Thắng “giặc” Covid-19 với “vũ khí” riêng có của Việt Nam
Thắng “giặc” Covid-19 với “vũ khí” riêng có của Việt Nam
Diệu Linh
Thứ sáu, ngày 12/02/2021 09:33 AM (GMT+7)
Cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 đã được tròn 1 năm. Trong khi thế giới vẫn còn chật vật chống lại Covid-19 thì người dân Việt Nam được đón một cái Tết Tân Sửu sum vầy, khỏe mạnh…
Một trong những "vị tướng" trên tuyến đầu chống giặc Covid-19 chính là PGS -TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư. Ông là người đã trực tiếp đi vào các điểm nóng của dịch tại các vùng bị cách ly, cùng ăn, cùng ngủ, cùng chống dịch với người dân.
Tại các ổ dịch như xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), thôn Hạ Lôi (Mê Linh Hà Nội), Đà Nẵng, Quảng Nam... PGS Dương đều là một trong những người đầu tiên có mặt. Các ổ dịch bị phong tỏa, cách ly bao nhiêu ngày thì ông cũng "chiến đấu" từng đó ngày trong các ổ dịch. Tại Sơn Lôi, lần đầu tiên Việt Nam ra quyết định phong tỏa một xã để chống dịch, ông cũng chính là người dẫn đầu đoàn công tác, "cắm chốt" giữa vùng dịch.
"Vào những lúc khó khăn nhất, chúng tôi càng thấm thía câu nói: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Cán bộ y tế chúng tôi sẽ luôn ghi nhớ về điều đó và vận dụng trong công tác phục vụ nhân dân của mình".
PGS -TS Trần Như Dương
Theo PGS -TS Trần Như Dương, trong công tác phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, rất nhiều quyết định "thần tốc", kế hoạch "thần tốc", hành động "thần tốc" đã được gấp rút đưa ra để phù hợp với diễn biến thay đổi chóng mặt của dịch.
Khi nhận định ca bệnh ở xã Sơn Lôi có nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng, Ban chỉ đạo đã quyết định khoanh vùng, cô lập xã này rất nhanh chóng. Đêm trước ngày cô lập Sơn Lôi (12/2/2020), Tổ công tác đã khẩn cấp họp để đưa ra các giải pháp cấp tập, tiến hành thiết lập hệ thống giám sát chủ động, tại chỗ toàn xã. Danh sách toàn bộ người dân xã Sơn Lôi được lập, bao gồm hơn 10.600 nhân khẩu và 2.774 hộ gia đình. Để quản lý sức khỏe người dân, chính quyền địa phương lập tức thành lập 60 tổ phòng chống Covid - 19 mà thành phần là hội viên của các đoàn thể tại địa phương như Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân... Mỗi tổ quản lý 20-30 hộ dân.
Cũng ngay trong đêm trước khi phong tỏa, Tổ công tác Bộ Y tế và y tế địa phương đã thiết kế ngay biểu mẫu đơn giản nhất để tổ chức tập huấn cho hơn 100 thành viên Tổ phòng chống Covid-19 thôn để họ có thể nắm rõ.
"Hàng nghìn cái tên được điểm danh, hàng chục đội y tế dân quản được thành lập, hàng chục biểu, bảng, hướng dẫn được viết ngay trong một đêm trắng để chuẩn bị cho việc phong tỏa xã Sơn Lôi" - PGS Dương kể.
Còn tại ổ dịch TP.Đà Nẵng, nhiều hành động thần tốc cũng đã được đưa ra. Đặc biệt, nhờ có kinh nghiệm về việc truy vết trước đó, các lực lượng chức năng đã thực hiện việc truy vết F1, đưa đi cách ly khẩn trương và rốt ráo hơn. Ông Dương cũng đã đến từng xã, phường ở Đà Nẵng, đưa ra yêu cầu quyết liệt là chính quyền địa phương phải cử cán bộ ngồi ngay tại cổng nhà người dân có ca bệnh để canh giữ "nội bất xuất, ngoại bất nhập", yêu cầu họ thực hiện biện pháp phòng dịch, sau đó mới tiến hành điều tra dịch tễ để xem nguy cơ lây nhiễm đến đâu, F1, F2 là những ai...
Ở nơi nào, PGS Dương cũng đến từng nhà dân bị cách ly, đứng ở cổng, chia sẻ, trấn an người dân yên tâm thực hiện các biện pháp phòng dịch, tin tưởng dịch sẽ bị đẩy lùi nhanh chóng.
Chiếm được lòng dân
PGS -TS Trần Như Dương chia sẻ, công việc của những người làm công tác y tế dự phòng chính là hàng ngày, hàng giờ phải gắn bó mật thiết với người dân. Nếu người dân không hiểu, không ủng hộ thì tất cả các biện pháp phòng dịch sẽ thất bại.
"Hơn ai hết tôi hiểu được tầm quan trọng của việc tạo được niềm tin với người dân. Chỉ khi dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ, dân hợp tác thì công việc mới trôi chảy. Do đó, khi sát cánh cùng bà con chống dịch, trong mọi kế hoạch hành động, chúng tôi đều lấy người dân làm trung tâm, đặt lợi ích, sức khỏe của người dân lên trên và khi tiếp xúc cũng phải thực thân thiện, hòa nhã với người dân. Có vậy dân mới tin, mới yêu, mới ủng hộ và cùng tham gia phòng dịch" - PGS Dương cho hay.
Sự ủng hộ của người dân đã được minh chứng hết sức thuyết phục với việc chỉ trong thời gian 10 ngày đầu chống dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, hơn 14.400 tổ phòng chống Covid-19 tự quản đã được thành lập. Hơn 30.000 người dân tham gia các tổ phòng chống dịch này đã tự nguyện bỏ thời gian, công sức đến từng ngõ, gõ từng nhà nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, theo dõi sức khỏe người dân, hỗ trợ truy vết...
"Có thể nói, việc thành lập các tổ phòng chống Covid - 19 cộng đồng chính là một trong những sự sáng tạo, sự độc đáo của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Với sự hoạt động của tổ phòng chống Covid - 19 cộng đồng, chúng ta thực sự đã đưa được các biện pháp phòng chống dịch vào tới từng hộ gia đình - chống dịch tại từng nhà, tôi nghĩ rằng ít nơi nào trên thế giới có thể làm như vậy. Và đây chính là biểu hiện sinh động nhất của việc phòng chống dịch dựa vào nhân dân, toàn dân tham gia phòng chống dịch"- PGS Dương khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.