Thanh Hóa: Lò gạch thủ công “đốt” dân

Thứ năm, ngày 22/09/2011 06:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người dân từ thôn 1đến thôn 4, xã Hoằng Yến (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) không giấu được nỗi bức xúc, phản ánh: Gần chục năm nay, khói lò gạch thủ công đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hàng trăm hộ dân. Cứ từ đầu tháng 9 năm trước đến hết tháng 5 năm sau, các chủ lò gạch liên tục đốt lò.
Bình luận 0

Bà Mai Thị Hoa (51 tuổi) sinh sống cách khu lò gạch khoảng 500m, bức xúc: “Khói lò gạch liên tục phả vào thôn, mùi than nồng nặc không thể chịu nổi. Hàng ngày, phải hít khói lò gạch nên số người bị mắc bệnh về đường hô hấp, viêm mũi, viêm xoang rất nhiều. Bà con đã nhiều lần kiến nghị lên xã, nhưng không được giải quyết”.

img
Lò gạch thủ công ở xã Hoằng Yến đang “thiêu đốt” người dân.

Uất ức vì khói bụi lò gạch khiến người dân khổ sở còn lúa và hoa màu chết hàng loạt, ông Nguyễn Văn Nam sống sát khu lò gạch, bộc bạch: “Gia đình tôi có 5 khẩu, mọi thu nhập trong nhà chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng, thế nhưng đến mùa thu hoạch chỉ được 50-60kg/sào, có vụ còn phải bỏ ruộng hoang vì các chủ lò gạch tháo hết nước, không có nước để cấy.

Cách đây mấy ngày, nhiều diện tích lúa đang làm đòng cũng bị héo lá do khói bụi mù mịt của lò gạch. Chúng tôi kiến nghị lên UBND xã. Cán bộ xuống lập biên bản, kê khai những diện tích lúa bị hư hại và yêu cầu các chủ lò gạch phải bồi thường cho mỗi hộ 150.000 đồng/sào tiền phân đạm. Nhưng sau đó, họ chỉ trả có 70.000 đồng/sào.

Năm 2010, người dân trong 4 thôn kê khai tổng số lúa bị thiệt hại là vài chục tấn và yêu cầu chủ lò gạch phải có trách nhiệm, nhưng họ không bồi thường mà còn thách thức người dân”.

Trao đổi với NTNN về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Tốt - Chủ tịch UBND xã Hoằng Yến, giải thích: “Vẫn biết theo Quyết định 115/2001/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là phải chấm dứt mọi hoạt động của các lò gạch thủ công trước năm 2010. Thế nhưng, chúng tôi đã “trót” ký hợp đồng giao thầu với các chủ lò gạch thủ công ở xã từ năm 2005 - 2012 theo Nghị quyết của HĐND xã”.

Ông Tốt khẳng định: “Khi trúng thầu, các chủ thầu đã đóng tiền hết thời gian 7,5 năm cho UBND xã. Số tiền đó, UBND đã dùng để chi phí cho công việc chung, nên bây giờ không có khả năng để trả lại cho các chủ thầu. Vì thế, đành phải để cho các lò gạch thủ công hoạt động theo hợp đồng đến năm 2012. Khi thời hạn hợp đồng hết, chúng tôi sẽ có biện pháp triệt để yêu cầu các lò gạch thủ công ngừng hoạt động”.

Chỉ vì đã lỡ giao thầu cho các chủ lò gạch, mà chính quyền xã Hoằng Yến phải bất lực trước vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ những lò gạch ấy? Đây là điều khó chấp nhận được, đề nghị ngành chức năng Thanh Hóa xử lý rốt ráo, bảo vệ người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem