Góc khuất những phận người
Ông bảo rằng, giữa tình và lý chênh nhau rất nhiều. Nhiều khi một vụ việc dính dáng đến pháp luật thuần túy nhưng lại có nhiều tình tiết cho phép khoan hồng. “Người xét xử phải tính đến những góc khuất về thân phận một con người ở một phiên tòa” – thẩm phán Vũ Phi Long tâm sự.
Một trong những điều khiến ông day dứt nhất là khi sự việc được dư luận báo chí đẩy lên rất cao, đặc biệt nghiêm trọng, buộc người thẩm phán phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Nhưng đằng sau nó là một thân phận con người thật đáng thương.
Ông kể về trường hợp một nữ sinh lớp 10 có người cha mua bán heroin nhỏ lẻ vì giúp cha đã vô tình trở thành đồng phạm. Có người đến mua heroin nhưng người cha đang bận tắm. Gặp lúc cô bé đi học về, người cha liền sai cô bé vào tủ lấy heroin đưa cho khách, rồi lấy tiền đưa cho bố. Mỗi tép heroin chỉ 50 ngàn đồng.
Trước một án tử hình, ông thường nhìn thanh gươm vì đối với ông nó như một người bạn nhắc nhở ông soi rọi lại mình. Ông bảo rằng, hầu hết các bản án tử hình đã tuyên ông đều cảm thấy thanh thản với phán quyết của mình.
Lần sau, người cha sai con gái mang heroin đi giao cho người ta rồi thu tiền đem về. Cứ thế, quen dần mỗi khi có khách đến hỏi mua mà cha đi vắng, cô bé kia cứ thế lấy heroin đưa cho khách rồi lấy tiền về đưa cho cha mình.
Khi vụ việc bị phát hiện, dư luận đẩy sự việc lên thành cả gia đình mua bán ma túy. Khi ra tòa, cô nữ sinh hồn nhiên không hề biết rằng, hành vi đó là phạm tội “mua bán trái phép chất ma túy”.
Vậy trường hợp này phải xử lý sao đây? Người cha ít nhất cũng 10 năm tù, còn cô bé hồn nhiên kia ít nhất cũng phải đối mặt với bản án từ 5-7 năm tù. “Nếu xử dưới khung hình phạt 4-5 năm tù thì cũng được nhưng không đáp ứng được yêu cầu giáo dục gì cả mà cuộc đời cô bé này coi như chấm dứt” – thẩm phán Vũ Phi Long day dứt.
Cuối cùng ông quyết định hoãn tuyên án để hội đồng xét xử xem xét rồi quyết định chỉ dành cho cô bé kia 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo dù Viện KSND đề nghị mức án từ 5-7 năm tù.
Ông bảo rằng, nhiều lúc ngồi tòa nhưng tâm trạng đầy day dứt về tình cảm của bị cáo là những người thân trong gia đình như những vụ án con giết cha, vợ giết chồng, anh giết em thậm chí có vụ con hiếp cả mẹ nữa.
“Người mẹ khi ra tòa sẽ gặp hoàn cảnh khốn cùng nhất, đau đớn nhất. Mình sẽ hỏi như thế nào đây để đừng đụng đến nỗi đau giằng xé tâm can của người mẹ” – rồi ông bảo rằng: Nhiều khi nỗi băn khoăn lớn nhất là sự giằng xé giữa pháp luật và đạo đức gia đình nhiều khi xử phải làm sao tính đến cả nỗi đau của người thứ 3 không liên quan đến vụ án nhưng đau đớn hơn người trong cuộc. “Pháp luật mình ít nhiều gì đó chưa đề cập đến nỗi đau này” – ông bảo.
Mong trái tim đừng chai sạn
Ông chỉ vào thanh gươm treo trên tường phòng ông, rồi bảo rằng nhìn nó rất lạnh lùng nhưng ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Như cuộc đời thẩm phán của ông phải “trảm” hàng trăm phận người theo pháp luật dù lòng không muốn chút nào.
Mỗi lần tuyên một bản án tử hình về nhà ông ngủ không được, ăn không thấy ngon và cảm thấy ám ảnh suốt cả tuần. “Án giết người cướp của thì tôi chẳng băn khoăn gì cả. Còn án ma túy, nhiều khi một người cha mua bán ma túy một phần để nuôi bầy con nheo nhóc ăn học. Gánh nặng này giải quyết sao đây?”
Ông bảo rằng, làm thẩm phán sợ nhất là trái tim mình chai sạn, để rồi nhìn đâu cũng thấy phạm tội. Lần tuyên án tử hình đầu tiên, tay ông cảm thấy run, giọng lạc hẳn đi. Nhưng vài năm sau khi ông tuyên án thì mọi người bảo giọng ông đọc hùng hồn và điều đó làm ông cảm thấy sợ. “Sợ mình vô cảm trước nỗi đau về thân phận một con người” – ông nói.
Trong 20 năm làm thẩm phán, kỷ niệm mà ông nhớ đời nhất là một bị cáo tên Hiền quê ở Thanh Hóa, nghe tin chồng bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não ở TP.HCM. Không có tiền vào lo cho chồng, người này đã vay mượn khắp nơi nói dối là đi làm ăn, rồi nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con cuối cùng bị khởi tố về tội lừa đảo.
Ra tòa, Viện KSND đề nghị mức án 2-3 năm tù nhưng khi nghiên cứu hồ sơ ông thấy người này không phạm tội vì bị cáo đã chứng minh suốt thời gian bỏ trốn chỉ để vào bệnh viện chăm sóc chồng nên đã tuyên trắng án. Bị cáo nghe tuyên án xong đã quỳ mọp xuống lạy ông mà không chịu đứng lên.
“Hình ảnh này không được phép diễn ra tại tòa nhưng vì lúc đó quá bất ngờ với hành động của bị cáo tôi sững sờ” – ông kể. Nhưng sau đó bị cáo được trở về quê. Một thời gian sau, VKS kháng nghị buộc bị cáo phải quay trở lại TP.HCM xử phúc thẩm và trên đường đi người phụ nữ này không may bị tai nạn giao thông chết. Hình ảnh người phụ nữ một đời vì chồng con khiến ông cảm thấy day dứt.
Lần khác, ông xử vụ 3 học sinh vì không có tiền đóng góp đi chơi Vũng Tàu đã nghĩ ra cách về nhà lấy thanh gươm ra đường chặn cướp xe máy. Người nhà nạn nhân lên tiếng mạnh mẽ về vụ cướp có tổ chức dùng hung khí nguy hiểm.
Áp lực dư luận rất lớn đòi hỏi người thẩm phán phải xử lý nghiêm theo pháp luật. Nhưng ông quyết định xử 3 học trò này án treo vì xét thấy khi đi cướp, cả 3 còn đeo phù hiệu của trường mình, ngay cả bà con xung quanh cũng cảm thấy ái ngại.
Sau phiên tòa đó, ông cũng bị điều tiếng không tốt nhưng bù lại cả 3 học sinh đều học rất giỏi và bây giờ đã có gia đình, con cái đàng hoàng, trở thành người có ích cho xã hội. Điều đó làm ông cảm thấy tự hào.
Võ Đức Phúc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.