Thuột hay ở Cheo Reo, Phú Bổn sợ hãi chạy vào rừng rồi đi lạc mà chết.

Có thể thái độ hiền lành, thân thiện của chiến sĩ giải phóng làm họ thấy an tâm để trở về?

Tôi đứng ở một ngã tư, có một người đàn ông ăn mặc dân sự chừng 45 tuổi tới nói “thưa ông giải phóng, tôi muốn hỏi”. Tôi quay ra nhìn: “Ông hỏi gì?”. “Tôi thuộc bên VNCH, sĩ quan. Thưa ông, tôi phải trình diện ở đây hay về quê?”. Tôi hỏi:

- “Quê anh ở đâu?”.

- Long An.

- Có vợ con chưa?

- Dạ, thưa thầy có ạ.

- Mấy con?

- Dạ thưa thầy hai ạ.

- Ông nên về quê trình diện. Tranh thủ mà gặp vợ con.

- Dạ thưa thầy, tôi sợ trên đường...

Tôi hiểu, bèn lấy tờ giấy trong túi mìn claymo rồi kê đùi viết: Tôi chuẩn úy Nguyễn Văn Thọ, cán bộ thuộc Đại đội 559, D 22 , E 593 chứng nhận anh... đã trình diện quân giải phóng, được phép về quê Long An. Giấy này mong các đồng chí kiểm soát cho phép người này đi trên đường về Long An...

Mãi sau này tôi vẫn nhớ khuôn mặt đầy lo âu của người lính này, bao nhiêu anh lính thua trận lo âu lạc lõng không còn nơi nương tựa như thế? Tôi không hề ân hận về việc làm của mình, nhưng không hiểu người sĩ quan này còn hay mất? Ngày hôm đó anh ta có về gặp được vợ con anh ta không? Chiến tranh đã chấm dứt, tôi và anh ta đều đã được sống.

Có một bà già từ đâu đến thân thiện chào tôi và kéo tay tôi đi: Đây, vào đây... Bà má chưa từng gặp ấy, chỉ một dãy hàng của một cửa hiệu đầy thuốc là thuốc: Con hút loại gì?

Chà, hóa ra bà má muốn mua cho tôi thuốc lá. Tôi chỉ gói Capstan. Bà bảo nhà hàng lấy cho tôi cả cây. Trời ơi!

- Sao má cho con nhiều thế. Con chỉ lấy 1 bao thôi.

- Không con lấy cả đi.

Tôi cười: “Cho anh phát súng tim anh nát/Nhưng anh tin số phận anh còn”.

Ở cửa ló ra khuôn mặt con gái rất trẻ, tóc đen, mắt đen óng ánh:

- Trời ơi, ông giải phóng cũng biết câu thơ ấy à?

- Sao không? Anh là lính Hà Nội - tôi tự hào nói.

- Lính Hà thành đẹp trai thấy mồ! Cô gái nữa hiện ra tíu tít. Ồ hóa ra gái ngoại thành cũng xinh ra phết.

Một thanh niên nữa hiện ra, thì ra họ ở quanh đây đang quan sát xem quân giải phóng ra sao.

Lade lập tức khui.

- Chúng tôi hiền khô ấy mà! - tôi cười, tự quảng cáo rồi cầm cả chai tu ừng ực, khát quá chả cần ý tứ gì.

Tối. Sài Gòn sáng trưng. Tôi đánh xe vào một ngôi nhà mà trước đó đại úy Tạo đã cho đoàn trinh sát ngủ lại. Nhà rộng thênh thênh. Đồ đạc còn nguyên, máy truyền hình, radio, nhà vệ sinh sạch và thơm.

7 giờ tối, cậu trinh sát bê ở đâu về 1 két bia lùn. Bia ngon thế. Tôi uống rồi lơ mơ, lơ mơ. Ngày mai tôi sẽ trở về nhà. Tôi đã sống rồi. Không biết cậu tôi giờ này có biết tôi còn sống không?

Tôi uống và uống với 2 lính đơn vị và say từ lúc nào, rồi ngủ gục trên tay lái xe Zeep. Đã 3-4 đêm tôi không chợp mắt. Ngủ không mộng mị. Ngủ say. Mở mắt ra đã thấy mặt trời đỏ ối hừng lên  chói chang trên mé đầu trên bầu trời Sài Gòn mây lênh đênh bay.

Thế là sang ngày thứ 2, thêm một ngày nữa hòa bình ở Sài Gòn.

Hơn 40 năm cho ngày 30.4 rồi, trong tôi vẫn âm âm: “Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật”...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem