Tháng cô hồn của các nhà băng

Trần Giang Thứ sáu, ngày 26/08/2016 19:02 PM (GMT+7)
Chỉ là sự tình cờ, nhưng tháng cô hồn năm nay bỗng nhiên sôi động hơn với hàng loạt sự vụ tiền “bốc hơi” khỏi tài khoản của khách hàng. Và câu chuyện của nhân viên ngân hàng bây giờ là hỏi nhau: “Tháng cô hồn, ngân hàng mày đã lên báo? Có tài khoản nào của khách hàng bị bốc hơi không?”
Bình luận 0

Tháng 8 năm nay (lịch âm là tháng 7, tháng cô hồn), một loạt ngân hàng đã bị gọi tên với những sự vụ mất tền từ tiền trăm triệu đến tiền tỷ, như Vietcombank, VIB, VPBank, DongABank, ANZ...  Giờ có lẽ điều nhân viên nhiều ngân hàng mong nhất là tháng cô hồn không gọi tên ngân hàng mình.

Gọi tên Vietcombank

Nổ phát súng đầu tiên là Vietcombank với sự việc khách hàng H.T.N.Hương (Hà Nội) bỗng dưng mất 500 triệu đồng trong tài khoản thẻ Visa Debit chỉ trong một đêm. Sự vụ này gây rúng động thị trường, nhất là những chủ thẻ của Vietcombank. Từ trước đến nay, Vietcombank luôn được đánh giá là ngân hàng hoạt động hiệu quả, minh bạch và an toàn.

Sự việc vẫn chưa lắng xuống thì hai khách hàng khác cũng khiếu kiện Vietcombank liên quan đến tài khoản thẻ bị mất tiền. Cụ thể, khách hàng Vũ Thành Phương (TP.HCM) cũng khiếu nại mất 20 triệu đồng và chị Lê Thị Quỳnh Nga mất 10 triệu đồng trong tài khoản thẻ Master Card Debit của Vietcombank.

imgKhách hàng H.T.N. Hương, chủ thẻ Vietcombank bỗng dưng mất 500 triệu đồng chỉ qua một đêm gây hoang mang cho các chủ thẻ

Cả ba khách hàng này đến nay vẫn chưa nhận được tiền và Vietcombank cũng đã mời cơ quan công an điều tra nguyên nhân. Hy vọng khách hàng sớm nhận được câu trả lời thoả đáng từ phía Vietcombank.

Ngân hàng thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt là DongABank cũng “được” gọi tên. Anh Nguyễn Sĩ Thanh (Tỉnh Bình Dương) cho biết bỗng dưng bị mất 74 triệu đồng trong tài khoản thẻ ATM. Đây là thẻ ATM để vợ chồng anh Thanh nhận lương hàng tháng. Vì vậy, anh chỉ thường thực hiện các giao dịch với DongABank ngay sau khi được công ty trả lương. Lần cuối cùng giao dịch với ngân hàng này là vào ngày 21.6, do vợ anh thực hiện. Đến ngày 22.7, anh Thanh phát hiện tài khoản bị bốc hơi 74 triệu đồng.

Sau nhiều lần cố gắng liên lạc, ngày 6.8 đại diện DongABank mới hẹn anh Thanh lịch làm việc vào ngày 9/8. Tại buổi làm việc này, đại diện DongABank cho biết có một số giao dịch vào ngày 14, 16, 17 và 18.7.

Đến ngày 24.8, anh Thanh đã nhận được thư thông báo do Phó Tổng giám đốc DongABank Nguyễn An ký, được phát đi ngày 17.8 có nội dung: “Ngay khi tiếp nhận khiếu nại, DongA Bank đã cho ra soát lại và thấy tài khoản của quý khách (anh Thanh – PV) có phát sinh 9 giao dịch rút tiền trên ATM với tổng số tiền 74 triệu đồng trong các ngày 14, 16, 17 và 18/7...”.

Đại diện DongABank cho biết đang tích cực theo dõi tiến trình xử lý, hối thúc và phối hợp điều tra nguyên nhân vụ việc để sớm có kết luận cuối cùng để phản hồi thỏa đáng đến quý khách...

“Điểm danh” cả ngân hàng nước ngoài

Không chỉ thẻ trả trước, ngay cả thẻ tín dụng cũng bị mất tiền. Cụ thể, ông Phan Diệu Chương (Hà Nội), cho biết ông đã mở thẻ tín dụng tại VIB mang tên ông (thẻ chính) và một thẻ phụ mang tên con gái ông là chị Phan Lê Hằng Giang với mục đích chu cấp tiền cho con gái ông trong quá trình du học tại Mỹ. Đến ngày 9.10.2014, chủ thẻ phụ (Phan Lê Hằng Giang) đã thực hiện 3 giao dịch mua hàng cùng lúc với tổng giá trị là 1.526,14 USD.

Khi ngân hàng trưng ra bằng chứng cho việc người mua hàng ký xác nhận giao dịch, cả hai cha con ông Chương đều khẳng định đó là chữ ký giả, và tài khoản phụ đã bị hack. Bằng mắt thường có thể dễ dàng nhận ra chữ ký mẫu in trên thẻ và chữ ký của người mua hàng khác nhau hoàn toàn.

Tại buổi làm việc giữa ông Phan Diệu Chương và đại diện của VIB diễn ra ngày 16.12.2015, theo tính toán của bà Lê Việt Thu, Trưởng phòng tín dụng VIB, cộng cả số tiền 1.526,14 USD và tiền lãi phát sinh, ông Phan Diệu Chương cần phải trả cho VIB số tiền xấp xỉ 48 triệu đồng. Đến thời điểm này, VIB thông báo dư nợ cả gốc lẫn lãi từ giao dịch này lên đến gần 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, sự việc đã giải quyết vào chiều 18.8,  khi VIB đã có buổi gặp mặt ông Chương thông báo quyết định sẽ không ghi nhận nợ đối với khách hàng cho các giao dịch trong vụ việc và đồng thời xóa lịch sử tín dụng liên quan trên hệ thống trung tâm thông tin tín dụng (CIC).

Tháng “cô hồn” cũng đã gọi tên cả ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, đó là ANZ. Theo đó, ngày 21.8, chủ thẻ T.Đ.Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng dưng nhận được tin nhắn từ ANZ với 11 giao dịch được thực hiện từ tài khoản thẻ tín dụng của anh với tổng giá trị là 30.997.000 đồng.

imgChủ thẻ T.Đ.Anh cũng bỗng dưng bị mất gần 31 triệu đồng trong tài khoản thẻ tín dụng của mình chỉ trong vòng 14 phút.

Sau khi liên hệ với ngân hàng ANZ, anh Đ.Anh đã nhận được phản hồi với thời gian xử lý là 120 ngày, theo quy định của tổ chức thẻ VISA. Bây giờ, việc của anh Đ.Anh là chờ câu trả lời từ phía ngân hàng.

Không liên quan đến tài khoản thẻ, nhưng VPBank cũng được “gọi tên” với đơn khởi kiện của khách hàng Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty Quang Huân với số tiền mất trong tài khoản là 26 tỷ đồng. Sự việc hiện vẫn đang diễn tiến khá phức tạp.

Không bị mất tiền, nhưng tin đồn ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT MaritimeBank cấu kết với ông Đinh Trường Chinh, lãnh đạo Công ty Địa ốc Việt Hân chỉ lắng xuống khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp về hoạt động bình thường của MaritimeBank và thanh khoản vẫn được đảm bảo. 

Vẫn chưa hết tháng "cô hồn", còn ngân hàng nào "bị điểm danh” không, nhưng câu chuyện của các nhân viên ngân hàng bây giờ là hỏi nhau xem ngân hàng của bạn mình đã “được” lên báo chưa? Có tài khoản thẻ nào bị “bốc hơi” không?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem